MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà đầu tư nước ngoài nhìn nhận như thế nào về thị trường chứng khoán Việt Nam?

Các chuyên gia nước ngoài đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam tương đối phát triển nhưng vẫn còn một số hạn chế nhất định. Dòng vốn ngoại đang chờ thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng trong tương lai gần.

Theo ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital, thị trường chứng khoán Việt Nam được thành lập và đang hoạt động ổn định về mặt thanh khoản, quy định hạ tầng cơ sở, sự hiểu biết, cũng như sự tham gia tương đối đầy đủ của các thành phần trên thị trường. Cùng với đó, ngày càng nhiều hơn các doanh nghiệp lên sàn giao dịch chính thức. Thị trường vốn đã tạo nên một trong những kênh trọng yếu để tài trợ các nguồn vốn trung và dài hạn cho những nhà phát hành. Đây được coi là điểm rất khác so với 20 năm về trước, thời điểm đó, hệ thống ngân hàng thương mại được coi là trọng yếu trong ngành tài chính Việt Nam nhưng nguồn vốn này chủ yếu là ngắn hạn. Bên cạnh đó, sự lớn, mạnh lên của các tập đoàn tư nhân được cho là những chủ thể lớn cho sự phát triển sau này của thị trường.

Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm trưởng bộ phận Đầu tư, Vinacapital đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang có sự phát triển mạnh mẽ. Tổng vốn hóa trên thị trường chứng khoán vượt 300 tỷ USD, chiếm hơn 100% GDP. Dù vậy, quan trọng là 25 năm tới thị trường Việt Nam sẽ phát triển như thế nào để tạo ra sự minh bạch và an toàn, để nhà đầu tư tiếp tục đầu tư vào.

Hai chuyên gia nước ngoài cũng đã đưa ra đánh giá về sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng trong thời gian tới. Theo ông Andy Ho, Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng lành mạnh, thậm chí nếu Nhà nước đầu tư hạ tầng tốt hơn sẽ giúp đỡ sản xuất. Việc đầu tư vào giáo dục cũng rất quan trọng do sớm muộn chi phí lao động ở Việt Nam sẽ tăng. Ông hy vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng đều khoảng 6 – 7%/năm trong khoảng 5 năm tới. Doanh nghiệp có thể tăng lợi nhuận từ 10 – 20%. Trong tương lai VND được kỳ vọng sẽ giữ ổn định hoặc tăng so với USD.

Theo quan điểm của ông Dominic Scriven, trên thế giới cũng như trong khu vực đang bắt đầu hình thành góc nhìn đối với Việt Nam như là đầu tàu kinh tế của ASEAN, quy mô của thị trường chắc chắn sẽ tăng lên. Mức độ phát triển về công cụ, công nghệ phục vụ cho khách hàng ngày càng phát triển, giúp Việt Nam hiện không thua các thị trường khác. Vai trò của các thành phần khác nhau trên thị trường chứng khoán sẽ ngày càng đa dạng hóa. Bên cạnh nhà đầu tư cá nhân, Việt Nam nên có quỹ hưu trí, bảo hiểm tham gia để đa dạng hóa hoạt động hàng ngày trên thị trường. Các doanh nghiệp niêm yết cần quản trị và trách nhiệm sâu hơn. Ông Dominic Scriven nhận mạnh nếu đạt được hết các điểm trên thì thị trường sẽ có chi phí rẻ hơn cho cả nhà phát hành cũng như nhà đầu tư.

Nhà đầu tư nước ngoài nhìn nhận như thế nào về thị trường chứng khoán Việt Nam? - Ảnh 1.

Chương trình Talkshow Phố Tài chính ngày 29/11.

Vì sao khối ngoại bán ròng?

Theo số liệu từ các công ty chứng khoán, mặc dù thanh khoản của thị trường đã tăng lên mức trung bình hơn 30.000 tỷ đồng/phiên nhưng nhà đầu tư nội chiếm phần lớn. Nếu như trước đây, quy mô giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 20% giá trị giao dịch/phiên thì hiện tại chỉ 7%, trong khi quy mô vốn hóa của thị trường chứng khoán đã tăng lên hơn 122% GDP. Dù khối ngoại bán ra liên tục trên thị trường chứng khoán, nhưng theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài hiện vẫn đạt khoảng 50 tỷ USD.

Theo ông Dominic Scriven, trên thị trường chứng khoán có mua sẽ có bán. Như Dragon Capital huy động thêm nhưng xu hướng chung của khối ngoại là bán ròng. Nguyên nhân thứ nhất là do Việt Nam được xét là thị trường cận biên và đầu tư vào các thị trường cận biên đang kém hấp dẫn hơn. Vì vậy, nhiều nhà đầu nước ngoài phải bán khoản đầu tư tại đây dù thị trường có sự tiến bộ về nhiều mặt. Cùng với đó, Việt Nam chưa được xét vào các thị trường mới nổi nên mất khả năng để thu hút vốn ngoại. Thứ ba là ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và phản ứng dễ nhận thấy đó là khối ngoại sẽ rút tiền về nếu có sự cố xảy ra.

Ông Andy Ho nhận định khối ngoại sẽ quay trở lại Việt Nam nhưng quan trọng là cần có đầy đủ sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của họ. Ông hy vọng trong tương lai sẽ có một số sản phẩm phái sinh để cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia. Thứ hai, Việt Nam cần được nâng hạng từ thị trường cận biên sang thị trường mới nổi của MSCI.

Hai đại diện cho tổ chức nước ngoài nói trên cũng đưa ra những giải pháp giúp thị trường chứng khoán Việt Nam thu hút thêm dòng vốn ngoại. Theo đó, Chủ tịch Dragon Capital cho rằng giải pháp thứ nhất là khả năng tiếp cận đủ thông tin như các nhà đầu tư trong nước. Các công ty cần có công bố công bố thông tin bằng tiếng Anh, Nhật... Thứ hai là quy định buộc nhà đầu tư nước ngoài phải có sẵn tiền ngay khi mua chứng khoán và đây được coi là trở ngại nhất định. Thứ ba là việc mua cổ phiếu của các công ty đã hết room. Ông Dominic đánh giá Việt Nam là thị trường có độ mở đủ trong khi những tồn tại không quá lớn.

Bổ sung thêm quan điểm của ông Dominic, ông Andy Ho cho rằng độ mở của thị trường chứng khoán Việt Nam có thể tốt hơn. Ông đưa ra ví dụ về việc mở tài khoản giao dịch chứng khoán Việt Nam tương đối phức tạp cho nhà đầu tư nước ngoài. Nếu quy trình mở tài khoản cho khối ngoại dễ dàng hơn thì sự tham gia sẽ nhiều hơn. Cùng với đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng muốn hiểu nhà đầu tư trong nước lựa chọn sản phẩm nào nhưng các sản phẩm chứng khoán hiện tại vẫn còn hạn chế.

Theo Bình An

Người đồng hành

Trở lên trên