MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà đầu tư ngoại có thể chiếm giữ 35% cổ phần phân phối xăng dầu

Việc chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài góp phần cải thiện đáng kể quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh.

Sau nhiều lần lấy ý kiến góp ý xây dựng của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân phối xăng dầu và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trên cả nước, Bộ Công Thương mới đây đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Ngoài các kiến nghị đã được đưa ra trong các lần lấy ý kiến trước đây, tờ trình có lưu ý đến quy định tạo thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tham gia phân phối xăng dầu. Cụ thể, Điều 1 của dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Điều 1 của Nghị định 83 quy định, ngoài các thương nhân kinh doanh xăng dầu được Thủ tướng phê duyệt chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, thương nhân kinh doanh xăng dầu được quyền chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng không quá 35%.

Theo quan điểm của Bộ Công Thương - đơn vị chủ trì xây dựng Dự thảo nghị định sửa đổi, do xăng dầu là mặt hàng chiến lược, ảnh hưởng lớn đến dân sinh, an ninh năng lượng nên khi mở cửa lĩnh vực này, Bộ đã tính toán rất kỹ thời điểm phù hợp.

Nhà đầu tư ngoại có thể chiếm giữ 35% cổ phần phân phối xăng dầu - Ảnh 1.

Thương nhân kinh doanh xăng dầu được chuyển nhượng không quá 35% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.

Bởi khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2007, xăng dầu là lĩnh vực Việt Nam không cam kết mở cửa để doanh nghiệp trong nước có cơ hội lớn mạnh, xây dựng cơ sở vật chất và trấn giữ những vị trí quan trọng trong hệ thống phân phối xăng dầu trong nước. Đến nay, sau 13 năm, Việt Nam đã mở cửa cho nhà đầu tư ngoại tham gia đầu tư vào hầu hết các lĩnh vực quan trọng như điện, dầu khí, hàng không…

Do đó, Bộ Công Thương cho rằng, khi có sự tham gia của nhà đầu tư ngoại vào một số doanh nghiệp nhà nước lớn được Thủ tướng cho phép (đầu tư vào Tổng công ty dầu VN - PVOil là 35%, Tổng công ty dầu Bình Sơn 49%, Tập đoàn xăng dầu 20%) đã góp phần cải thiện đáng kể quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh, đặc biệt là giúp giá trị doanh nghiệp tăng thông qua giá trị cổ phiếu.

Trước đó, đầu tháng 12/2019, tại Hội nghị lấy ý kiến xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương cũng khẳng định về sự cần thiết phải sửa đổi Nghị định 83/CP sau 5 năm thực hiện. Nghị định 83/CP sẽ được sửa đổi theo hướng cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Đồng thời, Nghị định sửa đổi sẽ tạo sân chơi bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, giữa các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ; Thu hút các nguồn lực xã hội tham gia vào phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu và thu hút một phần vốn đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xăng dầu nhưng Nhà nước vẫn phải giữ vai trò chi phối.

Có ít nhất 8 nội dung cần được sửa đổi tại Nghị định 83/CP như Quy định về điều kiện kinh doanh và hệ thống phân phối xăng dầu; Rà soát, hoàn thiện về đối tượng quản lý mà Nghị định 83 chưa có; Sửa đổi về cơ chế điều hành giá xăng dầu. Công thức tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu cũng được sửa đổi trong lần này; Những sửa đổi liên quan đến Quỹ Bình ổn giá xăng dầu; Về việc rà soát quy định về thuế nhập khẩu xăng dầu, chế độ ghi chép và hoạch toán tại doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; quản lý chất lượng xăng dầu và rà soát sửa đổi, bổ sung nội dung giải thích từ ngữ để thống nhất cách hiểu trong khuôn khổ Nghị định.

Riêng với việc rà roát để hoàn thiện về đối tượng quản lý và kinh doanh xăng dầu, đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, Dự thảo trình Chính phủ lần này đã có nội dung sẽ cho phép mở các máy bán xăng dầu mini hoạt động ở những nơi chưa được đầu tư cửa hàng xăng dầu và được Sở Công Thương địa phương cho phép.

Điều này bảo đảm đáp ứng được nguồn cung xăng dầu cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa, những địa bàn khó khăn (ít được các doanh nghiệp đầu tư cây xăng do kém hiệu quả về kinh tế), địa bàn quá chật hẹp (tại các thành phố lớn, khu trung tâm, phố cổ không đủ mặt bằng để đầu tư cây xăng theo quy định)./.

Theo Nguyễn Quỳnh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên