Nhà ở “xanh” lên ngôi, tiêu chí đánh giá chất lượng sống này được hiểu như nào?
Quan niệm về nhà ở cao cấp gần đây đã có những thay đổi đáng kể, không chỉ do vị trí mà đã chuyển sang cao cấp về thiết kế, chất lượng và tiện ích…
Theo ghi nhận của cơ quan quản lý, thị trường bất động sản đang có những dấu hiệu cho thấy sự lệch pha cung-cầu. Mới đây Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhận định, hiện nay nguồn cung về căn hộ cao cấp, sản phẩm nghỉ dưỡng có tốc độ tăng rất nhanh, nhiều hơn loại nhà ở bình dân.
Còn theo ghi nhận của ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch HH BĐS Việt Nam thì thị trường BĐS tiếp tục có sự tăng trưởng. Tổng số giao dịch tại Hà Nội và TPHCM trong 6 tháng đầu năm 2016 khoảng 15.300 giao dịch, thấp hơn so với cùng kỳ 2015, song chất lượng giá trị giao dịch cao hơn.
Điều đó cho thấy nhà ở cao cấp đang có xu hướng tăng trưởng cao. Trên thực tế thị trường, các doanh nghiệp địa ốc cũng đang hướng đến phát triển dòng sản phẩm này rất đa dạng. Đáng chú ý đó là xu hướng nhà ở “xanh” – đây được xem là một trong những tiêu chí quan trọng hiện nay để đánh giá chất lượng sống.
Trên các phương tiện truyền thông, chủ dự án liên tục tung ra các thuật ngữ gắn liền với yếu tố “xanh” để quảng bá sản phẩm. Đơn cử như “mảng xanh”, “không gian xanh giữa lòng thành phố”, “gần gũi thiên nhiên”, “công trình xanh”, “sống xanh”, “sinh thái”...Vậy người mua nhà nên hiểu những tiêu chí sống này ở các dự án nhà ở như thế nào?
Có nhiều người vẫn thường hiểu dự án nhà ở “xanh” là các dự án có mật độ cây xanh, công viên lớn chẳng hạn như Ecopark, hay Xanh Villas…Tuy nhiên, đây cũng chỉ là 1 trong nhiều yếu tố cấu thành tiêu chính “xanh” ở các dự án.
Với những dự án có quỹ đất rộng ở ven đô thị lớn hoàn toàn có thể làm được điều này nhưng còn đa phần các dự án ở những khu trung tâm Hà Nội hay Tp.HCM quỹ đất hạn chế, thì những dự án “xanh” còn được hiểu là công trình thông minh, sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng, hạn chế tối ta tác động xấu tới sức khỏe và môi trường.
Theo khái niệm về “công trình xanh” mà Hội đồng công trình xanh Việt Nam (VGBC) đưa ra, một dự án “xanh” phải đáp ứng 3 tiêu chí:
Một là, sử dụng năng lượng, nước và các nguồn tài nguyên khác hiệu quả. Hai là, bảo vệ sức khỏe người sử dụng và nâng cao năng suất lao động. Ba là, giảm thiểu chất thải, ô nhiễm và hủy hoại môi trường.
“Công trình xanh” dù mới xuất hiện ở Việt Nam cách đây không lâu, nhưng mô hình này đã khá phổ biến ở những nước phát triển như Mỹ hay Singapore. Theo khái niệm của Hội công trình xanh Hoa Kỳ, thì dự án được cho là “xanh” thường nhắm đến những công trình đạt được hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng, và vật liệu, giảm các tác động xấu đến môi trường, thiết kế đảm bảo hài hòa với thiên thiên, hạn chế tác động không tốt của môi trường xây dựng tới sức khỏe con người và thiên nhiên.
Hay như ở Singapore, họ đã phát triển riêng một hệ thống để đánh giá các công trình xanh theo thứ tự platinum (bạch kim), gold (vàng) và silver (bạc). Những dự án như vậy phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí được đưa ra:
Đơn cử như không có hệ thống thông gió, làm mát bằng máy; tất cả các căn hộ đều được thiết kế có gió và ánh sáng tự nhiên; sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời; thiết kế tránh ánh nắng mặt trời chiếu vào không gian nội thất; hệ thống tiện ích đầy đủ gắn với môi trường xanh, sạch, đẹp, gần gũi thiên nhiên…
Hay như tổ chức IFC cũng đã đưa ra tiêu chuẩn EDGE để đánh giá tiêu chuẩn sống cho dự án “xanh”. Tiêu chuẩn này thiên về tối ưu hóa trong thiết kế: công trình mới phải đạt 20% mức giảm tiêu thụ năng lượng, nước và năng lượng hàm chứa trong vật liệu so với công trình thông thường.
Công trình phải sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng: dùng đèn LED, dùng pin năng lượng mặt trời …tiết kiệm đến 42%.
Nắm bắt xu hướng này, hiện nay nhiều chủ đầu tư đang nỗ lực để xây dựng những công trình bền vững. Những công trình sử dụng tài nguyên hiệu quả có những tác động rõ ràng đến lợi nhuận của doanh nghiệp lẫn túi tiền của người dân.