Nhà mạng Việt Nam duy nhất "chinh chiến" ở Timor Leste, có lãi thần tốc chỉ sau 6 tháng đầu tư
Cách đây hơn 10 năm, một nhà mạng của Việt Nam đã thành lập thương hiệu tại đất nước còn non trẻ - Timor Leste.
Timor Leste là đất nước ở khu vực Đông Nam Á, chưa là thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), được công nhận độc lập vào năm 2002. Trước khi Viettel đến quốc gia này đầu tư, nước này từng duy trì hình thức độc quyền viễn thông. Khi đó, Timor Telecom, một nhà mạng Bồ Đào Nha, đã thống trị ở quốc đảo này trong hơn 10 năm.
Telemor của Viettel vào Timor Leste vào năm 2013. Theo website Viettel, Telemor được cấu thành từ "telecommunications" và "more" – hàm ý tới một công ty viễn thông luôn phát triển không ngừng nhằm đem đến cho người dân Timor những dịch vụ sáng tạo, những lợi ích tốt nhất. Telemor có phát âm gần giống với tên đất nước Timor và từ Amor - tiếng Tetun, có nghĩa là "tình yêu".
Chỉ sau 6 tháng khai trương, Telemor tạo nên hiện tượng ở đảo quốc này với hơn 200.000 khách hàng. Mạng di động đến từ Việt Nam đồng thời có lãi sau 6 tháng, điều chưa từng xảy ra ở bất cứ thị trường nào Viettel đã đầu tư.
Chỉ sau một năm thành lập, Telemor đã trở thành nhà mạng đứng số 1 Timor Leste cả về thuê bao, hạ tầng mạng lưới lẫn kênh phân phối, phủ sóng 96% dân số và 2.500 điểm bán.
Đến nay, Telemore vẫn duy trì vị trí số 1 về thị phần di động (đạt 54% thị phần), số 1 về hạ tầng mạng lưới với 530 trạm phát sóng (2G, 3G, 4G), 2.400 km cáp quang, phủ 98% lãnh thổ.
Công ty cung cấp các dịch vụ viễn thông: Di động, Internet băng rộng, Dịch vụ thuê kênh leased line, dịch vụ số, Ví điện tử Mosan, nội dung số (Ứng dụng xem phim, nghe nhạc, truyền hình và dịch vụ…).
Cùng đó là các giải pháp số cho doanh nghiệp như hotline doanh nghiệp, tổng đài ảo, brand name SMS… Bộ giải pháp Chính phủ điện tử gồm giải pháp CNTT tổng điều tra dữ liệu dân số, hội nghị trực tuyến.
Ngày 29/11/2023, Telemor trở thành nhà mạng đầu tiên tại Đông Timor thử nghiệm thành công mạng 5G. Theo đó, sóng 5G của Telemor phủ sóng toàn bộ trung tâm thương mại Timor Plaza, tại thủ đô Dili.
Trong lần trả lời báo chí vào năm 2015, ông Nguyễn Cảnh Hoà, Tổng Giám đốc Viettel Timor Leste khi đó nêu: "Chiến lược kinh doanh khác biệt cho một thị trường nhỏ nhưng độc quyền, khó xây dựng hạ tầng là nhân tố quan trọng tạo nên tốc độ tăng trưởng rất nhanh của Telemor".
4 điều quan trọng khi tham gia thị trường Timor Leste
Theo ông Hoà, có 4 yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển của Viettel tại thị trường này.
Thứ nhất, khi mới tham gia thị trường, Viettel xác định: dịch vụ viễn thông di động sẽ dành cho mọi người chứ không phải chỉ cho người giàu và tầng lớp trung lưu như trước đó.
Telemor đưa ra giá cước rẻ hơn và block 1 giây + 1 giây (trước đó là 1 phút + 1 phút). Thêm vào đó, công ty này còn phát sim di động miễn phí cho học sinh, sinh viên, giáo viên, cảnh sát…
Thứ hai, khi xây dựng hạ tầng, Telemor phủ sóng cả 2G lẫn 3G trên toàn quốc, đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt mới cung cấp chính thức. Trước đó, mạng di động lớn nhất chỉ phủ 3G ở khu vực đô thị. Đây chính là khác biệt của mạng di động mới về chất lượng dịch vụ và khả năng hữu dụng ở khắp mọi nơi.
Thứ ba, cung cấp máy đầu cuối cho người dùng với giá rẻ. Do Timor Leste là quốc đảo nhỏ với tổng dân số chỉ 1,2 triệu người nên các thương hiệu điện thoại di động không vào đây. Các nhà mạng cũng chỉ nhập cầm chừng, với số lượng rất nhỏ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, kèm mức giá cao.
Trong khi đó, Telemor đặt hàng lượng handset lớn để nhập vào theo container nên giá rẻ hơn rất nhiều. "Tân binh" chỉ bán máy 2G với giá 15-20 USD và 3G là 50-80 USD đã có lãi.
Thứ tư, tiết kiệm chi phí đầu tư, vận hành ở mức tối đa. Khi đến Timor Leste, nếu như mạng di động khác thuê khách sạn cho chuyên gia thì Viettel chỉ thuê nhà dân.
Với 1.000 USD, Viettel có chỗ ở cho 10 người trong 1 tháng và lúc cao điểm có thể lên tới 30 người (khi tạm thời cần chỗ ngủ). Trong khi đó, mạng khác thuê khách sạn thì cùng chi phí chỉ cho 1 người và trong 10 ngày (ít nhất là đắt hơn 30 lần).
Khi đầu tư dựng các trạm ở trên núi, Telemor thuê người địa phương và dùng kinh nghiệm dựng trạm BTS ở những địa điểm đặc biệt tại Việt Nam để thi công (cũng có địa hình đồi núi phức tạp). Trong khi đó, mạng di động khác phải thuê trực thăng để đưa vật liệu lên, chi phí tăng cao hơn rất nhiều.
Đời sống pháp luật