MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà nghiên cứu được đào tạo tại Harvard chỉ thẳng: Người EQ cao có 3 bí quyết khi giao tiếp, áp dụng ắt sẽ đạt được thành công nhất định trong công việc

21-08-2024 - 10:44 AM | Tài chính quốc tế

Sau đây là ba điều mà những người có EQ cao luôn làm khi giao tiếp với người khác.

Nhà nghiên cứu được đào tạo tại Harvard chỉ thẳng: Người EQ cao có 3 bí quyết khi giao tiếp, áp dụng ắt sẽ đạt được thành công nhất định trong công việc- Ảnh 1.

Jenny Woo là một nhà nghiên cứu về trí tuệ cảm xúc (EQ) được đào tạo tại Harvard và là người sáng lập Mind Brain Emotion. Công ty của cô chuyên sản xuất các trò chơi để giúp phát triển từ khả năng ứng xử đến tư duy phản biện.

Cô đã dành phần lớn sự nghiệp để nghiên cứu về cách những người giao tiếp tốt phát triển các mối quan hệ. Cô nhận thấy rằng những người EQ cao sẽ xây dựng được những mối quan hệ tích cực, đặc biệt trong môi trường làm việc. Từ đó, họ có thể đạt được mục tiêu nghề nghiệp tốt hơn.

Sau đây là ba điều mà Jenny Woo nhận thấy những người có EQ cao luôn làm khi nói chuyện với người khác.

1. Đặt câu hỏi khơi gợi cảm xúc sâu sắc

Những người có EQ cao có khả năng đặc biệt trong việc lồng ghép các câu hỏi vào cuộc trò chuyện để khơi dậy sự hứng thú.

Thông thường, những câu hỏi ban đầu của họ tập trung vào việc tìm hiểu những trải nghiệm, suy nghĩ và cảm xúc của đối phương. Họ đặt câu hỏi mở và có chủ đích như:

Bạn tham gia vào… như thế nào?

Bạn nghĩ gì về…?

Bạn cảm thấy thế nào về…?

Họ có cách đặt rải rác các câu hỏi tiếp theo một cách nhịp nhàng trong suốt quá trình tương tác. Khả năng thể hiện nhận thức xã hội và sự đồng cảm, tức dấu hiệu của EQ cao, giúp cách thể hiện của họ trở nên chân thực chứ không mang lại cảm giác tọc mạch.

Kết quả là đối phương sẽ cảm thấy được thấu hiểu, lắng nghe và trân trọng.

2. Phản chiếu giọng điệu lời nói và ngôn ngữ cơ thể của đối phương

Khi một người lạ mang lại cảm giác dễ gần và thân quen ngay từ lần đầu gặp, rất có thể do họ đang “bắt chước” bạn. Đó là cách bắt chước tinh tế các hành vi, kiểu nói và ngôn ngữ cơ thể của người khác.

Những người có EQ cao có kỹ năng cảm nhận được các tín hiệu và phản chiều với đối phương để làm sâu sắc thêm mối quan hệ.

Họ chú ý đến giọng điệu, nhịp độ và cách lựa chọn từ ngữ. Nếu bạn nói chậm hoặc hào hứng, họ có thể điều chỉnh nhịp độ để phù hợp với cảm xúc của bạn. Tương tự như vậy, nếu bạn nghiêng người hoặc làm cử chỉ, họ cũng có thể làm như vậy.

Phản chiếu không phải sao chép, mô phỏng hay thao túng. Thay vào đó, sự đồng điệu về phong cách giao tiếp tạo ra kết nối và thể hiện sự tôn trọng.

3. Họ chia sẻ những sai lầm và thất bại của bản thân

Những người có EQ cao sẽ chia sẻ cởi mở về những thất bại của mình. Họ không ngại tiết lộ nỗi sợ hãi và thất bại của mình. Họ coi đó là sức mạnh và phương tiện để xây dựng những kết nối sâu sắc.

Họ hiểu rằng những sai lầm không nói lên con người họ. Công việc của họ cũng không phải làm hài lòng tất cả mọi người. Những người có EQ cao thường ổn định cảm xúc tốt và dũng cảm trước những sự ghen ghét.

Họ cũng có khả năng kỳ lạ là biến tiêu cực thành động lực. Họ muốn nhân cơ hội đó để tìm ra người ủng hộ giữa những người chỉ trích.

Họ tập trung vào những gì có thể học được từ những thất bại của mình. Đó là dấu hiệu của khả năng tự quản lý và phục hồi, hai đặc điểm chính của EQ.

Bằng cách chia sẻ cả những trải nghiệm tích cực và tiêu cực của mình, những người có EQ cao khuyến khích những người xung quanh chia sẻ, học hỏi và cùng nhau phát triển.

Tham khảo CNBC

Thiên Di

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên