MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà đầu tư nước ngoài có được góp vốn bằng tiền mặt không?

Nhà đầu tư nước ngoài có được góp vốn bằng tiền mặt không?

Nhiều doanh nghiệp chọn cách huy động vốn bằng việc nhận vốn góp từ nhà đầu tư nước ngoài. Vậy, các nhà đầu tư nước ngoài cần lưu ý những điều gì về hình thức góp vốn trong quá trình đầu tư?

Khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định, góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty, bao gồm góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập.

Căn cứ Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020, tài sản góp vốn được quy định như sau:

Tài sản góp vốn là đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng đồng Việt Nam.

Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản quy định tại khoản 1 Điều này mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật.

Như vậy, vốn góp phải là tài sản được liệt kê theo quy định trên hoặc tài sản khác được định giá bằng đồng Việt Nam. Hiện pháp luật doanh nghiệp không quy định số vốn tối thiểu phải góp vào công ty là bao nhiêu, mà sẽ tùy thuộc vào nhu cầu của mỗi công ty.

Tuy nhiên, một số ngành, nghề kinh doanh có yêu cầu phạt đạt đủ số vốn góp tối thiểu (vốn pháp định) mới được phép hoạt động kinh doanh, điển hình như:

- Kinh doanh bất động sản: 20 tỷ đồng

- Dịch vụ xuất khẩu lao động: 5 tỷ đồng

Nhà đầu tư nước ngoài có được góp vốn tiền mặt vào công ty?

Khoản 1 Điều 3 Thông tư 06/2019/TT-NHNN quy định, nhà đầu tư nước ngoài bao gồm: cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

Theo đó, việc nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào doanh nghiệp thông qua việc cấp giấy phép đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư. Cụ thể, khoản 3 Điều 4 Thông tư 06/2019/TT-NHNH quy định:

3. Việc góp vốn đầu tư bằng tiền của nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư Vệt Nam phải được thực hiện thông qua hình thức chuyển khoản vào tài khoản vốn đầu tư trực tiếp.

Như vậy, khi nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào công ty tại Việt Nam để tiến hành hoạt động đầu tư, kinh doanh thì bắt buộc phải góp theo hình thức chuyển khoản chứ không được góp vón bằng tiền mặt.

Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài không tuân thủ quy định về hình thức góp vốn, cụ thể là góp vốn bằng tiền mặt thì sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng theo điểm b khoản 5 Điều 13 Nghị định 50/2016/NĐ-CP.

Ngoài ra, cá nhân, tổ chức phải góp đủ vốn trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Nếu không góp đủ vốn thì doanh nghiệp đó phải làm thủ tục giảm vốn điều lệ.

Trường hợp công ty không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn điều lệ như đã đăng ký có thể bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng (khoản 3 Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP).

Hà Trần

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên