Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào tiền lương doanh nghiệp: Không dễ nhưng phải làm
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21.5.2018 của Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương khóa XII (Nghị quyết số 27) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp (DN).
- 21-08-2018Từ 2021, Nhà nước sẽ không can thiệp chuyện tiền lương của doanh nghiệp
- 27-05-2018Infographic: Sắp tới tiền lương sẽ thay đổi như thế nào?
- 23-05-2018Tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức sẽ thay đổi như thế nào?
Theo đó, từ năm 2021, các DN được thực hiện chính sách tiền lương trên cơ sở thương lượng, thoả thuận giữa người sử dụng lao động với người lao động và đại diện tập thể NLĐ. Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của DN.
Sẽ khoán chi phí tiền lương
Theo Nghị quyết số 27, giai đoạn từ năm 2018 - 2020, cải cách đối với khu vực công sẽ đảm bảo các mục tiêu: Tiếp tục điều chỉnh tăng mức lương cơ sở theo Nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm không thấp hơn chỉ số giá tiêu dùng và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế; không bổ sung các loại phụ cấp mới theo nghề. Hoàn thành việc xây dựng và ban hành chế độ tiền lương mới theo nội dung cải cách chính sách tiền lương, gắn với lộ trình cải cách hành chính, tinh giản biên chế; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết của Trung ương.
Đối với khu vực DN, thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng chi trả của DN để đến năm 2020 mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương đối với DN nhà nước theo các nội dung của Đề án cải cách chính sách tiền lương được phê duyệt.
Đối với khu vực DN, từ năm 2021, Nhà nước định kỳ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Các DN được thực hiện chính sách tiền lương trên cơ sở thương lượng, thoả thuận giữa người sử dụng lao động với người lao động và đại diện tập thể NLĐ; Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của DN. Thực hiện quản lý lao động, tiền lương trong DN nhà nước theo phương thức khoán chi phí tiền lương gắn với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của DN đến năm 2025 và tiến tới giao khoán nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của DN vào năm 2030.
5 tập đoàn, TCty sẽ thí điểm tiền lương mới từ năm 2021
Trao đổi với PV Lao Động chiều 22.8, ông Tống Văn Lai - Phó cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ LĐTBXH) cho biết, về cơ bản mảng công việc của Bộ LĐTBXH chỉ liên quan đến lương của người lao động trong khối doanh nghiệp. Tuy nhiên, Bộ vẫn lưu ý trong đề án có các mốc quan trọng và triển khai các công việc bám sát. Cụ thể: Năm 2021 xóa trực tiếp sự can thiệp của nhà nước vào bảng lương của doanh nghiệp, vừa qua Bộ sửa Điều 93 của Bộ luật Lao động có nêu Chính phủ không quy định xây dựng các nguyên tắc thang bảng lương nữa để người lao động tự thỏa thuận với DN. Thứ 2 là năm 2020 mức lương tối thiểu vùng bằng mức sống tối thiểu người lao động. Vừa qua, Hội đồng tiền lương quốc gia đã họp chốt mức tăng lương tối thiểu vùng 5,3%, còn bao nhiêu thì để đến năm 2019, 2020 bù nốt.
Ông Lai cũng cho hay từ nay đến năm 2021 Bộ sẽ bắt tay vào xây dựng nghị định để thí điểm cho khoảng 5 tập đoàn, tổng công ty áp dụng cơ chế tiền lương như Nghị quyết 27 đã nêu nhằm thí điểm trước để rút kinh nghiệm.
Trả lời câu hỏi về việc để chủ sử dụng và NLĐ tự thỏa thuận tiền lương thì có ảnh hưởng đến đối tượng yếu thế hơn là NLĐ, ông Lai cho rằng, pháp luật bao giờ cũng cân bằng lợi ích cho 2 bên, tinh thần là phải cởi mở cho doanh nghiệp phát triển nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Ngoài ra, ông Lai nhấn mạnh tinh thần những gì mà 2 bên đã thỏa thuận được rồi thì DN vẫn phải đương nhiên thực hiện; những gì cả 2 bên cần thỏa thuận lại thì mới thỏa thuận lại và thống nhất thay đổi. “Nếu không thỏa thuận lại được lại thì vẫn theo quy định cũ để thực hiện”, ông Lai nói.
Đề xuất mới về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức
Về mức đánh giá cán bộ, công chức: Trên cơ sở quy định của Luật Cán bộ, công chức, Nghị định số 56 quy định 4 mức đánh giá, phân loại cán bộ, công chức gồm: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và không hoàn thành nhiệm vụ.
Thể chế hóa Quy định số 89-QĐ/TW, dự thảo Nghị định quy định 4 mức đánh giá, phân loại cán bộ, công chức trong đó có mức Hoàn thành nhiệm vụ thay cho mức Hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực (đã đảm bảo thống nhất giữa quy định của Đảng, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức).
Về tiêu chí đánh giá: Để đáp ứng yêu cầu trong công tác quản lý CBCCVC lãnh đạo, quản lý, Quy định số 89-QĐ/TW đã quy định cụ thể các tiêu chí về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống. Về tiêu chí kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Quy định 89-QĐ/TW đã bổ sung một số nội dung như xây dựng và thực hiện chương trình hành động, thực hiện công tác cải cách hành chính, tỉ lệ hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc và CBCCVC thuộc quyền quản lý… Trên cơ sở đó, dự thảo đã quy định cụ thể các tiêu chí liên quan đến đánh giá, phân loại đối với CBCCVC.
Về việc liên thông trong đánh giá CBCCVC, dự thảo Nghị định bổ sung nguyên tắc "Kết quả đánh giá, phân loại CBCCVC theo quy định tại Nghị định này được sử dụng làm cơ sở liên thông trong đánh giá, phân loại đảng viên, đoàn viên công đoàn". Trên cơ sở đó, dự thảo Nghị định quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc phối hợp với cấp ủy, công đoàn cùng cấp thống nhất việc liên thông sử dụng kết quả đánh giá CBCCVC trong đánh giá đảng viên, đoàn viên công đoàn. A.C
Sẽ tính toán kỹ "nhu cầu sống tối thiểu"
Theo ông Tống Văn Lai, Phó cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ LĐTBXH), xác định mức sống tối thiểu là phương thức chung của quốc tế, cái này Việt Nam đã duy trì từ năm 1993 và đây là yếu tố hoàn toàn mang tính kỹ thuật. Khi xác định mức sống tối thiểu có rất nhiều yếu tố, rổ hàng hóa phải đảm bảo nhu cầu lương thực thực phẩm cho NLĐ, nhưng NLĐ sẽ có rất nhiều nhu cầu khác phi lương thực như điện nước, các dịch vụ khác, bảo hiểm y tế… "Lần này trong Nghị quyết Trung ương có giao bàn kỹ việc này, trong thời gian tới sẽ tính toán để đảm bảo mức sống tối thiểu", ông Lai nói. LÊ PHƯƠNG
Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐVN):
Khi Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của DN theo tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21.5.2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành TƯ khóa XII, thì điều quan trọng nhất là các cấp CĐ cần tăng cường vai trò, năng lực, kỹ năng, hiểu biết pháp luật trong công tác đối thoại, thương lượng TƯLĐTT, trong đó, đặt trọng tâm vào vấn đề về tiền lương để làm sao tiền lương thực sự đảm bảo được đời sống của NLĐ. Hiện nay Nhà nước đã có quy định về tiền lương tối thiểu vùng, nhưng đây chỉ là cái "sàn" bảo vệ NLĐ, còn để NLĐ có được tiền lương đảm bảo cuộc sống, điều quan trọng là công tác thương lượng giữa người sử dụng LĐ và NLĐ với sự hỗ trợ của tổ chức CĐ. Bên cạnh đó, các cấp CĐ cũng cần tăng cường hơn nữa các hoạt động chăm lo đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của NLĐ; góp phần tăng cường hiểu biết của NLĐ về luật pháp, điều kiện kinh tế xã hội để quá trình thương lượng được tốt hơn. Bên cạnh đó, cần có lộ trình để vừa nâng cao nhận thức cho người lao động, tăng cường quản lý Nhà nước trong DN, tạo hành lang pháp lý để đảm bảo chủ DN thực hiện tuân thủ pháp luật. QUẾ CHI (ghi)
CĐCS phải nắm rõ hoạt động SXKD của DN để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ
Theo TS Ngô Tuấn Anh - Trường ĐHKTQD, để thực hiện tốt việc thoả thuận mức lương trả cho NLĐ, CĐCS cần phải thể hiện rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong việc làm trung gian để thương lượng mức lương hợp lý cho NLĐ. Để làm được việc này, CĐCS phải nâng cao trình độ chức năng nhiệm vụ của mình và đặc biệt phải hiểu rõ tình hình hoạt động SXKD của DN để đưa ra mức lương hợp lý, tránh trường hợp DN làm ăn tốt mà chỉ trả NLĐ mức lương bèo bọt. Có như vậy mới đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. ĐẶNG TIẾN
Lao động