MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà máy thép ở thượng nguồn sông Vu Gia: Coi chừng sai lầm tiếp nối sai lầm!

HĐND tỉnh Quảng Nam cho biết chưa nhận được báo cáo từ UBND tỉnh về việc xây nhà máy thép ở thượng nguồn sông Vu Gia.

Liên quan đến việc UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản đồng ý chủ trương xây nhà máy luyện cán thép Việt Pháp ở huyện Nam Giang mà Báo Người Lao Động ngày 30-9 đã phản ánh, cùng ngày, ông Nguyễn Dương Triều, Ủy viên Thường trực kiêm Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Quảng Nam, cho biết đến nay, ông chỉ nghe thông tin qua báo chí chứ chưa nhận được báo cáo từ UBND tỉnh.

Không ổn!

Theo ông Triều, về nguyên tắc, văn bản thỏa thuận địa điểm xây dựng nhà máy thép Việt Pháp phải được UBND tỉnh Quảng Nam gửi cho HĐND tỉnh. Về việc UBND tỉnh Quảng Nam đồng ý xây dựng nhà máy ở huyện Nam Giang, ông Triều cho rằng thực sự “không ổn”.

“Qua theo dõi, tôi thấy người dân và mạng xã hội phản ứng rất gay gắt việc xây dựng nhà máy thép ở thượng nguồn sông Vu Gia . Thứ hai tới, khi họp giao ban, HĐND tỉnh sẽ đưa vấn đề này ra thảo luận và sẽ có ý kiến” - ông Triều cho biết.

Ông Võ Hồng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam, xác nhận UBND tỉnh chưa trình cũng như chưa xin ý kiến của HĐND tỉnh về dự án này. Ông Hồng cho rằng với dự án có quy mô lớn như nhà máy luyện cán thép Việt Pháp thì UBND tỉnh phải thông qua HĐND. Theo ông, có thể thứ hai tới, UBND tỉnh Quảng Nam sẽ báo cáo dự án này cho HĐND tỉnh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Viễn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Quảng Nam, cho biết hội đồng thẩm định, đánh giá tác động môi trường của sở mới xem xét dự án trong sáng 30-9. Việc cấp bách là phải di dời nhà máy khỏi thị xã Điện Bàn vì đang gây ô nhiễm. Còn di nhà máy này dời đến đâu và đánh giá tác động môi trường thế nào thì sở sẽ làm kỹ.

“Sai lầm từ đầu”

Theo ông Phan Minh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, nhà máy của Công ty TNHH Thép Việt Pháp (chủ đầu tư dự án nhà máy luyện cán thép Việt Pháp) ở thị xã vẫn đang hoạt động và gây ô nhiễm nghiêm trọng. Thị xã muốn nhà máy di dời càng sớm càng tốt. Nhiều năm qua, người dân cũng như chính quyền địa phương hết sức khốn khổ vì nhà máy này.

Ông Dũng nhìn nhận tỉnh Quảng Nam đã sai từ ban đầu khi chấp thuận đầu tư cũng như đồng ý để nhà máy này xây dựng quá gần khu dân cư.

Không riêng thị xã Điện Bàn, nhà máy thép Việt Pháp còn bị địa phương khác trong tỉnh từ chối. Theo ông Phan Xuân Quang, Bí thư Huyện ủy Đại Lộc, trước đây, Công ty TNHH Thép Việt Pháp từng xin huyện cho xây dựng nhà máy luyện cán thép tại xã Đại Nghĩa và được đồng ý. Tuy nhiên, sau đó, huyện xem xét và nhận thấy nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân và nguồn nước sinh hoạt cũng như sản xuất tại địa bàn nếu cho phép nhà máy này hoạt động nên đã từ chối.

Đà Nẵng cũng chưa nghe

Chiều 30-9, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, xác nhận chưa nghe gì về dự án nhà máy luyện cán thép Việt Pháp ở thượng nguồn sông Vu Gia.

Trước đó, chiều 29-9, chúng tôi liên hệ với ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở TN-MT TP Đà Nẵng, để hỏi về phản ứng trước thông tin tỉnh Quảng Nam có chủ trương xây nhà máy thép ở thượng nguồn, có nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân Đà Nẵng, ông Nam yêu cầu gửi câu hỏi qua email. Phóng viên đã gửi câu hỏi nhưng sau nhiều lần liên lạc không được, đến chiều 30-9, ông Nam nhắn tin cho biết “đã chuyển các phòng chức năng trả lời”.

Theo Trần Thường

Người Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên