Nhà quản lý quỹ 'đánh bại' S&P 500 cảnh báo: Warren Buffett đang có những bước đi 'đáng báo động', giống những gì ông từng làm trước khi bong bóng dot-com nổ tung
Nhà quản lý quỹ này chỉ ra rằng thị trường nên cảnh giác khi Warren Buffett liên tục bán mạnh cổ phần trong các công ty như Apple và Bank of America.
Trong suốt nhiều năm làm quản lý quỹ, Bill Smead luôn theo dõi sát sao bước đi của các huyền thoại đầu tư Warren Buffett và Charlie Munger trong việc mua và nắm giữ dài hạn với các cổ phiếu được định giá thấp.
Smead cho biết: “Tốt hơn là nên biết ai là người thông minh, chứ không hẳn là trở nên thông minh trong lĩnh vực kinh doanh của mình. Hay như Munger từng nói, trong giới đầu tư, ‘làm theo ai đó’ là điều hoàn toàn có thể chấp nhận.”
Smead đã thực hiện xuất sắc triết lý đầu tư đó khi quản lý quỹ Smead Value, có hiệu suất vượt trội so với 99% quỹ cùng lĩnh vực trong 15 năm qua, theo dữ liệu của Monringstar. Quỹ của ông cũng có diễn biến tốt hơn S&P 500 trong cùng khoảng thời gian, khi tỷ suất sinh lời trung bình là 14% mỗi năm trong khi chỉ số này là 13,8%.
Tuy nhiên, dù áp dụng thành công chiến lược của Buffett và Munger, Smead cũng lưu ý khi Buffett chuẩn bị trước rủi ro thị trường rớt giá. Hơn nữa, ông tin rằng, đó chính là những gì đang xảy ra khi Buffett liên tục bán mạnh cổ phần trong các công ty như Apple và Bank of America.
Smead chỉ ra rất nhiều điểm tương đồng giữa các động thái hiện tại của Buffett và quan điểm của ông vào năm 1999. Ở thời kỳ bong bóng dot-com đạt đỉnh, ông không mua cổ phiếu công nghệ và cảnh báo thị trường khó có thể tiếp tục chứng kiến đà tăng nóng như vậy.
Từ tháng 7 đến tháng 9/1999, Buffett đã nói đến dự đoán của mình về thị trường trong các cuộc trao đổi với Fortune. Vị huyền thoại đầu tư chỉ ra rằng thị trường chứng khoán đã có diễn biến tích cực trong những năm trước cho đến 1999 nhờ 2 yếu tố là lãi suất dài hạn giảm và lợi nhuận doanh nghiệp tăng.
Song, thị trường dường như khó có thể duy trì đà tăng nhờ 2 yếu tố đó. Lợi nhuận doanh nghiệp khó có thể tăng trưởng mạnh như những năm 1980 và 1990, ngay cả khi lãi suất giảm, theo Buffett. Hơn nữa, định giá cổ phiếu - vốn chịu ảnh hưởng lớn bởi lãi suất, đã tăng quá mạnh, tác động tiêu cực đến triển vọng lợi nhuận trong tương lai.
Đương nhiên, S&P 500 đã giảm mạnh 50% trong vài năm sau đó và đúng 1 thập kỷ sau lại tăng hơn 20% so với tháng 9/1999. Kể từ đó, các nhà đầu tư đã được hưởng lợi suốt 15 năm lãi suất cực thấp và lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng mạnh. Đây chính là điều khiến Smead lo ngại, đà tăng liên tục sẽ không thể kéo dài mãi.
Nhà quản lý quỹ nói: “Hiệu suất S&P 500 chịu ‘lời nguyền’ 15 năm. Tôi cho rằng có lẽ có 1% khả năng trong 10 hay 15 năm tới, nhà đầu tư sẽ đáp ứng được nhu cầu kinh tế của họ để đổ tiền cho tương lai, bằng cách rót vốn vào S&P 500.“
Trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm đang giảm, ông cho rằng lạm phát tăng trở lại sẽ đẩy lãi suất lên mức 6%. Smead nhận định đây sẽ là yếu tố cản trở thị trường.
Nhưng lạm phát có phải là mối đe doạ nghiêm trọng không? Fed và nhiều cơ quan khác không nghĩ vậy khi thị trường lao động đang hạ nhiệt. Ngược lại, Smead cho rằng thị trường lao động vẫn mạnh mẽ hơn nhiều so với đánh giá của nhiều người. Tỷ lệ thất nghiệp 4,2% dù đang tăng nhưng vẫn là mức thấp khi so sánh với quá khứ và các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tuyển dụng.
Smead xét đến tất cả những yếu tố bao gồm: lạm phát tăng trở lại thúc đẩy lãi suất cao hơn, định giá thị trường cao và tốc độ tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp không thể kéo dài mãi. Do đó, ông cho rằng thị trường sẽ có hiệu suất kém trong tương lai. Có thể, Buffett cũng có quan điểm tương tự khi nhìn vào hành đọng của vị tỷ phú.
Smead kết luận rằng, đà tăng của thị trường sẽ bị đảo ngược và rơi vào tình trạng bán tháo liên tục. Ông nói: “Diễn biến sẽ đi theo hướng ngược lại ở thời điểm nào đó. Rất nhiều biến số mà Buffett đã nhắc đến vào năm 1999 sẽ trở thành ‘lời nguyền’ chứ không phải ‘phước lành’ cho thị trường.”
Tham khảo BI
Nhịp sống thị trường