MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 60.000 tỷ trên TTCK Việt Nam từ đầu năm, lớn nhất Đông Nam Á

Khối ngoại bán ròng cả châu Á, trừ Indonesia và Ấn Độ

Khối ngoại bán ròng cả châu Á, trừ Indonesia và Ấn Độ

Hầu hết các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam thuộc các lĩnh vực tài chính, bất động sản, trong khi những ngành thu hút dòng tiền mạnh trên thế giới như công nghệ, bán lẻ, y tế, giáo dục không có nhiều lựa chọn và bị giới hạn sở hữu nước ngoài.

Từ đầu năm tới nay, xu hướng bán ròng của khối ngoại diễn ra khá mạnh và chưa có xu hướng dừng lại. Trong tuần từ 29/11-3/12, khối ngoại tiếp tục bán ròng trên toàn thị trường với giá trị bán ròng cả tuần với giá trị tiếp tục tăng cao lên mức 3.301 tỷ đồng, khối lượng bán ròng đột biến lên khoảng 84 triệu cổ phiếu trong tuần vừa qua.

Luỹ kế, giá trị bán ròng lũy kế từ đầu năm tới nay lên tới 59.937 tỷ đồng, vượt mức 2,6 tỷ USD USD, con số kỷ lục từ trước tới nay. Theo ước tính, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện chỉ ở mức 16%, thấp nhất kể từ tháng 7/2019 tới nay.

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 60.000 tỷ trên TTCK Việt Nam từ đầu năm, lớn nhất Đông Nam Á - Ảnh 1.

Khối ngoại bán ròng miệt mài từ năm 2020 đến nay. Nguồn: MAS

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Mirae Asset trong 11 tháng đầu năm, khối ngoại đã bán ròng gần 55 nghìn tỷ đồng (tương đương 2,6 tỷ USD), tập trung vào các mã HPG (gần 17,4 nghìn tỷ đồng), VPB (gần 8 nghìn tỷ đồng), VNM (6,9 nghìn tỷ đồng), VIC (6,8 nghìn tỷ đồng), CTG (5,8 nghìn tỷ đồng), SSI (gần 4 nghìn tỷ đồng), và NLG (2,6 nghìn tỷ đồng). 

Ở chiều ngược lại, khối ngoại mua ròng chủ yếu các cổ phiếu STB (hơn 4 nghìn tỷ đồng) và VHM (3,5 nghìn tỷ đồng).

Xét theo ngành, Nguyên vật liệu, Thực phẩm đồ uống, Ngân hàng và Bất động sản là những ngành bị bán ròng mạnh trong năm 2021; trong khi đó, Bán lẻ, Dầu khí, Y tế, Phần mềm và Dịch vụ, Thiết bị và phần cứng là những ngành thu hút được dòng vốn ngoại.

"Đà bán ròng của khối ngoại gia tăng đáng kể trong năm nay, gấp 3 lần so với mức bán ròng trong năm 2020. Đáng chú ý, khối ngoại đã bắt đầu rút ròng liên tiếp kể từ tháng 8 năm 2019", MAS cho hay đà bán ròng của khối ngoại tại thị trường Việt Nam cùng nằm trong xu thế rút ròng của khối ngoại diễn ra khắp các thị trường châu Á như Hàn Quốc: -25,6 tỷ USD, Đài Loan: -18,4 tỷ USD, Thái Lan: -2,3 tỷ USD, Philippines: -1,7 tỷ USD), ngoại trừ thị trường Ấn Độ (+5,5 tỷ USD) và Indonesia (+2,6 tỷ USD). 

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 60.000 tỷ trên TTCK Việt Nam từ đầu năm, lớn nhất Đông Nam Á - Ảnh 2.

