MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà đầu tư Thái Lan nhìn chứng khoán Việt Nam như mỏ vàng!

Các nhà đầu tư Thái Lan cho rằng, TTCK Việt Nam giống như TTCK Thái Lan cách đây 10 năm, còn có nhiều công ty chưa được định giá đúng và hiện tại TTCK Việt Nam vẫn đang còn rẻ so với khu vực.

Thập niên 90, một phái đoàn Việt Nam trong đó có thành viên Bộ Tài Chính, Ủy ban chứng khoán và hai lãnh đạo CTCK sang Thái Lan học tập kinh nghiệm xây dựng thị trường chứng khoán. Hơn 16 năm trôi qua, TTCK Việt Nam giờ đây lại đang chuẩn bị đón nhận làn sóng đầu tư mới từ các nhà đầu tư Thái Lan.

Những ngày này, CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đang tổ chức chương trình giới thiệu TTCK Việt Nam và thăm quan các doanh nghiệp niêm yết cho một đoàn gần 100 nhà đầu tư Thái Lan, hầu hết là nhà đầu tư cá nhân với mức thu nhập cao và đã có một thời gian dài đầu tư trên thị trường chứng khoán Thái. Nhóm nhà đầu tư này đã lập thành một cộng đồng và chủ động liên hệ với CTCK có thị phần lớn nhất Việt Nam nhằm giúp có một cái nhìn trực diện hơn về TTCK Việt Nam trước khi ra quyết định đầu tư. Hơn một nửa trong số họ lần đầu tiếp xúc thông tin về TTCK Việt Nam và mở tài khoản, một số khác đã tìm hiểu nhưng chưa giải ngân, và một số đã có kinh nghiệm giao dịch tại thị trường Việt Nam khoảng 2 năm.

Thực tế các đợt đi thăm doanh nghiệp (company visit) được các CTCK tổ chức thường xuyên, nôm na là đưa các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài và trong nước đi thăm quan, gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo doanh nghiệp, trực tiếp tham quan nhà máy, xưởng sản xuất…Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên CTCK tổ chức một đợt company visit với một số lượng nhà đầu tư cá nhân nước ngoài lớn đến vậy.

Khi trao đổi với các nhà đầu tư Thái Lan, người đọc khá ngạc nhiên khi hầu hết trong số họ đều cảm thấy lạc quan với TTCK Việt Nam. Theo số liệu từ Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan, chỉ số SET (Stock Exchange of Thailand) kể từ đầu năm đến nay tăng 15,84%, trong 6 tháng qua tăng 19,76%, PE hiện ở mức 22,8 lần và các nhà đầu tư Thái Lan cho rằng các công ty niêm yết trên SET đã bắt đầu đắt. Họ bắt đầu đi tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới.


Tương quan TTCK Việt Nam so với các nước (nguồn: SSI)

Tương quan TTCK Việt Nam so với các nước (nguồn: SSI)

Các nhà đầu tư Thái Lan cho rằng, TTCK Việt Nam giống như TTCK Thái Lan cách đây 10 năm, còn có nhiều công ty chưa được định giá đúng và hiện tại TTCK Việt Nam vẫn đang còn rẻ so với khu vực. Nhiều người đã kiếm được khoản lời khổng lồ từ TTCK Thái Lan và họ kỳ vọng sẽ làm được như vậy tại TTCK Việt Nam.

Tại hội thảo giới thiệu tổng quan về nền kinh tế Việt Nam, các cơ hội đầu tư tại Việt Nam, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, giám đốc bộ phận Phân tích và tư vấn khách hàng cá nhân CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI đã phải trả lời rất nhiều câu hỏi của các nhà đầu tư Thái Lan về các ngành có tiềm năng đầu tư tại Việt Nam hiện tại. Khẩu vị của các nhà đầu tư Thái Lan chủ yếu là các ngành liên quan đến bán lẻ, khách sạn, bệnh viện nhưng các ngành này chưa có nhiều công ty niêm yết. Trên thị trường chứng khoán Thái, các nhà đầu tư ưa thích các ngành liên quan đến ngân hàng, bán lẻ, khách sạn, năng lượng…Họ rất thắc mắc tại sao ở Việt Nam không có chuỗi các cửa hàng tiện lợi như 7Eleven, với tốc độ tăng trưởng của Việt Nam hiện tại ngành xây dựng hạ tầng có phát triển không?...

Mức kỳ vọng đặt ra cho mỗi nhà đầu tư là khác nhau, có nhà đầu tư kỳ vọng mỗi năm lợi nhuận đạt 10% và nhận cổ tức khoảng 5%, và nhà đầu tư này cảm thấy rất hào hứng khi biết trên TTCK Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp trả cổ tức 20% thậm chí 30% một năm, và mức cổ tức này được duy trì đều qua các năm. Một số khác lại kỳ vọng có thể nhân 5 thậm chí nhân 10 tài khoản sau 10 năm. Họ cho biết hầu hết các nhà đầu Thái khi quyết định sang đây tìm hiểu đầu tư đều là các nhà đầu tư dài hạn.

Làm gì để kích hoạt được dòng tiền

Một trong các rào cản thu hút dòng vốn nước ngoài hiện nay lại đến từ một thứ không ai ngờ tới: ngôn ngữ! Trước đây thị trường lo ngại về room ngoại nhưng thực sự điều các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại khi muốn đầu tư vào Việt Nam là rào cản về thông tin. Nhu cầu thông tin là thực sự cần, nhưng không phải lãnh đạo doanh nghiệp nào cũng nói được tiếng Anh. Website của các doanh nghiệp cũng chỉ đơn thuần công bố thông tin bằng tiếng Việt, điều này khiến các nhà đầu tư nước ngoài bắt buộc phải cầu cứu đến các CTCK, nơi cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp và có các môi giới, các nhà tư vấn có thể làm việc toàn cầu.

Hơn 700 mã niêm yết trên hai sàn, chưa kể hơn 300 mã giao dịch trên Upcom, việc lựa chọn đầu tư cổ phiếu nào, đọc thông tin ở đâu, ngay với bản thân các nhà đầu tư trong nước cũng cảm thấy khó. Với các nhà đầu tư nước ngoài, họ nhìn thấy tiềm năng to lớn tại TTCK Việt Nam, nhưng để kích hoạt dòng tiền và thu hút thêm được dòng tiền mới, bản thân TTCK Việt Nam, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam phải tự thay đổi, công bố thông tin minh bạch bằng hai thứ tiếng, sẵn sàng chào đón các đoàn nhà đầu tư tới thăm, sẵn sàng trao đổi thông tin…

Nếu làm được như vậy, đường về lại 1.000 điểm của VN-Index chắc sẽ không còn xa!

Theo Phương Mai

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên