MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà giàu đang tháo chạy khỏi homestay như cách đây 10 năm?

07-08-2023 - 14:48 PM | Bất động sản

Nhiều chủ homestay đang phải rao bán cắt lỗ khi kinh doanh thua lỗ. Làn sóng bỏ phố về rừng đang dần rơi vào lụi tàn.

Mới đây, hình ảnh những chiếc ô tô hạng sang ngập trong bùn đất sau trận mưa lớn quanh khu vực hồ Ban Tiện (thôn Phú Ninh, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) được cộng động mạng liên tục chia sẻ. Dọc theo con đường đất đá, nơi những chia sẻ bị vùi lấp bởi đất là những khu nghỉ dưỡng, homestay.

Nhà giàu đang tháo chạy khỏi homestay như cách đây 10 năm? - Ảnh 1.

Những chiếc xe ô tô bị lún trong đất. (Nguồn ảnh: VTC).

5 năm trước, chị Anh cho biết, khu vực quanh hồ Ban Tiện khá sơ khai, chỉ chủ yếu là cây trồng san sát. Năm 2018, làn sóng bỏ phố về vùng ven bắt đầu bùng phát và manh nha, nhưng lô đất rộng, đẹp sát hồ bắt đầu được rao bán. Giá đất cũng tăng. Đến năm 2020-2021, các homestay, resort bắt đầu được xây dựng.

“Có thể do những homestay mọc lên quá nhiều, trong khi hạ tầng chưa theo kịp, nhất là về vấn đề thoát nước, khiến khi mưa lớn, nước đọng dồn lại, dẫn tới đất sụt lún”, chị Ngọc nói.

Anh Nguyễn Hùng Cường (nhà đầu tư ở Hà Nội) kể lại, năm 2019, anh từng đến khu vực hồ Ban Tiện để “săn” đất. Thời điểm này, khu vực hồ Đồng Đò, một trong những hồ lớn ở Sóc Sơn, dân đầu tư đã mua đi bán lại nhiều lần, đẩy giá đất xung quanh lên cao. Trong khi đó, hồ Ban Tiện mới bắt đầu hút các nhà đầu tư. “Thế nhưng, tôi nhớ thời điểm 2019, giá đất homestay ở khu vực hồ ban Tiện đã tăng mạnh. Đất mua bán sang tay không ai xác nhận, nhưng tương đương với giá đất thổ cư”.

Theo anh Cường, làn sóng “bỏ phố về rừng” làm homestay, farmstay đã xuất hiện từ hơn 10 năm trước, Giai đoạn 2009-2010, trước thời điểm thị trường lao dốc 2011-2013. Đến năm 2015-2016, làn sóng này lại bùng lên, giá đất vùng ven tăng mạnh. Đến 2018-2019, trào lưu này lại tiếp tục dâng lên,…”

Tuy nhiên, theo anh Cường dự đoán, làn sóng tháo chạy khỏi homestay, farmstay sẽ bắt đầu. Anh Cường cho biết: “Hiện nhiều chủ homestay rao bán do làm ăn thua lỗ. Nhưng bán cũng khó tìm được người mua bởi khách hàng bây giờ đều “khan tiền”. Họ cũng nhận ra rằng, để kinh doanh có lời từ homestay không phải dễ dàng. Thị trường đang có 2 nhóm khách tìm mua homestay. Một là nhóm “cá mập” mua đi bán lại thu tiền chênh, ép giá rất căng. Hai là nhóm khách hàng đang yêu thích kinh doanh homestay nhưng họ sẽ cân nhắc, xem đi, xem lại rất kĩ thị trường. Họ xem bảng doanh thu, dòng tiền của homestay để tính toán. Nhưng thực tế, phần lớn homestay rao bán đều kinh doanh thua lỗ”.

Anh Đoàn Mạnh (CEO Combo Home) cho biết: “Làn sóng bán tháo homestay chỉ xảy ra do chủ kinh doanh làm ăn thua lỗ. Nguyên nhân thua lỗ đến từ việc xây dựng homestay tự phát. Họ chỉ quan điểm có lô đất vị trí đẹp, view đẹp là có thể dễ dàng cho thuê. Nhưng xây homestay không có thiết kế, hoặc lựa chọn nguyên vật liệu, chi phí để bảo dưỡng, duy tu sẽ tăng. Việc vận hành chăm sóc khách hàng không chuyên nghiệp cộng thêm công trình ngày càng xuống cấp khiến cho khách thuê có trải nghiệm không tốt. Họ sẽ không quay lại.

Thứ hai, chủ bán nhanh homestay còn đến từ việc xây công trình trên đất nông nghiệp, đất rừng dẫn tới tình trạng bị thanh tra”.

Tuy nhiên, anh Đoàn Mạnh cho rằng: “Nếu có “nghề” trong kinh doanh homestay, nhà đầu tư vẫn sẽ có lời bởi đây là hình thức đánh vào nhu cầu ở thực”.

Còn anh Trần Thái, lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc Hà Nội nhận định: “Làn sóng bỏ phố về rừng làm homestay thoái trào là điều tất yếu, sau thời gian bùng nổ quá mạnh. Trước đó, do tâm lý FOMO mà nhiều người dân ở thành phố lớn muốn bỏ tiền ra mua đất, xây nhà, để vừa ở vừa kinh doanh. Nhưng làm ăn thua lỗ, nhiều người vỡ mộng. Một số người bạn của tôi phải bỏ hàng chục triệu để duy trì homestay mỗi tháng nhưng tiền về không đủ bù đắp”.

Theo anh Thái, “Giống như quy luật, trào lưu “bỏ phố về rừng” cứ bùng nổ mạnh rồi lại thoái trào, sau thời gian lại hồi lại. Giai đoạn trước, trào lưu này nở rộ, thì đến hiện tại, sẽ thu hẹp lại. Chuyện người giàu lại bỏ rừng về Hà Nội cũng sẽ lặp lại như thời điểm gần 10 năm trước”.

TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế từng cho rằng, làn sóng bỏ phố về rừng sẽ nhanh chóng hết thời. Bởi, xu hướng người dân vẫn hướng về trung tâm dân cư, tiện ích.

Theo Triệu Vương

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên