MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà máy “theo” lao động về quê

Khoảng chục năm trước, nếu bỏ phố về quê thì người lao động có thể mất đi thu nhập ổn định, nhưng “bức tranh” hiện đã đảo chiều, họ hoàn toàn có thể tìm được một công việc tốt, mức lương phù hợp tại quê nhà.

Bởi hiện nay, nhiều doanh nghiệp mở nhà máy, xưởng sản xuất ở các tỉnh để giảm bớt chi phí về đất đai, nhân công. Do đó, việc "giữ chân" lao động cũng như tạo việc làm cho công nhân trở về quê nhà đang được các địa phương quan tâm thực hiện. Nội dung này được đề cập trong bài cuối của loạt bài “Thách thức dịch chuyển lao động ở Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”.

Giữ chân lao động bằng phúc lợi

Trong năm 2023, Công ty TNHH Sản xuất và Thương Mại Tân Quang Minh (Bidrico) ở TP.HCM mở thêm một số ngành hàng xuất khẩu, đồng thời phát triển mạnh ở thị trường miền Trung. Với mục tiêu đưa doanh số lên gấp đôi so với năm ngoái, Bidrico cần thêm 30% nhân sự.

Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Bidrico cho hay, việc tuyển dụng không gặp nhiều khó khăn bởi văn hóa công ty và chế độ đãi ngộ đã quyết định kết quả thu hút, cũng như giữ chân lao động.

Theo ông Hiến: “Khi Nhà nước chưa có chủ trương tăng lương tối thiểu thì ngay từ đầu năm, công ty đã tăng lương ở mức bình quân 8%. Chính điều đó làm cho cán bộ công nhân viên cảm thấy chế độ phúc lợi được đảm bảo. Chúng tôi duy trì và coi trọng các phần thưởng. Công ty có rất nhiều giải thưởng dành cho người lao động, có chính sách riêng cho những người có thâm niên”.

Nhà máy “theo” lao động về quê - Ảnh 1.

Trước thách thức về chuyển dịch lao động, lãnh đạo các tỉnh Vùng Đông Nam bộ đang đẩy mạnh liên kết hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực để cùng nhau phát triển. (Ảnh: Thiên Lý)

Ngoài nỗ lực của doanh nghiệp thì vai trò của địa phương cũng rất quan trọng trong việc chăm lo cho người lao động "an cư lạc nghiệp". Động lực giúp họ bám trụ, ngoài công việc ổn định còn là môi trường sống an toàn; có nhà ở, nơi giữ trẻ, được chăm sóc y tế và hoạt động văn hóa tinh thần khác.

Tại Bình Dương, địa phương được xem là đi đầu trong việc xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, hiện đã có 47.000 căn và đang mở rộng thêm 118.000 căn ở các địa bàn đông công nhân như Thủ Dầu Một, Thuận An, Bến Cát, Tân Uyên.

Nhà máy “theo” lao động về quê - Ảnh 2.

Để giúp công nhân an cư lạc nghiệp, Bình Dương xây dựng hàng chục ngàn căn nhà ở xã hội. (Ảnh: Thiên Lý).

Với mức giá chỉ từ 120-280 triệu đồng/căn, hoặc "cao cấp" hơn là 200-500 triệu đồng/căn, ngoài ra, còn có các nhà cho thuê với giá 750.000 đồng/tháng, nhà ở xã hội tại Bình Dương cơ bản đáp ứng nhu cầu về “an cư, lạc nghiệp” cho người lao động.

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, với mục tiêu xuyên suốt là công nghiệp hóa, đô thị hóa phải đi đôi với đảm bảo an sinh, nhiều chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp đã được tỉnh ban hành.

Nhà máy “theo” lao động về quê - Ảnh 3.

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương chia sẻ những chính sách chăm lo công nhân. (Ảnh: Thiên Lý).

“Bình Dương cố gắng tập trung nguồn lực triển khai xây dựng nhà ở xã hội cho người dân. Chúng tôi đã xây dựng Đề án phát triển nhà ở xã hội đến năm 2030, mỗi năm xây gần 100.000 căn để chăm lo cho người lao động. Về giáo dục, hàng năm lượng học sinh gia tăng 40.000 em nhưng Bình Dương vẫn đảm bảo trường, lớp để các cháu có môi trường học tập tốt nhất” - ông Võ Văn Minh cho biết.

Nhà máy "theo" chân công nhân

Lãnh đạo một số doanh nghiệp cho biết, thời gian qua, hầu hết trường hợp công nhân nhập cư hồi hương là những gia đình có con nhỏ. Chi phí nuôi trẻ tại các đô thị lớn quá cao, giá nhà trọ đắt đỏ, nên khi tìm được việc làm ở quê nhà, công nhân sẽ không quay trở lại.

