MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà đầu tư lãi bao nhiêu nếu rót 1.000 USD vào cổ phiếu Microsoft 10 năm trước?

07-11-2019 - 10:34 AM | Tài chính quốc tế

Thông tin Microsoft qua mặt Amazon giành được hợp đồng 10 tỷ USD với Lầu Năm Góc đã giúp cổ phiếu công ty này tăng vọt...

Cuối tháng trước, thông tin Microsoft đánh bại Amazon Web Services của Amazon giành được hợp đồng điện toán đám mây trị giá 10 tỷ USD với Bộ Quốc phòng Mỹ đã giúp cổ phiếu Microsoft tăng hơn 2% lên 144,19 USD. Hơn 1 tuần sau đó, ngày 4/11, cổ phiếu này tiếp tục duy trì giao dịch ở mức dưới 145 USD.

Đây không chỉ là tin tốt cho việc kinh doanh của Microsoft, mà còn cho các cổ đông của công ty này. Theo tính toán của CNBC, nếu rót 1.000 USD vào cổ phiếu này vào năm 2009 và giữ đến nay, nhà đầu tư sẽ có hơn 6.500 USD (tính theo giá đóng cửa ngày 4/11), tương đương lợi nhuận khoảng 550%. Trong cùng thời gian, chỉ số S&P 500 tăng khoảng 260%.

Được thành lập vào năm 1975 bởi Bill Gates và Paul Allen, Microsoft tung ra sản phẩm đầu tiên là phần mềm dịch ngôn ngữ BASIC chạy trên máy tính MITS Altair 8800 - máy tính cá nhân thương mại thành công đầu tiên.

Tới năm 1981, công ty này ra mắt hệ điều hành MS-DOS, chạy trên máy tính cá nhân của IBM. Hai năm sau đó, Microsoft tiếp tục ra mắt phần mềm mới "Windows" để cải thiện giao diện của MS-DOS. Trong vòng 10 năm sau đó, công ty này đã cho ra đời 3 thế hệ Windows thân thiện hơn với hoạt động hàng ngày của người dùng. Nhờ đó, Windows nhanh chóng trở thành hệ điều hành phổ biến cho máy tính tại các gia đình, văn phòng và trường học.

Hiện nay, Microsoft vẫn nổi tiếng với hệ điều hành máy tính Windows. Ngoài ra, các sản phẩm nổi tiếng khác của công ty này gồm có Microsoft Office Suite, gồm các chương trình như Microsoft Word, Excel và PowerPoint, cũng như dịch vụ điện toán đám mây Microsoft Azure. Các sản phẩm phần cứng của Microsoft bao gồm máy chơi game Xbox và máy tính xách tay Microsoft Surface.

Năm 2013, Microsoft mua lại Nokia với giá 7,6 tỷ USD với tham vọng lớn trong mảng thiết bị di động. Tuy nhiên, chỉ hai năm sau đó, tháng 7/2015, Microsoft phải bán lỗ mảng kinh doanh điện thoại phổ thông Nokia với giá 350 triệu USD và sa thải 7.800 nhân viên. Trước đó, vào tháng 10/2010, Microsoft đã ra mắt điện thoại Windows Phone đầu tiên, bắt đầu với Windows Phone 7. Công ty cũng cho ra mắt thêm vài phiên bản nữa, trước khi từ bỏ tham vọng này do các đối thủ gồm Android của Google và Apple quá mạnh.

Năm 2017, Joe Belfiore, phó chủ tịch mảng doanh nghiệp của Microsoft, có một loạt đăng tải trên Twitter nói rằng công ty sẽ không phát triển các tính năng hoặc phần cứng mới cho điện thoại Windows Phone. Tới năm 2019, hãng công nghệ khổng lồ chính thức tuyên bố ngừng hỗ trợ Windows Phone.

Trong những năm qua, bất chấp những sự kiện bất lợi liên tiếp xảy ra, Microsoft vẫn phục hồi ngoạn mục. Tháng 12/2018, Microsoft có thời điểm giữ danh hiệu "công ty niêm yết giá trị nhất thế giới", chỉ sau Apple. Nhiều người cho rằng kết quả này là nhờ công của CEO Satya Nadella, người đã giúp cổ phiếu Microsoft tăng gấp 3 lần vào tháng 7/2018 chỉ sau 4,5 năm giữ vị trí điều hành. Nadella lên làm CEO thay cho ông Steve Ballmer vào năm 2014.

Gần đây nhất, Microsoft giành được hợp đồng cung cấp dịch vụ điện toán đám mây trị giá 10 tỷ USD với Bộ Quốc phòng Mỹ. Trước đó, hợp đồng này được dự báo sẽ về tay Amazon.

Theo Nhật Minh

VnEconomy

Trở lên trên