Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 chính thức 'hồi sinh' sau nhiều năm đóng băng
TPO - Trải qua 12 năm đầu tư xây dựng với nhiều khó khăn, vướng mắc, thậm chí có giai đoạn phải dừng triển khai, nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 cuối cùng cũng đã “hồi sinh” và chính thức được khánh thành trong sáng 27/4.
- 14-02-2023Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đã hoàn thiện hơn 98%, phấn đấu phát điện quý I/2023
- 10-07-2022Nhiệt điện Thái Bình 2 chuẩn bị thử nghiệm nâng công suất tổ máy 1
- 27-12-2021'Nguồn tiền cho Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 không thiếu'
Phát biểu tại lễ khánh thành nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 , Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là sự kiện rất đáng mừng, bởi nhà máy có tổng đầu tư và công suất lớn, dự án đã kéo dài 12 năm, người dân có nhiều băn khoăn, trăn trở, lo lắng về dự án.
Theo Thủ tướng, việc hồi sinh nhà máy được thực hiện trong điều kiện khó khăn, các quy định pháp luật còn nhiều chồng chéo, vướng mắc và chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19. Qua thảo luận, có nhiều ý kiến đề nghị phải tăng thêm 4.800 tỷ đồng từ ngân sách cho dự án và cuối cùng, Thủ tướng kết luận, không dùng thêm ngân sách, mà phải cơ cấu lại trong tổng vốn đầu tư, vận dụng sáng tạo các quy định hiện hành, sử dụng nguồn vốn của Petrovietnam nếu còn thiếu vốn.
Đến nay, việc hồi sinh dự án không những không phải sử dụng thêm vốn của Nhà nước, của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, mà ngược lại, có thể tiết kiệm hơn 200 tỷ đồng tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.
“Việc khánh thành dự án hôm nay thể hiện thành quả của ngày đêm không mệt mỏi, vượt mọi khó khăn của hàng nghìn cán bộ công nhân viên, người lao động trên công trường, sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các cấp, các ngành; sự quyết liệt trong tổ chức thực hiện của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, của tổng thầu và các nhà thầu cũng như sự ủng hộ của chính quyền và nhân dân tỉnh thái Bình”, Thủ tướng phát biểu.
Tổng kết những bài học kinh nghiệm quý báu từ việc hồi sinh dự án, Thủ tướng nhấn mạnh cần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích chung lên trên hết để hành động; công tác nghiên cứu, đầu tư phải kỹ lưỡng, tôn trọng thực tiễn khách quan để không đội vốn, kéo dài thời gian, không lãng phí nguồn lực, không mất cán bộ.
Tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ khâu chuẩn bị dự án tới việc phê duyệt, tổ chức thực hiện, nghiệm thu và thanh quyết toán; mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm , dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm trong điều kiện khó khăn, yêu cầu sử dụng vốn có hiệu quả, tiết kiệm nhân lực và không vi phạm. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới và phân bổ nguồn lực phù hợp; không bi quan, mất bản lĩnh trước khó khăn, thách thức, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, biến trăn trở, băn khoăn thành hành động, biến nguy thành cơ.
Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục rà soát lại công việc, bảo đảm nhà máy vận hành theo tiêu chí hiện đại, hiệu quả, an toàn theo quy định của pháp luật, bảo đảm vệ sinh môi trường; tăng cường ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành; không để xảy ra sự cố do yếu tố chủ quan. Các cơ quan phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh; bảo đảm an ninh, an toàn cho nhà máy và người dân.
Tiền phong