MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà giàu Hồng Kông tìm cách tháo chạy, tỷ phú đại lục vẫn ồ ạt kéo đến và kiếm được 20 tỷ USD tại đây

02-07-2020 - 14:21 PM | Tài chính quốc tế

Theo Bloomberg, các "ông trùm" ngành công nghệ của Trung Quốc đang kéo đến Hồng Kông với những thương vụ niêm yết mới và cho đến nay đã huy động được 20 tỷ USD. Theo đó, động thái này có thể bảo toàn vị thế là trung tâm tài chính châu Á của Hồng Kông.

Trong khi giới nhà giàu của thành phố này đang chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất trong bối cảnh Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông, thì các tỷ phú lớn ở đại lục đang đổ xô đến nơi này.

Tiếp nối thương vụ niêm yết lần 2 tại Hồng Kông của Alibaba, những cái tên mới nhất xuất hiện tại đây có thể kể đến: William Ding của NetEase và Richard Liu của JD.com. Cho đến nay, 3 công ty này đã huy động được 20 tỷ USD từ hoạt động phát hành cổ phiếu tại Hồng Kông. Và đây có thể chỉ là khởi đầu của làn sóng niêm yết ở "gần quê nhà" của các công ty đại lục.

Edward Au– giám đốc điều hành khu vực phía nam của Deloitte Trung Quốc, nhận định: "Các tỷ phú của các công ty công nghệ Trung Quốc đang giúp thị trường vốn Hồng Kông có được sự thay đổi quan trọng và bảo đảm vị thế là trung tâm tài chính châu Á của họ. Sàn giao dịch chứng khoán của thành phố này đang nỗ lực nhiều hơn để thu hút các công ty thuộc nền kinh tế mới."

Luật an ninh quốc gia đã được giới chức Trung Quốc chính thức thông qua hôm thứ Ba đang đe dọa sẽ làm suy giảm tính tự chủ của Hồng Kông – 1 yếu tố quan trọng đối với việc thu hút các công ty và nhà đầu tư quốc tế. Hiện tại, Mỹ đã bắt đầu siết chặt hoạt động xuất khẩu công nghệ mang tính nhạy cảm của nước này sang Hồng Kông.

Trong khi các tỷ phú Trung Quốc có vô số lý do để thực hiện những thương vụ niêm yết tại Hồng Kông – bao gồm cả việc Mỹ siết chặt nhiều quy định, thì lựa chọn đến thành phố này có thể giúp họ giảm bớt mối lo ngại về rủi ro thuộc địa cũ của Anh có nguy cơ mất vị thế là một trung tâm tài chính.

Theo Bloomberg Billionaires Index, các "ông trùm" công nghệ Trung Quốc có công ty đang giao dịch tại thành phố này hiện có tổng tài sản ròng trị giá 182 tỷ USD, cao hơn 10 người giàu nhất Hồng Kông. Đối với họ, Hồng Kông ngày càng trở nên hấp dẫn, khi các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ đang đối mặt với sự kiểm soát ngày càng gắt gao, khả năng bị hủy niêm yết cũng tăng lên sau vụ bê bối của Luckin Coffee và căng thẳng leo thang giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Nhà giàu Hồng Kông tìm cách tháo chạy, tỷ phú đại lục vẫn ồ ạt kéo đến và kiếm được 20 tỷ USD tại đây  - Ảnh 1.

Số liệu của Bloomberg cho thấy, vào tháng trước, JD.com và NetEase đã huy động được tổng cộng 7 tỷ USD trong thương vụ niêm yết lần 2 – tương đương gần 2/3 tổng giá trị mà Hồng Kông ghi nhận trong nửa đầu năm nay. Deloitte ước tính rằng có đến 6 công ty Trung Quốc hiện đang niêm yết tại Mỹ sẽ lựa chọn Hồng Kông để IPO lần 2 cho đến cuối năm nay. Được biết, Robin Li của Baidu là một trong số những "ông lớn" đang cân nhắc về lựa chọn này.

Năm 2018, Hồng Kông đã nới lỏng các quy tắc niêm yết để thu hút các công ty như nhà sản xuất smartphone Xiaomi và dịch vụ giao thực phẩm Meituan Dianping. Theo Au đến từ Deloitte, động thái này đã giúp định hình lại các thành viên của chỉ số Hang Seng Index. Vào tháng 5, nhà quản lý chỉ số này đã công bố về các tiêu chí mới, cho phép các công ty như Alibaba gia nhập rổ chỉ số.

Louis Lau– thành viên ban lãnh đạo tại nhóm tư vấn thị trường vốn của KPMG China, nhận định: "Sự tham gia tích cực của các công ty này sẽ giúp làm tăng đáng kể mức độ hiện diện của các công ty thuộc nền kinh tế mới ở Hồng Kông, làm tăng thêm sự sống động và đa dạng cho thị trường. Những thương vụ niêm yết của các công ty lớn của đại lục liên tiếp diễn ra cũng củng cố vị thế là trung tâm tài chính châu Á của Hồng Kông."

Tham khảo Bloomberg

Lục Lam

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên