MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà nông 'cay xè' vì hồ tiêu

17-02-2023 - 10:45 AM | Thị trường

Những ngày này, nông dân Tây Nguyên đang bước vào vụ thu hoạch hồ tiêu. Tuy nhiên, loại cây được ví là “vàng đen” này rơi vào cảnh sản lượng thấp, giá giảm sâu, khiến nhà nông “cay xè”.

Ông Nguyễn Văn Nam (thôn Thuận Bình, xã Thuận Hạnh, Đắk Song, Đắk Nông) cho biết, gia đình đang thuê nhân công thu hoạch vườn hồ tiêu rộng hơn 1,5 héc-ta, được trồng xen cà phê.

Khoảng 10 ngày nữa, gia đình ông sẽ thu hoạch xong, ước tính sản lượng khoảng 2 tấn, giảm hơn 30% so với năm ngoái. Theo ông Nam, hồ tiêu giảm năng suất do thời tiết thất thường, khiến cây ra nhiều đợt. Chưa kể, hồi tháng 12/2022, hồ tiêu chuẩn bị cho thu hoạch lại gặp “bão trong mùa khô”, khiến quả bị rụng rất nhiều.

Nhà nông cay xè vì hồ tiêu - Ảnh 1.

Gia đình chị Nguyễn Thị Hải Yến hái trước những chùm tiêu chín

“Nhiều trụ tiêu đang có tình trạng quả già non lẫn lộn, rất khó thu hoạch. Nếu cho hái hết một lần sẽ nhanh nhưng nhiều tiêu zem (hạt còn non, ít nhân), làm giảm trọng lượng, bị hạ giá; còn hái lựa bảo đảm được chất lượng, song tốn nhiều nhân công và thời gian thu hái kéo dài. Do đó, tôi đành để tiêu chín đều thêm chút, chấp nhận nhặt tiêu rụng”, ông Nam chia sẻ.

Còn chị Nguyễn Thị Hải Yến (thôn 15, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) có vườn tiêu rộng 1 héc-ta cho hay, gia đình vừa tổ chức hái chọn những chùm tiêu đã chín. Nếu không hái, để lâu bị rụng xuống gốc, phải đi nhặt còn vất vả hơn.

“Đang mùa khô nhưng thường xuyên xảy ra những cơn mưa trái vụ, dẫn đến vườn cây đậu quả không đều. Điều này khiến gia đình tôi gặp khó khăn trong chăm sóc, bón phân. Chưa kể, giá vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) chăm sóc cây hồ tiêu tăng giá mạnh. Vụ trước, tôi tốn khoảng 30 triệu đồng mua phân bón, BVTV; còn vụ này, số tiền đã gần gấp đôi”, chị Yến thông tin.

Chị Yến cho biết thêm, đây là năm thứ 2 liên tiếp mất mùa hồ tiêu. Năm ngoái, hồ tiêu nhà chị ra nhiều chùm nhưng thưa hạt. Nguyên nhân cũng vì thời tiết mưa nắng thất thường. Theo chị Yến, đúng quy luật, cứ đến mùa mưa phải có mưa, hồ tiêu mới ra bông, đậu trái đều. Việc nông dân tưới chỉ là phụ, nếu không có nước mưa hoặc mưa không đều, coi như vụ đó mất mùa.

Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Suê (Gia Lai) cho hay, không riêng Đắk Lắk, Đắk Nông mà cả tỉnh này cũng chung cảnh mất mùa, rớt giá .

Ông Bính lý giải, thông thường sau vụ thu hoạch, cây tiêu cần 40-50 ngày để phân hóa mầm hoa. Đây là giai đoạn hồ tiêu “siết nước”, cây sẽ bị khô kiệt, héo rũ; chờ mùa mưa đến sẽ nở hoa đồng loạt, cho quả đều, đạt năng suất. Tuy nhiên, thực tế năm qua, thời tiết Tây Nguyên diễn biến phức tạp, mưa nắng không theo quy luật, khiến hồ tiêu cũng “lao đao” theo.

Về thị trường hồ tiêu năm nay, ông Bính đánh giá, đầu vụ khá trầm lắng, giá cũng giảm 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ông Bính, hồ tiêu đang dao động trên dưới 60 nghìn đồng/kg, trong khi vào thời điểm này của năm 2022, giá tiêu ở mức trên 90 nghìn đồng/kg.

Vị này cho biết, thị trường hồ tiêu Việt Nam bị ảnh hưởng rất lớn từ thị trường tiêu thụ của các nước châu Âu, Mỹ, Trung Quốc... Cùng với tác động của dịch COVID-19, việc ngân hàng siết chặt tín dụng, tăng lãi suất khiến các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn.

Tuy nhiên, ông Bính bày tỏ lạc quan cho rằng, thị trường hồ tiêu sẽ có tín hiệu tốt do sản lượng năm nay dự báo giảm hơn năm ngoái vì nhiều địa phương mất mùa, diện tích “vàng đen” cũng bị thu hẹp rất nhiều so với trước đây.

Theo Huỳnh Thủy

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên