MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà giá rẻ cho công nhân: Cần đột phá

10-12-2021 - 15:54 PM | Bất động sản

Nhà giá rẻ cho công nhân: Cần đột phá

TPHCM đã có những động thái đầu tiên trong việc triển khai kế hoạch xây dựng 1 triệu căn hộ giá rẻ, nhà ở xã hội cho người lao động. Tuy nhiên, thực tế việc thực hiện kế hoạch này đang phải đối mặt rất nhiều thách thức. Làm nhà ở cho công nhân cần có chính sách đột phá.

Đặt mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà giá thấp cho công nhân từ nay đến năm 2025, nghĩa là TPHCM phải hoàn thành trong 4 năm nữa. Thế nhưng 5 năm qua, TPHCM chỉ phát triển được thêm gần 15.000 căn, nâng tổng số nhà ở xã hội hiện nay lên 18.000 căn. Trong nửa đầu năm 2021, có hơn 10 dự án nhà ở được Sở Xây dựng TPHCM xác nhận đủ điều kiện huy động vốn nhưng phân khúc căn hộ bình dân hay nhà ở xã hội đều không xuất hiện.

Hiện nay ở TPHCM có tổng cộng 34.670 căn nhà trọ, 330.174 phòng trọ với tổng diện tích sàn xây dựng gần 5,6 triệu m2 do người dân tự xây. Tuy nhiên, con số này chỉ đáp ứng được một phần nào nhu cầu nhà ở thường xuyên tăng cao tại TPHCM.

Đề án Xây dựng chương trình phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2021-2030 xác định hướng giai đoạn 2021-2030 là tiếp tục phát triển nhà ở hộ gia đình dân tự xây, nhà ở tập trung, tăng mạnh tại các quận nội thành phát triển, các huyện ngoại thành và giảm dần tại khu vực nội thành trung tâm.

Để hiện thực hóa điều này, TPHCM đã khởi công dự án nhà ở xã hội cho công nhân có quy mô 1.000 căn hộ với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.200 tỷ đồng. Dự án được xây dựng trên diện tích hơn 2 ha tại phường Thạnh Mỹ Lợi, thành phố Thủ Đức, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trong quý IV/2024, đáp ứng nhu cầu sinh sống cho hơn 3.000 người.

Ngoài dự án này, TPHCM cũng đang gấp rút rà soát lại quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội trong thời gian tới. Ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, TPHCM dự kiến xây dựng 50 triệu m2 sàn, với 366.000 căn hộ. Trong đó, có 25 dự án với 30.610 căn nhà ở xã hội cho công nhân và người thu nhập thấp trên địa bàn.

Sở Xây dựng đang phối hợp Sở TN&MT rà soát, thống kê quỹ đất nhà ở xã hội do Nhà nước quản lý được điều tiết tại các dự án nhà ở thương mại để yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương thực hiện, trường hợp không đầu tư xây dựng phải bàn giao lại để Nhà nước triển khai, tránh lãng phí.

Khó nhất vẫn là cơ chế

Để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, Bộ Xây dựng đã đề nghị bổ sung vào chương trình phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2023 gói tín dụng 65.000 tỷ đồng để xây nhà ở xã hội, nhà cho công nhân. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp bất động sản nói rằng, các gói hỗ trợ mới giải quyết được một vấn đề là vốn, trong khi vấn đề quan trọng hơn là cơ chế pháp lý thì vẫn còn nhiều bất cập, gây cản trở đầu tư.

Để rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng cho các dự án nhà ở xã hội, Sở Xây dựng TPHCM cho biết, thành phố sẽ chuẩn bị sẵn bản thiết kế mô hình mẫu cho nhà ở xã hội. Đây là bản thiết kế được lựa chọn từ các cuộc thi do nhiều nhà đầu tư, kiến trúc sư tham gia. Nếu lựa chọn, doanh nghiệp vừa được miễn thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở trong hồ sơ cấp phép xây dựng, vừa giảm thời gian xét duyệt hồ sơ, chi phí đầu tư, từ đó kéo giảm giá nhà, gia tăng lợi nhuận cho nhà đầu tư.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành, cho rằng, có một nghịch lý là pháp lý dự án nhà ở xã hội còn vướng hơn dự án nhà ở thương mại, bởi hiện không có quy chuẩn, không có quy trình riêng nào cho dự án nhà ở xã hội, mà đang “dùng chung” với dự án nhà ở thương mại.

“Ngay ở khâu xin giấy phép xây dựng đã bị “soi” rất kỹ, khiến thủ tục pháp lý để làm một dự án nhà ở xã hội bị kéo dài, có khi lên tới 3 năm vẫn chưa chắc được cấp giấy phép xây dựng. Dù thực hiện dự án nhà ở xã hội với vốn tự bỏ ra, đất tự bồi thường mà vẫn kiểm toán lên xuống nhiều lần khiến doanh nghiệp nản lòng”, ông Nghĩa nói.

Ông Ngô Quang Phúc, Tổng Giám đốc Phú Đông Group, cho rằng, để đạt chỉ tiêu về nhà ở xã hội, nhà dành cho người có thu nhập thấp, TPHCM cần rà soát và thu hồi quỹ đất 20% làm nhà ở xã hội từ các dự án thương mại; các quỹ đất công từ nhà, xưởng của những đơn vị phải di chuyển ra khỏi nội thành. Bên cạnh đó, cần quy hoạch quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, nhất là những khu vực gần các khu công nghiệp, khu chế xuất và những quận đang phát triển có nhiều công nhân và lao động nhập cư.

“Để phát triển nhà ở xã hội hay nhà ở giá thấp cho người lao động thu nhập thấp, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải có đất, thủ tục hành chính phải thuận tiện, chưa kể các biện pháp chống đầu cơ nhằm đảm bảo nhà giá thấp đến được với người thu nhập thấp”, ông Phúc nói.

Lấy bài học một số quốc gia trong khu vực xây dựng nhà cho công nhân ở cách trung tâm của đô thị trên dưới 30km nhưng được kết nối giao thông thuận lợi, người dân chỉ đi trong phạm vi chưa đến 1 giờ, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, đề nghị nên triển khai theo cách thức này. Có như vậy mới thu hút được người dân về ở các khu đô thị vệ tinh.

Ông Châu cũng cho rằng, Nhà nước cần phải linh hoạt phát triển các loại hình nhà ở giá rẻ. Đối với công nhân, người lao động thu nhập thấp, Nhà nước nên tư duy đáp ứng nhu cầu về “chỗ ở”, chứ không phải là nhu cầu về “sở hữu nhà ở”. Ví dụ, các loại nhà ở xã hội cho thuê hằng tháng, nhà bán trả góp dài hạn, nhà lưu trú công nhân , nhà ở công đoàn, nhà ở thương mại giá thấp.

Theo DUY QUANG

Tiền phong

Trở lên trên