MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà ở dưới 20 triệu đồng/m2: Lặp lại vết xe đổ của nhà ở xã hội?

17-06-2020 - 09:07 AM | Bất động sản

Bộ Xây dựng vừa hoàn thiện cơ chế về nhà ở thương mại giá chỉ dưới 20 triệu đồng/m2 để trình Chính phủ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại, nếu đẩy mạnh loại hình nhà ở thương mại giá thấp xa trung tâm và thiếu hạ tầng sẽ rơi vào cảnh “ế ẩm” giống nhiều khu nhà ở xã hội hiện nay.

Chính sách gần như nhà ở xã hội

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Vũ Văn Phấn, Cục phó Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, thời gian vừa qua Bộ Xây dựng đã đánh giá thị trường, điều tra khảo sát nhu cầu người dân. Bộ nhận thấy, hiện, cung - cầu nhà ở trên thị trường BĐS có nhiều bất cập. Phân khúc nhà ở cao cấp phục vụ một số nhỏ đối tượng đang trong cảnh cung vượt quá cầu. Trong khi phân khúc nhà ở giá rẻ diện tích dưới 70m2, giá dưới 20 triệu đồng/m2 phục vụ đại đa số người dân còn hạn chế, chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu người dân.

Theo ông Phấn, ở giai đoạn thị trường BĐS vừa bị ảnh hưởng bởi COVID-19, càng cho thấy sự cần thiết phải phát triển phân khúc nhà ở giá thấp. Theo đó, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu, hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về giải pháp khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp.

Bộ Xây dựng cũng đưa ra hàng loạt các ưu đãi cho chủ đầu tư xây dựng như: Khi lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết phải bố trí tỷ lệ quỹ đất ở để xây dựng nhà ở thương mại giá thấp (dự kiến tối thiểu 30% tổng diện tích đất ở trong dự án); được giảm 50% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất trong phạm vi dự án; được chậm nộp tiền sử dụng đất trong thời hạn tối đa 24 tháng (2 năm) kể từ ngày được Nhà nước giao đất, cho thuê đất…

Ngoài ra, theo lãnh đạo đơn vị này, Bộ Xây dựng đang đề xuất Chính phủ xem xét cho những doanh nghiệp phát triển nhà ở giá thấp được ưu đãi về vốn, lãi suất 7-8%.

Chia sẻ về chính sách mới, Phó Chủ tịch HDMon Holdings Nguyễn Anh Tuấn cho hay, phát triển loại hình nhà ở thương mại giá thấp là chính sách kịp thời, phù hợp với bối cảnh hiện tại của thị trường bất động sản Việt Nam. Bởi lẽ, thị trường sau dịch bệnh cũng đang khó khăn. Hơn nữa, nhà ở thương mại hiện đang có mức giá cao, khó đáp ứng được phần lớn nhu cầu của người mua nhà.

Nhưng theo lãnh đạo HDMon Holdinhs, cần có chính sách hỗ trợ cho các chủ đầu tư để có thể thực hiện các dự án nhà ở thương mại giá thấp. “Nếu các yếu tố này có cơ chế ưu đãi thì việc phát triển các dự án nhà thương mại giá thấp sẽ rất thành công, nhiều chủ đầu tư quan tâm phát triển phân khúc này”, ông Tuấn chia sẻ thêm.

Đồng tình với quan điểm này, ông Vũ Kim Giang - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Hải Phát Land tin rằng thị trường sẽ tăng thanh khoản bởi đây là phân khúc nhà ở đáp ứng đúng nhu cầu lớn của thị trường. Đánh giá các cơ chế chính sách ở dự thảo đưa ra tương đối tốt đối với doanh nghiệp, nhưng ông Giang mong muốn việc cơ chế thực thi chính sách làm sao được nhanh nhất. Điều này vừa tạo niềm tin cho các đối tượng tham gia, cũng vừa tạo được những sản phẩm nhà ở nhanh nhất cho thị trường.

Có lo “ế ẩm”?

Tại Hà Nội, dù nhu cầu lớn nhưng không ít nhà ở xã hội rơi vào tỉnh cảnh “ế ẩm” bán nhiều năm không hết vì xa trung tâm, không có hạ tầng kết nối như: Quốc Oai, Hà Đông... Theo ông Vũ Văn Phấn, nhiều dự án trước đây được doanh nghiệp xây dựng theo phong trào, xây tại những khu vực xa trung tâm nhưng không có hạ tầng dịch vụ kèm theo. Vì vậy, tình trạng “ế hàng” là điều dễ hiểu. “Chính vì vậy, khi làm nhà ở giá thấp doanh nghiệp phải tính toán, giá thấp nhưng giao thông, kết nối phải thuận tiện, hạ tầng phải đầy đủ để thu hút người dân về ở”, ông Phấn nói.

Ông Phấn cho biết thêm, người dân và doanh nghiệp đều lăn tăn về quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cũng như nhà ở thương mại giá thấp sắp tới. Vì vậy, tới đây, để tạo quỹ đất cho doanh nghiệp phát triển nhà ở giá rẻ, Bộ Xây dựng kiến nghị dự án phải dành thêm 30% quỹ đất. Như vậy, tổng quỹ đất cho nhà ở thương mại giá rẻ và nhà ở xã hội tại mỗi dự án lên đến 50%.

Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, người dân đa phần là những có thu nhập trung bình thấp, trong khi đó nhà giá rẻ lại biến mất trên thị trường. Người dân có thu nhập trung bình thấp hiện không có nhiều cơ hội lựa chọn chỗ ở.

“Theo quan sát, cả năm nay hầu như không có dự án chung cư nào giá khoảng 1 tỷ đồng/căn hộ ra mắt thị trường. Thực trạng khan hiếm nhà giá rẻ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã diễn ra trong vài năm trở lại đây và còn tiếp tục tiếp diễn trong thời gian tới”, GS Đặng Hùng Võ nhận định.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho thực hiện thí điểm chính sách ưu đãi thuế, đối với dự án nhà ở thương mại giá thấp được giảm 50% thuế suất thuế GTGT và thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời, xem xét sửa đổi, hoàn thiện điều 16 dự thảo Luật Đầu tư, theo hướng thực hiện ưu đãi đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại giá thấp.


Theo Ngọc Mai

Tiền phong

Trở lên trên