Nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng: Chọn đất bán ngập để phát triển năng lượng bền vững
Đi vào hoạt động từ tháng 6/2019, nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng là công trình có quy mô lớn nhất Đông Nam Á, với tổng công suất lắp đặt 420 MW trên vùng đất bán ngập với công nghệ hiện đại.
Ông Tô Duy, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Xuân Cầu đã có những chia sẻ về vấn đề này.
Thay vì chọn khu vực duyên hải Nam Trung Bộ - nơi có hàng loạt dự án điện mặt trời mọc lên trong thời gian qua, tập đoàn Xuân Cầu lại quyết định đặt nhà máy tại Tây Ninh. Ông có thể giải thích về lựa chọn này?
Tây Ninh là tỉnh có cường độ bức xạ mặt trời đứng thứ 3 toàn quốc, là lợi thế để phát triển loại năng lượng tái tạo này. Ngoài ra, ở góc độ kĩ thuật, việc xây dựng nhà máy điện mặt trời trên vùng đất bán ngập cho phép nhà máy đạt hiệu suất hoạt động cao nhất. Việc nằm sát mặt nước khiến nhiệt độ môi trường tại đây thấp, giảm thiểu tối đa hao hụt điện năng, đồng thời khiến việc vệ sinh các tấm pin giảm rất nhiều chi phí. Nếu tại vùng cát ven biển, các tấm pin phải vệ sinh theo chu kỳ khoảng 2 tháng/lần – trong khi chúng tôi chỉ cần thực hiện 4 – 6 tháng/lần.
Ông Tô Duy, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Xuân Cầu
Dù sao, việc xây dựng một nhà máy lớn như vậy trên địa hình bán ngập cũng là điều chưa có tiền lệ tại Việt Nam. Tập đoàn Xuân Cầu đã có cân nhắc gì trước khi đầu tư?
Để khai thác trọn vẹn tiềm năng về điện mặt trời ở một vùng đất bán ngập, chúng tôi cần những giải pháp tối ưu về công nghệ. Đó là điều không dễ, bởi lĩnh vực này còn rất mới tại Việt Nam. Do vậy, phía đầu tư đã có một thời gian dài đánh giá và lựa chọn thiết bị trên cơ sở học tập kinh nghiệm ở nhiều quốc gia khác. Chúng tôi chọn sử dụng loại pin quang điện PV đa tinh thể cho hiệu suất chuyển đổi cao (trên 17%), tuổi thọ trên 20 năm và các bộ Central Inverter có hiệu suất chuyển đổi trên 98% . Cả 2 loại thiết bị này đều được lựa chọn theo công nghệ 1500VDC, nên tổn hao điện năng được giảm thiểu.
Còn vấn đề thi công xây dựng nhà máy trên vùng đất này thì sao?
Do đặc thù địa hình bị ngập nước khoảng 4 tháng kể từ cuối năm, việc thi công cũng khá vất vả và tốn kém. 200.000 cột bê tông và 1,3 triệu tấm pin của dự án đều phải đưa từ cảng Cát Lái (TP HCM) tới đây bằng xe container, xe tải, rồi khi nước lên thì phải dùng thuyền để lắp đặt.
Chúng tôi cố gắng tăng tốc để dự án có thể hoàn thành trước 30-6, thời hạn cuối cùng để được hưởng ưu đã về giá điện của Chính phủ. Nếu không có sự quyết tâm, cũng như sự hỗ trợ từ tỉnh Tây Ninh và các cơ quan chức năng, thì dự án khó lòng được thực hiện với tiến độ như vừa qua.
Vừa qua, khi đi vào hoạt động, một số nhà máy điện mặt trời tại miền Trung đã gặp tình trạng quá tải về lưới truyền điện và phải cắt giảm công suất. Phía Xuân Cầu đã tính đến điều này?
Đó là vấn đề quan trọng và đã được chuẩn bị kĩ ngay từ khi lập dự án. Hệ thống cáp, bộ biến đổi điện, biến áp nâng áp và hệ thống phụ trợ tại nhà máy được đầu tư xây dựng hiện đại, đảm bảo kết nối đồng bộ với trạm biến áp 220kV và lưới điện khu vực để mang đến khả năng vận hành an toàn, ổn định.
Theo quy hoạch, lượng điện tạo ra nhà máy sẽ được đấu nối vào đường truyền tải 220kV Bình Long – Tây Ninh. Đồng thời, vị trí của dự án nằm ngay cạnh khu vực trung tâm phụ tải phía Nam, do vậy sản lượng điện sản xuất từ nhà máy sẽ được tiêu thụ bởi các phụ tải này mà không phải truyền đi xa; lưới truyền tải khu vực dự án không bị quá tải nên tránh được việc phải cắt giảm công suất.
Cuối cùng, là một tập đoàn kinh doanh đa lĩnh vực, lý do nào khiến Xuân Cầu lựa chọn đầu tư vào điện mặt trời?
Chúng ta đều biết, điện mặt trời là lĩnh vực còn mới, nhưng sẽ có vai trò khá quan trọng trong bối cảnh thiếu điện trên toàn quốc. Các loại hình điện khí, điện than, thủy điện… đều không thể đáp ứng kịp thời nhu cầu ngay cả trong ngắn hạn.
Việc xây dựng nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng không chỉ đơn thuần là cung cấp lượng điện 420 MW cho hệ thống điện quốc gia, dự án còn góp phần vào sự chuyển dịch của ngành năng lượng Việt Nam sang sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo thân thiện với môi trường. Với công suất chiếm khoảng gần 10% tổng công suất các Nhà máy điện mặt trời tại Việt Nam, nhà máy của chúng tôi sẽ giúp giảm tải lượng phát thải khí nhà tương đương với 595.000 tấn CO2.
Chúng tôi tin rằng việc phát triển nguồn điện xanh, thân thiện với môi trường, góp phần đa dạng hóa nguồn cung và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia...là điều cần thiết ngay từ bây giờ.