MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà ở xã hội được đón nhận ở Vienna

17-06-2023 - 17:23 PM | Tài chính quốc tế

Tại một số thành phố châu Âu, việc sống trong nhà ở xã hội là điều không may mắn. Tuy nhiên, ở thủ đô nước Áo, nhà ở xã hội là biểu tượng của cuộc sống thành thị chất lượng cao.

Người dân hài lòng

Nhà ở xã hội được đón nhận ở Vienna - Ảnh 1.

Trên 60% cư dân thành phố Vienna sống trong nhà trợ cấp. Ảnh: Politico

Anh Florian Kögler (21 tuổi) đang sống trong căn hộ tại thủ đô một quốc gia châu Âu, điều khiến nhiều người mơ ước. Căn hộ của Kögler rộng 33 mét vuông và có một phòng ngủ, nằm trong tòa nhà ở xã hội có từ những năm 1930 tại quận Favoriten, Vienna. Giá thuê hàng tháng của căn hộ này chỉ khoảng 330 euro.

Kögler cho biết căn hộ ngập tràn ánh nắng nhờ có sân bên trong. Ngoài ra, trạm dừng tàu điện gần đó tạo điều kiện để anh có thể vào trung tâm thành phố trong chưa đầy 20 phút. Hợp đồng thuê nhà không có kỳ hạn, đồng nghĩa với việc chủ nhà không thể tăng giá hoặc đuổi anh ra ngoài. Kögler chia sẻ: “Tôi có thể không sống ở đây cả đời bởi căn hộ một phòng chỉ phù hợp cho riêng mình tôi và nó sẽ không còn như vậy khi tôi có gia đình. Nhưng đó sẽ là lý do duy nhất khiến tôi muốn chuyển đi”.

Câu chuyện của Kögler không phải là duy nhất ở Vienna nơi nhà ở xã hội không chỉ dành riêng cho người thu nhập thấp. Trên 60% trong tổng số 1,8 triệu người dân thủ đô Áo sống trong nhà ở trợ cấp. Gần một nửa thị trường nhà đất tại Vienna là các căn hộ thuộc sở hữu của thành phố hoặc hợp tác xã nhà ở. Phó thị trưởng Kathrin Gaal chia sẻ với tờ Politico (Mỹ): “Chính sách nhà ở xã hội tại Vienna được định hình bởi cam kết chính trị rằng nhà ở là quyền cơ bản”. Bà Gaal bổ sung: “Chúng tôi quyết tâm không tư nhân hóa nhà ở xã hội trong những năm 1980 và 1990, khi các thành phốkhác bán các  dự án nhà ở của họ. Đến nay, hơn bao giờ hết, chúngtôi nhận thấy chiến lược này đã thành công”.

Việc cư dân thành phố có thể tiếp cận nhà ở chất lượng, giá cả phải chăng đã góp phần đưa Vienna đứng đầu trong chỉ số Nơi đáng sống toàn cầu năm 2022 do hãng nghiên cứu Economist Intelligence Unit (EIU) thuộc tạp chí The Economist công bố. Mô hình của Vienna cũng được mô phỏng lại ở nhiều nơi trong Liên minh châu Âu (EU).

Bà Giordana Ferri, giám đốc điều hành của công ty Fondazione Housing Sociale có trụ sở tại Milan (Italy) cho biết, lãnh đạo các thành phố như Lyon (Pháp), Barcelona (Tây Ban Nha) và Lisbon (Bồ Đào Nha) đang áp dụng các yếu tố trong mô hình tại Vienna để xóa bỏ sự kỳ thị đối với dự án nhà ở xã hội.

Yếu tố đột phá

Nhà ở xã hội được đón nhận ở Vienna - Ảnh 2.

Kiến trúc và yếu tố trang trí khiến nhà ở xã hội của Vienna rất đẹp mắt. Politico

“Quả ngọt” từ hệ thống của Vienna không chỉ dựa vào quy mô của công trình, giá thuê, mà còn ở chính vẻ đẹp của công trình. Mặc dù được xây dựng để làm nơi ở cho người thu nhập thấp, nhưng các khu cư xá của Vienna được thiết kế tương đồng với các tòa nhà tư nhân. Ngay cả những khu cư xá lớn nhất, có thể bao gồm tới 1.400 căn hộ, cũng có nhiều bức tượng và trang trí nổi bật.

Ông Eve Blau, Giám đốc Trung tâm Davis nghiên cứu Nga và Á-Âu tại Đại học Harvard (Mỹ) - đánh giá phần sân mở trong tòa nhà là một cuộc cách mạng vì chúng đã loại bỏ phân chia giữa đường phố công cộng và khu vườn riêng bên trong. Khu phức hợp cũng bao gồm các phòng khám, cửa hàng, trường mẫu giáo và thư viện công cộng. Ông Blau nói: “Đây là những thứ dành cho người dân sống ở đó nhưng cũng dành cho cả cộng đồng rộng lớn hơn”.

