MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới muốn xây dựng hệ sinh thái hàng không tại Việt Nam

Hiện tại, có một số nhà cung cấp tại Việt Nam đang hỗ trợ sản xuất một số thành phần máy bay thương mại của nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới này.

Boeing muốn xây dụng hệ sinh thái hàng không tại Việt Nam

Tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2023 và kết hợp hoạt động song phương tại Hoa Kỳ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tiếp ông Brendan Nelson, Phó Chủ tịch Cấp cao Tập đoàn Boeing kiêm Chủ tịch Boeing toàn cầu.

Phát biểu tại buổi lễ tiếp đón này, ông Nelson cho rằng, phát triển ngành hàng không sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho đất nước và người dân. Tổng Giám đốc toàn cầu Boeing mong muốn xây dựng hệ sinh thái hàng không tại Việt Nam, trong đó chú trọng việc xây dựng cơ sở hạ tầng hàng không, đào tạo nhân lực, xây dựng sân bay, cơ sở sửa chữa, bảo trì máy bay.

Boeing không chỉ nhìn vào số lượng máy bay bán được mà mong muốn với kinh nghiệm của mình sẽ góp phần giúp Việt Nam sản xuất được thiết bị cho Boeing, nhất là hỗ trợ Việt Nam đào tạo phi công, kỹ thuật viên, đội ngũ phục vụ bay; hỗ trợ về quy định an toàn bay và đội ngũ quản lý an toàn bay; xây dựng, vận hành trung tâm bảo dưỡng, bảo trì máy bay... đại diện Boeing nhấn mạnh.

Nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới muốn xây dựng hệ sinh thái hàng không tại Việt Nam- Ảnh 1.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp Phó chủ tịch Cấp cao Tập đoàn Boeing kiêm Chủ tịch Boeing Toàn cầu Brendan Nelson. Ảnh: TTXVN

Đánh giá cao kết quả hợp tác kinh doanh giữa Boeing và các doanh nghiệp hàng không Việt Nam, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị các doanh nghiệp cần phải chuẩn bị về năng lực tài chính và quản trị. Việc tạo ra hệ sinh thái hàng không tại Việt Nam là rất quan trọng và đây là lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu, vì vậy, Việt Nam khuyến khích Boeing tham gia lĩnh vực này. Chủ tịch nước mong muốn sẽ ngày càng có nhiều hơn hoạt động hợp tác giữa Boeing với các doanh nghiệp Việt Nam trong tương lai.

Cùng với đó, Chủ tịch nước cho biết, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của Việt Nam ngày càng lớn và cuối năm 2026 Việt Nam sẽ khánh thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành, do đó, Boeing cần coi trọng Việt Nam như một thị trường lớn để đầu tư phát triển hệ sinh thái hàng không.

Đã có nhà cung cấp tại Việt Nam sản xuất một số thành phần của máy bay

Tập đoàn Boeing là nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới. Boeing phát triển, sản xuất và bảo trì máy bay thương mại, các sản phẩm quốc phòng và hệ thống hàng không vũ trụ tại hơn 150 quốc gia. Tập đoàn tận dụng nguồn nhân tài từ các nhà cung cấp toàn cầu để tăng cường cơ hội kinh tế, tính bền vững và tác động đến cộng đồng.

Chiến lược của Boeing nhắm đến khả năng tiết kiệm nhiên liệu, giảm thiểu giá thành bảo dưỡng và gia tăng tối đa lợi ích cho các hãng hàng không sau mỗi chuyến bay.

Nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới muốn xây dựng hệ sinh thái hàng không tại Việt Nam- Ảnh 2.

Ảnh: TTXVN

Tại Việt Nam, ngày 23/8/2021, Boeing đã thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam ở Hà Nội. Đến tháng 5/2023, Boeing chính thức khánh thành văn phòng thường trực tại Hà Nội nhằm đẩy mạnh cam kết gắn bó với thị trường Việt Nam.

"Mối quan hệ giữa tập đoàn Boeing và Việt Nam đang lớn mạnh từng ngày, không ngừng hợp tác để phát triển năng lực hàng không vũ trụ của đất nước. Văn phòng mới này sẽ giúp Boeing phục vụ khách hàng bản địa cũng như các bên liên quan tốt hơn, đồng thời tạo dựng nền tảng vững mạnh cho sự tăng trưởng trong tương lai," ông Michael Nguyễn, Giám đốc Boeing Việt Nam chia sẻ.

Định hướng chiến lược kinh doanh của Boeing tại Việt Nam là tăng cường hợp tác, quan hệ thương mại trong lĩnh vực hàng không với các hãng hàng không tại Việt Nam một cách sâu sắc hơn.

Boeing cũng sẽ hợp tác trong một số lĩnh vực đặc thù, như máy bay trực thăng, vận tải. Đặc biệt, tập đoàn hàng không này sẽ đầu tư phát triển chuỗi cung ứng phụ tùng, thiết bị hàng không tại Việt Nam.

Hiện tại, có một số nhà cung cấp tại Việt Nam đang hỗ trợ sản xuất một số thành phần máy bay thương mại của Boeing như một số bộ phận, linh kiện, nội thất máy bay và vật liệu tổng hợp. 

Tuy nhiên, các doanh nghiệp tham gia được vào chuỗi cung ứng hàng không vũ trụ vẫn chủ yếu đến từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Các doanh nghiệp thuần Việt Nam mới chỉ sản xuất được những linh phụ kiện nhỏ, giá trị gia tăng chưa cao.

Theo Pha Lê

Phụ nữ số

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên