Nhà máy điện đầu tiên tại Việt Nam sử dụng nhiên liệu khí LNG, vốn đầu tư tỷ USD sắp hoạt động
Dự án sử dụng cấu hình 1:1:1 (tua-bin - lò hơi - máy phát) đầu tiên trong cả nước. Là một trong số ít tổ máy tua-bin khí có công suất (trên 500MW) cũng như hiệu suất khí (trên 60%) lớn nhất trên thế giới.
- 23-02-2024Đôi bạn Masan và Techcombank: MSN trầy trật trước ngưỡng 100.000 tỷ đồng vốn hóa, TCB vọt lên cao nhất 20 tháng
- 23-02-2024Trung Quốc "ồ ạt" rót vốn đầu tư vào Việt Nam, ẩm thực cũng làm mưa làm gió thị trường F&B: Cà phê ớt, lạp xưởng nướng đá, trà chanh giã tay cho đến Mixue, Haidilao đều 'nóng rẫy'
Ghi nhận thông tin trên Website PV Power (POW), lãnh đạo Ban Quản lý (BQL) Dự án Điện Nhơn Trạch 3 và 4 cho biết tính đến thời điểm hiện nay, khối lượng thi công ước đạt trên 75%, cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra. Các hạng mục quan trọng của dự án gần như đã hoàn thành. Đặc biệt, phần Tuabin được ví như “trái tim” của nhà máy cũng đã được lắp đặt vào vị trí và hiện đang được các chuyên gia nước ngoài cùng chuyên gia, kỹ sư trong nước tăng tốc lắp đặt các phụ kiện vào để hoàn thành hạng mục này.
Nếu đúng tiến độ, Nhà máy điện (NMĐ) Nhơn Trạch 3 sẽ hoàn thành và phát điện thương mại vào tháng 11/2024 và NMĐ Nhơn Trạch 4 vào tháng 5/2025.
Dự án nhiệt điện sử dụng nhiên liệu khí LNG nhập khẩu đầu tiên
Dự án NMĐ Nhơn Trạch 3 và 4 đặt tại xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai là dự án quan trọng của quốc gia do POW triển khai. Dự án có quy mô công suất 1.500 MW, tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD. Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ bổ sung 9 tỷ kWh điện/năm.
Được biết, Nhơn Trạch 3 và 4 là dự án trọng điểm quốc gia với nhiều chỉ tiêu xếp hàng đầu tại Việt Nam hiện nay. Đây là dự án nhiệt điện sử dụng nhiên liệu khí LNG nhập khẩu đầu tiên và hiện đại nhất Việt Nam thời điểm này. Dự án sử dụng cấu hình 1:1:1 (tua-bin - lò hơi - máy phát) đầu tiên trong cả nước. Là một trong số ít tổ máy tua-bin khí có công suất (trên 500MW) cũng như hiệu suất khí (trên 60%) lớn nhất trên thế giới.
Dự án có tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD, khi đi vào hoạt động sẽ góp phần thúc đẩy chuyển dịch năng lượng sạch tại Việt Nam và thực hiện cam kết phát thải về 0 vào năm 2050. Bên cạnh đó, dự án có ý nghĩa lớn trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia khi cung cấp cho lưới điện khoảng 9 tỷ kWh/năm.
Vẫn còn nhiều vướng mắc
Cũng theo POW, các vấn đề tồn đọng lớn hiện nay là dự án đang có một số vướng mắc liên quan đến việc chưa ký được hợp đồng mua bán điện (PPA), chưa hoàn thành công tác thuê đất cho dự án và công tác đấu nối Dự án NMĐ Nhơn Trạch 3...
Theo lãnh đạo BQL dự án, một trong những vướng mắc cần phải giải quyết sớm là hợp đồng PPA giữa EVN và POW; kế đến cam kết mua điện dài hạn (Qc) và xác định khung giá phát điện LNG. Đây là các yếu tố quan trọng nhất để dự án NMĐ Nhơn Trạch 3 và 4 có thể triển khai thuận lợi, hiệu quả.
Về công tác đấu nối, do thi công dự án đường dây đấu nối NMĐ Nhơn Trạch 3 vào hệ thống điện quốc gia bị chậm (vì vướng quy hoạch đô thị Nhơn Trạch, bồi thường giải phóng mặt bằng) nên POW và các bên thống nhất kiến nghị phương án cho đấu nối tạm vào hệ thống tải điện của Nhà máy Nhơn Trạch 1 và 2 hiện hữu để thử nghiệm và giải tỏa công suất.
Đáng chú ý là vấn đề liên quan đến sự chưa thống nhất giữa BQL Dự án Điện Nhơn Trạch 3 và 4 và đơn vị cho thuê đất là Tập đoàn Tín Nghĩa.
Trước đó, POW đã có văn bản đóng dấu “thượng khẩn” kính gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và các cơ quan chức năng phản ánh việc thi công bị đình trệ do Tín Nghĩa - đơn vị được giao quản lý KCN Ông Kèo đã cản trở thi công hạng mục kênh xả nước làm mát tại đoạn giao cắt với đường số 4 KCN Ông Kèo.
Khúc mắc bắt nguồn từ việc Tín Nghĩa đề xuất áp dụng đơn giá phí sử dụng hạ tầng khoảng 100 USD/m2 theo phương thức trả tiền một lần cho suốt vòng đời dự án gồm 4 năm xây dựng và 25 năm vận hành. Trong khi đó, phía POW lại cho rằng mức phí trên chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng.
Tính đến ngày 15/2, hạng mục kênh xả nước làm mát của dự án vẫn chưa được triển khai.
Theo POW, việc này dẫn đến việc dự án có nguy cơ không hoàn thành tiến độ, ảnh hưởng đến 16 nhà thầu và nhà thầu phụ của dự án với 1.858 lao động và hàng nghìn thiết bị máy móc tại công trường. Dự kiến, ngoài hàng trăm tỷ đồng tiền phạt và bồi thường cho nhà thầu EPC do chậm tiến độ, phát bao tiêu khí cho nhà cung cấp LNG… gây tổn thất khoảng 1.000 tỷ đồng doanh thu của doanh nghiệp.
Hiện, phía POW vẫn đang chờ ý kiến của Chính phủ và tỉnh Đồng Nai yêu cầu Công ty Tín Nghĩa dừng các hoạt động cản trở chủ đầu tư và các nhà thầu trong quá trình thi công, xây dựng để đảm bảo dự án hoàn thành đúng tiến độ, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.
Nhịp sống thị trường