Nhà hàng, quán bar sẽ là 'mảnh ghép' cần có để phục hồi kinh tế Việt Nam
Theo PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, để phục hồi kinh tế, Việt Nam cần sớm cho phép các loại hình kinh doanh, đặc biệt là các dịch vụ chưa thiết yếu như nhà hàng, quán bar... được hoạt động trở lại một cách có điều kiện, càng sớm càng tốt.
- 21-10-2021Đặt mục tiêu tiếp tục nhập khẩu và sản xuất vaccine trong nước sang năm 2022 và các năm tiếp theo
- 20-10-2021Lần đầu tiên Thái Bình gặp mặt và làm việc với 'ông lớn' Samsung
- 20-10-2021Thu nhập bình quân lao động quý 3 còn thấp hơn cả 'đáy' trong vòng 10 năm
Mục tiêu GDP cả năm 2021 đạt 2,5%-3% là vô cùng thách thức
Chiều 20/10, dưới sự hỗ trợ của Viện Konrad – Adenauer Stiftung (KAS) Việt Nam, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã tổ chức tọa đàm về báo cáo công bố kinh tế vĩ mô quý 3/2021.
Theo các chuyên gia, diễn biến phức tạp của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đã tác động vô cùng nặng nề đến tình hình kinh tế của Việt Nam trong quý 3/2021. Kết quả, GDP quý 3/2021 giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước. Đây được xem là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam áp dụng thống kê về GDP theo quý.
Tại buổi tọa đàm, báo cáo nghiên cứu đã đưa ra 2 kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế cho cả năm 2021. Cụ thể, ở kịch bản xấu, bệnh dịch có nguy cơ tái bùng phát; đồng thời, tình trạng "đóng-mở" lặp lại ở một số nơi xuất hiện các ca nhiễm gây thiệt hại cho sản xuất.
Bên cạnh đó, một số đơn hàng tiếp tục rời khỏi Việt Nam do không đảm bảo được tiến độ sản xuất. Tình trạng thiếu hụt lao động có thể xảy ra do người lao động còn bất an. Chi phí tăng cao khiến nhiều ngành bị thu hẹp, đặc biệt trong nông nghiệp.
Ngược lại, ở kịch bản tốt, cả nước thống nhất được các biện pháp thích ứng với bệnh dịch và vẫn đảm bảo sản xuất, lưu thông hàng hóa không bị đứt gãy. Các hoạt động sản xuất và tiêu dùng được hồi phục một cách chậm chạp nhưng chắc chắn. Các trung tâm kinh tế hoàn thành kế hoạch tiêm chủng ngay trong nửa đầu quý 4. Tình trạng phong tỏa trong quý 3 sẽ không xảy ra.
GDP 2021 của Việt Nam được dự báo sẽ trong khoảng 1%-2,5% ở cả 2 kịch bản. Nguồn: VEPR
Nhận định về con số dự báo tăng trưởng GDP 2021, PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính – Trường Đại học Kinh tế TP. HCM cho hay, độ trễ của khó khăn do Covid-19 vẫn sẽ kéo dài sang quý 4. Vì vậy, mục tiêu tăng trưởng kinh tế quý 4 cũng như kế hoạch tăng trưởng kinh tế chung cho cả năm là vô cùng thách thức.
"Dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2021 của Việt Nam, ở mức từ 2.5%-3% là một con số rất là khó khăn, và để đạt được mục tiêu này, Việt Nam phải rất cố gắng", ông Bảo cho hay.
Các quán bar, pub sẽ là "mảnh ghép" cần có cho phục hồi kinh tế
Liên quan đến những giải pháp thúc đẩy phục hồi kinh tế, PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo đã đưa ra 10 nhóm giải pháp kiến nghị trong ngắn hạn. Ông nhấn mạnh, những giải pháp này cần phải được ngay lập tức nếu Việt Nam không muốn bỏ lỡ nhịp phục hồi cuối năm.
Thứ nhất, Chính phủ và lãnh đạo các địa phương, đặc biệt ở các tình, thành phía Nam cần sớm cho phép hàng hóa, dịch vụ, con người được lưu thông một cách tự do, dễ dàng, thuận lợi. Điều này sẽ tạo ra những tiền đề hết sức cần thiết cho hoạt động phục hồi kinh tế.
Khi quá trình phục hồi kinh tế quay lại, đặc biệt các doanh nghiệp sẽ khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh, nên nhu cầu về mua sắm, vận chuyển nguyên, nhiên vật liệu phục vụ cho các hoạt động sản xuất là vô cùng lớn. Vì thế, cần phải giải quyết ngay tình trạng tắc nghẽn lưu thông.