Mức mua/bán ròng của khối ngoại với các thị trường khu vực châu Á. Nguồn MAS

Theo MAS, dòng vốn ngoại lưu chuyển từ các thị trường mới nổi/cận biên về các thị trường Mỹ đã bắt đầu từ 2020, với các lý do chính như sau: Đồng USD lên giá tương đối;  Các gói kích thích kinh tế lớn ở Mỹ và  thị trường chứng khoán Mỹ liên tục lập đỉnh mới. Thêm vào đó, khả năng Mỹ nâng lãi suất điều hành trong tương lai khi nền kinh tế Mỹ phục hồi trước các nước trên thế giới, cũng như xu hướng tăng của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tiếp tục thúc đẩy xu hướng này. 

Tuy nhiên, theo thống kê của MAS, dòng vốn ETF đã vào ròng liên tục trong 5 năm trở lại đây.

Năm 2021, các ETF đã vào ròng gần 115 triệu USD trong 11 tháng đầu năm, chủ yếu từ Fubon FTSE Vietnam ETF (+203 triệu USD). Tuy nhiên, Fubon đã rút ròng gần 131 triệu USD trong 4 tháng liên tiếp (từ tháng 8-11), sau khi vào ròng đáng kể trong tháng 4 (+168 triệu USD) và tháng 7 (+172 triệu USD).

Trái ngược với trạng thái bán ròng của khối ngoại, nhà đầu tư cá nhân trong nước duy trì trạng thái mua ròng kể từ đầu năm đến nay. Nhà đầu tư cá nhân trong nước mua ròng tổng cộng hơn 84 nghìn tỷ đồng trong tháng 11 tháng đầu năm. Trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp, nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư chuyển hướng sang kênh đầu tư chứng khoán, với số lượng tài khoản mở mới của cá nhân trong nước duy trì trên mức 100 nghìn tài khoản mỗi tháng kể từ tháng 3. Tổng cộng nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mở mới hơn 1 triệu tài khoản trong 10 tháng đầu năm, chiếm 99,5% tổng số tài khoản mở mới. Đây là động lực chính giúp tăng thanh khoản thị trường và VN-Index liên tục lập đỉnh mới trong năm 2021. 

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 60.000 tỷ trên TTCK Việt Nam từ đầu năm, lớn nhất Đông Nam Á - Ảnh 3.

Nhà đầu tư cá nhân trỗi dậy "cân" khối ngoại

Công ty Chứng khoán SSI cũng cho biết, khối ngoại tiếp tục bán ròng trên thị trường chứng khoán tháng thứ 4 liên tiếp, với giá trị tăng dần theo tháng. Cụ thể, trong tháng 11, khối ngoại bán ròng với tổng giá trị là 8.908 tỷ đồng – cao hơn gần 500 tỷ so với tháng 10. Khối ngoại đã bán ròng 14/22 ngày trong tháng với giá trị bán ròng lớn nhất lên đến hơn 2 nghìn tỷ đồng. Tổng lượng bán ròng trong 11 tháng đầu năm là 57,7 nghìn tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức bán ròng hơn 16 nghìn tỷ cùng kỳ năm ngoái.

Trái ngược với kỳ vọng, xu hướng rút vốn của các quỹ ETF và các quỹ chủ động chưa có nhiều cải thiện trong tháng 11, mặc dù hoạt động sản xuất đã được khôi phục trở lại và nền kinh tế đang từng bước quay lại trạng thái bình thường mới. Bên cạnh lý do khách quan đến từ việc FED phát tín hiệu có thể thắt chặt sớm hơn kỳ vọng khiến dòng tiền rút ra khỏi thị trường mới nổi, lý do chủ quan đến từ việc đồng VND tương đối mạnh so với các đồng tiền khác trong khu vực (tăng 1,6% so với USD trong năm 2021) và tỷ trọng các nhóm ngành trong thị trường chứng khoán Việt Nam chưa đa dạng và bị giới hạn về sở hữu nước ngoài. 

"Hầu hết các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam thuộc các lĩnh vực tài chính, bất động sản, trong khi những ngành thu hút dòng tiền mạnh trên thế giới như công nghệ, bán lẻ, y tế, giáo dục không có nhiều lựa chọn và bị giới hạn sở hữu nước ngoài", SSI nêu quan điểm. 

Bạch Huệ

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên