Nhà máy đường chậm thu mua, người trồng mía nguy cơ mất Tết
Công tác thu mua mía của nhà máy đường diễn ra rất chậm và sản lượng thu mua mía hàng ngày ít khiến người trồng mía vô cùng lo lắng.
- 20-01-2018Hiệp hội Mía đường kêu cứu vì hàng trăm nghìn tấn "chết" trong kho
- 20-01-2018Gần 100ha mía ở Ia Piơr bị cháy rụi, thiệt hại hàng tỷ đồng
- 17-01-2018Mía trổ cờ chờ thu mua, dân xứ Nghệ như ngồi trên đồng lửa
Càng đến những ngày gần Tết, người trồng mía ở tỉnh Kon Tum lại càng đứng ngồi không yên. Nguyên nhân là do đa số nông dân ở địa phương này chưa bán được mía cho nhà máy. Cùng với không có tiền tiêu Tết, người dân còn phải đối diện với chồng chất nỗi lo như thu hoạch muộn khiến trữ lượng đường giảm, cháy mía, ảnh hưởng đến vụ mía sau, vấn đề thuê mướn nhân công lao động…
Xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum có tổng diện tích 450 ha mía nguyên liệu. Trước Tết Nguyên đán hơn 10 ngày, người dân mới chỉ thu hoạch, bán được cho nhà máy khoảng trên 45ha. Ông Lê Tự Đích, Chủ tịch Hội nông dân xã Đoàn Kết cho biết, do không được thu hoạch kịp thời, người trồng mía đang phải đối diện với nhiều thiệt hại.
“Nhà máy chậm thu mua mía sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người dân vì trữ lượng đường giảm đáng kể. Mía không được thu hoạch sớm sẽ khó tái sinh vì đã quá già gốc và tiềm ẩn nguy cơ gây cháy”, ông Đích cho biết.
Mía khô dễ cháy nhưng việc thu mua của nhà máy đường diễn ra rất chậm.
Là vùng sản xuất mía trọng điểm, thành phố Kon Tum có tổng diện tích khoảng 1.000 ha, chiếm tới 80% lượng mía nguyên liệu của tỉnh Kon Tum. Việc Công ty cổ phần đường Kon Tum thu mua chậm khiến chính quyền và người trồng mía đứng ngồi không yên.
Ông Phan Thanh Nam, Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Wa cho biết, những niên vụ trước trên 150ha mía của xã nhà máy đều thu mua xong trước Tết Nguyên đán nhưng năm nay đa số diện tích vẫn còn ở ngoài đồng.
“Qua theo dõi cho thấy, công tác thu mua mía của nhà máy đường diễn ra rất chậm. Sản lượng thu mua mía hàng ngày ít, thậm chí có ngày không thấy có việc đốn hạ khiến tâm tư của người trồng mía vô cùng lo lắng”, ông Nam cho hay.
Quá sốt ruột trước việc nông dân không bán được mía, 1 lãnh đạo UBND thành phố Kon Tum đã đến Công ty cổ phần đường Kon Tum làm việc. Được biết, nguyên nhân là do Công ty thực hiện dự án cải tạo, nâng công suất chế biến của nhà máy từ 1.800 tấn mía cây/ngày đêm lên 2.500 tấn/ngày đêm.
Tuy nhiên quá trình thực hiện không đạt kết quả như mong muốn. Bởi vậy cùng với vụ ép bắt đầu chậm khoảng 2 tháng so với những vụ sản xuất trước, hiện tại nhà máy đang chỉ hoạt động với công suất từ 1.200 - 1.300 tấn mía cây/ngày đêm, còn thấp hơn cả công suất khi chưa thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp./.