Thành công của hệ thống nhà ở xã hội của Vienna còn gắn liền với lịch sử của thành phố và nhiều thập niên chính trị ổn định. Đảng Xã hội Dân chủ Áo (SPÖ) đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử đầu tiên tại Vienna năm 1919, sau khi Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc. Chủ nghĩa phát xít vào những năm 1930 đã dẫn đến một thời kỳ gián đoạn và SPÖ quay trở lại quản lý Vienna kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.

SPÖ coi vấn đề nhà ở là ưu tiên số 1 trong thời kỳ được gọi là Vienna Đỏ kéo dài đến năm 1934 và tập trung nỗ lực vào việc đảm bảo nhà ở chất lượng cho hàng nghìn công nhân công nghiệp và người tị nạn đang sống trong các khu ổ chuột ở ngoại ô thành phố.

Bà Ferri tại Fondazione Housing Sociale nhận định khi người dân ồ ạt di chuyển từ vùng nông thôn lên thành phố sau Chiến tranh thế giới thứ hai, hầu hết các chính quyền đều phải đối mặt với “áp lực mạnh mẽ trong việc cung cấp nhà ở giá rẻ một cách nhanh chóng”.

Trái ngược với Vienna, tại hầu hết các thành phố châuÂu, nhà ở xã hội thời hậu chiến không được tích hợp vào khu dân cư đã có. Thay vào đó, nó được xây dựng bên ngoài thành phố, cô lập những người sống trong đó. Và bởi vì ưu tiên là xây dựng giá rẻ, việc làm cho công trình trở nên đẹp đẽ không được chú trọng.

Trong nỗ lực cải thiện danh tiếng của nhà ở xã hội trong những năm 1970 và 1980, một số thành phố đã ủy quyền cho các kiến trúc sư nổi tiếng thực hiện các dự án lớn. Nhưng trong hầu hết các trường hợp, những nỗ lực đó đã thất bại. Ông Ferri lập luận nguyên nhân không phải do kiến trúc mà bởi vì chúng không giải quyết được vấn đề sâu xa hơn là hòa nhập cư dân tại đó vào thành phố.

Cam kết chất lượng và giá thuê

Nhà ở xã hội của Vienna đã tránh được sự kỳ thị như ở nơi khác một phần bắt nguồn từ việc thành phố đã giữ vững cam kết ban đầu là ưu tiên chất lượng và khả năng chi trả. Yêu cầu để tiếp cận nhà ở xã hội tại Vienna là công dân Áo trên 18 tuổi, đã sống ở thành phố được 2 năm, thu nhập trong ngưỡng mà 75% dân số có thể đạt đủ điều kiện...

Chính quyền Vienna sử dụng một quỹ tài sản để mua đất, phát triển các dự án mới và pháp luật được thi hành để giữ giá trị bất động sản ở mức thấp. Để đảm bảo chất lượng, thành phố yêu cầu mọi dự án mới phải được ban hội thẩm gồm các chuyên gia xem xét. Phó thị trưởng Gaal cho biết thay vì chọn những dự án rẻ nhất, các đề xuất được lựa chọn dựa trên “tiêu chí chất lượng được xác định rõ ràng như kinh tế, bền vững xã hội, sinh thái và kiến trúc”.

Bà Gaal nêu rõ thách thức lớn nhất hiện nay của Vienna là bắt kịp “nhu cầu của người dân và đáp ứng với sự gia tăng dân số, thay đổi nhân khẩu học và lối sống mới”. Nó cũng phải đảm bảo các tòa nhà cũ, một số trong đó đã có tuổi đời cả thế kỷ, vẫn là nơi an toàn để sinh sống và được cải tạo theo tiêu chuẩn hiệu quả năng lượng của châu Âu.

Các giá trị và nguyên tắc thuộc mô hình vốn tồn tại hàng thế kỷ của Vienna vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến tương lai nhà ở tại các thành phố châu Âu khác - đặc biệt là Helsinki (Phần Lan), nơi có 64.000 ngôi nhà trợ cấp. Bà Elina Eskelä, một cán bộ kế hoạch cấp cao của Helsinki cho biết thành phố này “sở hữu khoảng 17% tổng số nhà ở và là chủ cho thuê lớn nhất tại Phần Lan”.

Ông Blau kết luận: “Cuối cùng vấn đề không phải là nhà ở, mà đó là về việc trao cho người dân quyền đối với thành phố”.

Theo Hà Linh

Báo tin tức

Trở lên trên