Vì lẽ đó, nhiều doanh nghiệp quyết định "theo" công nhân về quê bằng cách mở rộng nhà xưởng ra các tỉnh. Đơn cử như Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - thương mại Thành Công ở Khu công nghiệp Tân Bình (quận Tân Phú, TP.HCM) nay cũng đã có nhà máy ở Tây Ninh, Vĩnh Long.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc nhân sự Công ty Thành Công dẫn chứng,  ở Vĩnh Long, thu nhập của lao động thấp hơn 20% so với ở TP.HCM nhưng họ hoàn toàn vẫn có thể tiết kiệm và có dư, bởi tiền phòng trọ mỗi tháng chỉ 400.000-500.000 đồng, trong khi ở thành phố gấp 3-4 lần. Nếu đã có nhà riêng, nhiều người còn tăng thêm thu nhập từ ruộng vườn.

Nhà máy “theo” lao động về quê - Ảnh 4.

Một xóm trọ vắng vẻ hơn trước do nhiều công nhân đã về quê. (Ảnh: Kim Dung)

Ông Tuấn chia sẻ: “Việc chuyển nhà máy về các tỉnh để chi phí rẻ hơn là một xu hướng. Thêm nữa, đầu tư hạ tầng của Chính phủ ngày càng tốt hơn, các đường cao tốc được mở nhiều dần, từ đó chi phí giảm và thời gian vận chuyển cũng nhanh. Chúng tôi chưa đầu tư ở quá xa, chỉ có nhà máy ở gần đây như Tây Ninh, Vĩnh Long. Tuy nhiên trong tương lai sẽ mở rộng, đầu tư xa hơn”.

Cũng bằng cách làm này, Công ty TNHH Furukawa Automotive Parts Viet Nam (FAPV – trụ sở ở Khu chế xuất Tân Thuận, Quận 7, TP.HCM), sau 1 năm đưa nhà máy đầu tiên vào vận hành hiệu quả tại Khu công nghiệp Bình Minh (Vĩnh Long) với 2.000 công nhân, trong tháng 4 này, doanh nghiệp tiếp tục đưa nhà máy thứ 2 đi vào hoạt động. Đến nay doanh nghiệp đã tuyển dụng và đào tạo được gần 2.000 công nhân, đáp ứng nhu cầu sản xuất cho nhà máy thứ 2.

Liên kết đào tạo, ứng dụng công nghệ

Trước thách thức về chuyển dịch lao động, lãnh đạo các tỉnh Vùng Đông Nam bộ đang đẩy mạnh liên kết hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực để cùng nhau phát triển.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, lợi thế của TP là có nhiều trường đại học, cao đẳng nên sẽ là nơi đào tạo lao động có tay nghề, trình độ cho các tỉnh. TP.HCM và các tỉnh đều cần nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu sản xuất “xanh” và “sạch” trong tương lai, do đó việc liên kết đào tạo lao động sẽ tiếp tục được thực hiện.

Theo ông Hoan: "Các viện nghiên cứu của TP sẽ chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm, hỗ trợ để các địa phương ứng dụng kết quả đó phục vụ sản xuất tại địa phương mình. Các trường đại học của TP sẽ tổ chức hỗ trợ đào tạo, thậm chí sẽ mở phân hiệu đại học ở các tỉnh. Chúng ta hỗ trợ nhau giáo viên, chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau chia sẻ và hợp tác”.

Theo PGS.TS Hoàng Vĩnh Hưng - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng), lao động ở các tỉnh vùng Đông Nam bộ tuy nhiều về số lượng nhưng chất lượng chưa cao, do đó phải xây dựng kế hoạch đào tạo nhân lực để đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư. Bản thân doanh nghiệp cũng phải dần thay đổi cơ cấu lao động, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ.

Ông Hưng khá lạc quan khi nhận định về tình hình dịch chuyển lao động hiện nay: “Khi đơn hàng tăng, công việc nhiều hơn, nhu cầu lao động tiếp tục tăng thì người lao động sẽ quay lại với tâm thế mới, với "lứa" lao động mới khỏe hơn, có trình độ tốt hơn. Trong quá trình làm việc có thể nhiều người trong số đó sẽ chọn điểm đến của cuộc đời, họ kết hôn, sinh con và tiếp tục cống hiến lực lượng lao động mới”.

Dẫu chưa thực sự trở thành “làn sóng” lớn, song xu hướng người lao động rời các thành phố lớn để trở về quê vẫn đang diễn ra. Không ở đâu bằng quê nhà, khi họ trở về tìm được một công việc tốt, có cuộc sống ổn định thì sẽ góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương mình.

Thực tế này đòi hỏi các doanh nghiệp phải bằng mọi giá giữ chân lao động, nhất là nhân lực chất lượng cao. Dự báo xu hướng “chuyển dịch” nhà máy, theo công nhân về quê của nhiều doanh nghiệp sẽ ngày càng phổ biến. Do đó, các cơ quan chức năng cần có chính sách quy hoạch tổng thể về việc làm, đào tạo nâng cao tay nghề… nhằm tạo sinh kế bền vững cho người lao động./.


PV

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên