Nhà máy Việt Nam biến nước biển thành nước ngọt cho Dubai có doanh thu gần chục nghìn tỷ mỗi năm
Trong tài liệu công bố của Doosan đề cập đến dự án về năng lượng hạt nhân và Việt Nam là một trong những cái tên nằm trong danh sách được tập trung nguồn lực của Tập đoàn này.
- 10-05-2024Tập đoàn Hyosung mong muốn được đầu tư nhà máy sản xuất máy ATM made in Việt Nam
- 04-02-2024Hyosung và mối duyên với EEMC - doanh nghiệp 'họ' GELEX
- 26-07-2023Chaebol Hyosung dự kiến đầu tư nhà máy sợi carbon gần 1 tỷ USD, doanh nghiệp Việt Nam nào hưởng lợi?
Dubai được mệnh danh là thành phố của tỷ phú, siêu xe và các tòa nhà chọc trời, với tốc độ phát triển thuộc top nhanh nhất thế giới. Trong khi khí hậu cực kỳ khô hạn thì sự bùng nổ dân số khiến nguồn nước ngầm trở nên cạn kiệt và chỉ cung cấp đủ 05% nhu cầu của thành phố. 99,5% nhu cầu nước sạch còn lại được lọc từ nước biển nhờ nhà máy khử nước mặn khổng lồ có tên Jebel Ali.
Nhà máy khử muối từ nước biển này nằm giữa vùng vịnh Ba Tư và sa mạc Arab có khả năng xử lý 10,6 tỷ lít nước biển/ngày. 9% lượng nước biển đầu vào sẽ trở thành nước uống, còn lượng nước còn lại được bơm trở lại vịnh Ba Tư.
Công cuộc biến nước mặn thành nước ngọt ở Dubai được thực hiện nhờ một nhà máy sản xuất thiết bị cách đó hàng nghìn km, nằm trên diện tích 100 héc-ta tại Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi, Việt Nam) do Tập đoàn Doosan (Hàn Quốc) đầu tư.
Vào tháng 11/2006, Công ty TNHH Công nghiệp Nặng Doosan Việt Nam – sau này đổi tên thành Công ty TNHH Doosan Enerbility Việt Nam (viết tắt là Doosan Vina) khi công ty mẹ đổi tên thành Doosan Enerbility - được cấp giấy chứng nhận đầu tư và khánh thành vào tháng 5/2009. Ngay trong năm đó, chuyến hàng đầu tiên đã được xuất khẩu ra thế giới.
Doosan Vina chuyên sản xuất thiết bị cho các nhà máy điện, cẩu trục cho các cảng biển, thiết bị khử muối nước biển thành nước ngọt, thiết bị xử lý nhiên liệu thô, mô-đun và kết cấu thép cho các công trình công nghiệp và sắp tới là các sản phẩm điện gió ngoài khơi. Theo thông tin trên website, tính đến nay, công ty đã hoàn thành 398 dự án có tổng trọng lượng hơn 580.000 tấn, tổng giá trị đơn hàng hơn 3 tỉ đô la Mỹ và những sản phẩm này hiện đang hoạt động tại 35 quốc gia trên toàn cầu.
Cụ thể, trong lĩnh vực lò hơi, Doosan Vina đã và đang cung cấp tổng cộng 20.000MW điện cho các nhà máy nhiệt điện ở Ấn Độ, Brazil, Ả rập Xê út, Ai Cập, Nhật Bản, Indonesia và tại Việt Nam gồm Mông Dương 2 (1200MW), Vĩnh Tân 4 (1.200MW), Vĩnh Tân 4 Mở rộng (600MW), Sông Hậu 1 (1.200MW), Nghi Sơn 2 (1.330MW) và Vân Phong 1 1,320MW, Vũng Áng 2...
Về cẩu trục cảng biển, Doosan Vina đã và đang cung ứng 105 cẩu trục cho các cảng sầm uất thế giới như PSA Singapore, JNPT và BMCT Ấn Độ, Samarinda Indonesia, Saudi Global Port Ả-rập Xê-út. Tại Việt Nam gồm có Tân cảng Sài Gòn, cảng Đà Nẵng, cảng nhà máy Lọc Dầu Nghi Sơn, cảng Gemalink, cảng Nam Đình Vũ…
Về module, tính đến nay, Doosan Vina đã và đang sản xuất 140 module cho các khách hàng quốc tế. Về kết cấu thép, Doosan Vina đã cung ứng 155.300 tấn sản phẩm phục vụ cho việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện như Mông Dương 2, Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 Mở rộng, Sông Hậu 1, Nghi Sơn 2, Vân Phong 1 và Vũng Áng 2 tại Việt Nam, Cochrane FGD tại Chile và IHI KP2 Project Coal Bunker tại Nhật Bản.
Riêng về thiết bị khử mặn, ngoài cung cấp thiết bị cho nhà máy tại Dubai nói trên, Doosan Vina cũng cung cấp cho các nhà máy tại Chile, Ả rập Xê Út, Iraq, Kuwait và Bahrain. Các thiết bị nặng gần 4.500 tấn và cao gần bằng một tòa nhà 5 tầng có thể cung cấp 776 triệu lít nước sạch và đáp ứng nhu cầu sử dụng của gần 2,5 triệu người dân mỗi ngày.
Về thiết bị đốt nóng nhiên liệu thô, Doosan Vina cũng đã cung cấp gần 4.600 tấn thành phần cấu thành thiết bị đốt nóng nhiên liệu thô cho Nhà máy Lọc dầu Thai Oil và 600 tấn cho nhà máy lọc dầu Sriracha tại Thái Lan.
Báo cáo tài chính hợp nhất của Tập đoàn Doosan cho biết, từ năm 2019 - 2023, doanh thu của Doosan Vina nằm trong khoảng 385 – 543 tỷ won. Trong đó, năm 2022 là năm đỉnh cao khi doanh thu và lợi nhuận đều lên mức cao nhất, lần lượt đạt 543 tỷ won và 130 tỷ won (tương đương 10.160 tỷ đồng và 2.435 tỷ đồng – tính theo tỷ giá tại thời điểm cuối năm 2022).
Tuy nhiên năm 2023 chứng kiến sự sụt giảm mạnh khi doanh thu giảm 8% về 499 tỷ won (9.350 tỷ đồng) và lợi nhuận giảm 69% về 40 tỷ won (750 tỷ đồng).
Tính về quy mô tài sản, Doosan Vina là công ty thành viên lớn thứ 4 của Doosan tại nước ngoài với 570 tỷ won tại thời điểm cuối năm 2023.
Trong tài liệu công bố của Doosan đề cập đến dự án về năng lượng hạt nhân và Việt Nam là một trong những cái tên nằm trong danh sách được tập trung nguồn lực của Tập đoàn này.
Thực tế, Doosan Vina là công ty đầu tiên ở Đông Nam Á nhận được chứng nhận ASME hạt nhân và trong nhiều năm nay luôn thể hiện mong muốn phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các bộ, ngành liên quan, để chứng minh kinh nghiệm của Doosan trong sự phát triển các nhà máy điện hạt nhân. Thiết bị điện hạt nhân đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam được Doosan Vina cung cấp cho Nhà máy điện hạt nhân Shin Kori, Hàn Quốc vào năm 2016.
Công ty Doosan Enerbility ngày 25/5/2022 cũng cho biết, họ sẽ đầu tư 5.000 tỷ won (3,9 tỷ USD) vào ngành công nghiệp lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR) vốn được coi là thế hệ tiếp theo của lò phản ứng hạt nhân, tuabin khí, hydro và pin nhiên liệu hydro trong 5 năm tới.