"Nhà giàu cũng khóc" vì biến đổi khí hậu
Đến thăm bang Rhineland-Palatinate bị ảnh hưởng nặng nề bởi trận mưa lũ tuần trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 18-7 cảm thán: "Thật đáng sợ. Khó lòng mô tả nổi sự tàn phá khủng khiếp này bằng tiếng Đức". Tính đến nay, đã có ít nhất 188 người thiệt mạng trong khu vực, trong đó 157 người tại Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Ngoài ra còn hàng trăm người mất tích tại Đức, Bỉ và Hà Lan.
Theo báo The New York Times (Mỹ), các thảm họa do toàn cầu nóng lên đã gây ra nhiều thiệt hại ở các nước đang phát triển, từ siêu bão Haiyan vùi dập Philippines năm 2013 đến các đảo quốc có nguy cơ biến mất do nước biển dâng. Trong các cuộc họp về khí hậu năm 2013, nhiều nước đang phát triển yêu cầu được trợ giúp để vượt qua những thảm họa mà theo giới khoa học là hậu quả của hơn một thế kỷ sử dụng than, dầu và khí đốt - làm nên sự thịnh vượng của một số nước giàu có nhất thế giới hiện nay. Khí thải nhà kính thoát ra từ các hoạt động trên đã tích tụ trong khí quyển, làm trái đất nóng lên và giờ đây tấn công các nước giàu có, theo bà Ulka Kelkar, Giám đốc về khí hậu tại văn phòng Ấn Độ của Viện Tài nguyên thế giới.
Một khu vực bị mưa lũ tàn phá ở Bad Muenstereifel - Đức hôm 19-7 Ảnh: REUTERS
Trước trận mưa lũ khủng khiếp ở Tây Âu, các vùng ở Tây Bắc nước Mỹ vốn nổi tiếng với thời tiết lạnh lại chứng kiến hàng trăm người chết vì nắng nóng. Tại Canada, cháy rừng xóa sổ một thị trấn trên bản đồ trong khi cháy rừng cũng đang lan rộng ở 12 bang thuộc miền Tây nước Mỹ.
Theo báo The New York Times, một báo cáo khoa học năm 2018 cảnh báo nếu để nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, hậu quả thảm khốc sẽ giáng xuống nhiều nơi trên thế giới. Muốn thoát khỏi kịch bản này, toàn thế giới phải cắt giảm một nửa lượng khí thải trước năm 2030. Thế nhưng, nhiệt độ trung bình toàn cầu hiện đã tăng thêm 1 độ C kể từ năm 1880 và lượng khí thải tiếp tục tăng.
Trong số các nền kinh tế lớn, Ủy ban châu Âu tuần trước đề xuất các luật cấm bán ôtô chạy bằng xăng dầu trước năm 2035, yêu cầu hầu hết ngành công nghiệp trả tiền cho lượng khí thải họ thải ra và quan trọng nhất là đánh thuế hàng hóa nhập từ các nước có chính sách khí hậu "nhẹ tay". Tuy nhiên, những đề xuất này vấp phải phản đối dữ dội từ nhiều nước trong lẫn ngoài khối, khiến cho triển vọng hợp tác chống biến đổi khí hậu toàn cầu càng khó khăn.
Người Lao động