Thứ hai, các tỉnh, thành cần phải quyết liệt trong việc áp dụng nhất quán, đồng bộ Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Theo PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, mặc dù Thủ tướng đã nhắc nhở rất nhiều rằng các địa phương tuyệt đối không được đưa ra sáng kiến, chính sách đặc thù, đặc biệt của riêng địa phương đó, thế nhưng, tình trạng này vẫn còn xảy ra ở một số nơi.
"Chính điều này khiến người dân, doanh nghiệp trở nên e dè trong việc bắt đầu quay lại hoạt động sản xuất hay tiếp tục chờ một văn bản điều hành khác của Chính phủ. Và chúng ta càng chậm chừng nào thì quá trình phục hồi càng chậm chừng ấy", ông Bảo cho hay.
Thứ ba, các địa phương có những chuyển biến tích cực trong phòng, chống dịch Covid-19 như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương... nên mạnh dạn trao cho doanh nghiệp quyền tự chủ về các hoạt động khôi phục sản xuất.
Đồng thời, các doanh nghiệp cũng sẽ phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra tình trạng lây lan dịch ở cơ sở của mình.
PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo phát biểu tại cuộc họp. Nguồn: Ảnh chụp màn hình
Thứ tư, vai trò của gói hỗ trợ là vô cùng cần thiết. Theo vị Phó giáo sư, đến lúc này, thay vì tập trung về độ lớn của các gói hỗ trợ bằng tiền, thì việc sớm cho phép các doanh nghiệp hoạt động 100% năng suất là gói hỗ trợ có ý nghĩa nhất và trong tầm tay của Chính phủ.
Thứ năm, sau đợt dịch này sẽ xảy ra sự đảo ngược trong dòng vốn FDI ở các quốc gia trên thế giới, sự tái định vị lại chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu. Ông Bảo chia sẻ, một số các doanh nghiệp nội địa cũng đã rút ra được bài học kinh nghiệm trong việc tối ưu hóa các nguồn nguyên, nhiên, vật liệu tại chỗ, cũng như khai thác thị trường nội địa.
Ông Bảo kiến nghị, Việt Nam cần sớm có giải pháp để thúc đẩy vòng thương mại nội địa. Nghĩa là, Việt Nam cần tận dụng tốt các nguồn nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào cũng như đầu ra từ thị trường trong nước.
Thứ sáu, Việt Nam cần sớm cho phép các loại hình kinh doanh, đặc biệt là các dịch vụ chưa thiết yếu như nhà hàng, quán bar, vũ trường... được hoạt động trở lại một cách có điều kiện, càng sớm càng tốt.
Ông Bảo lý giải, khi dịch bùng lên đây là nhóm bị đóng cửa đầu tiên, thế nhưng, khi quá trình phục hồi kinh tế diễn ra thì lại được mở cửa sau cùng. Mà đây là những ngành dịch vụ rất dễ khôi phục lại quá trình kinh doanh bởi những ngành này không phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu đầu vào.
"Đây cũng là nhóm ngành tạo ra giá trị gia tăng rất nhanh. Chưa kể, du lịch là phải đi kèm với dịch vụ. Khi chúng ta kêu gọi phát triển du lịch, chúng ta đang thúc đẩy phục hồi du lịch, thế nhưng, du lịch mà không có dịch vụ thì không bao giờ hiệu quả", ông Bảo nói.
Thứ bảy, xem xét cho học sinh - sinh viên sớm đi học trở lại. Khi việc này xảy ra sẽ kéo theo một làn sóng phục hồi nhu cầu rất lớn, bao gồm cả du lịch.
"Cho đến khi nhóm đối tượng này quay trở lại trường học, thì quá trình phục hồi hoạt động tiêu dùng nội địa mới diễn ra một cách đầy đủ", ông Bảo nhấn mạnh.
Thứ tám, tiếp tục gia tăng độ phủ của vaccine, đặc biệt kế hoạch tiêm vaccine nhóm trẻ em.
Thứ chín, ưu tiên các giải pháp đảm bảo các yếu tố đầu vào cho sản xuất, đặc biệt là năng lượng. Theo đó, nguồn điện cung cấp cho các nhà máy cần phải được đảm bảo, nhất là trong các trường hợp các doanh nghiệp có nhu cầu tăng ca sản xuất để bù đắp khoảng thời gian khó khăn vừa qua.
Cuối cùng, Việt Nam cần tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi, từ đó, tạo ra một hệ sinh thái mới cho doanh nghiệp yên tâm phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, việc truyền thông đầy đủ, kịp thời cũng vô cùng quan trọng. Điều này giúp củng cố lòng tin của người dân về các hướng đi nhất quán trong phòng, chống dịch cũng như phục hồi kinh tế.