MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà sáng lập, Chủ tịch điều hành WEF: "Cách mạng 4.0 không phải là nút bấm để biến mọi thứ thay đổi trong phút chốc"

11-09-2018 - 11:16 AM | Tài chính quốc tế

Giáo sư Klaus Schwab, người khai sinh ra khái niệm cách mạng công nghiệp 4.0, nhận định kỷ nguyên 4.0 cần lấy con người làm trung tâm, không phải để con người làm nô lệ cho robot.

Con người là trọng tâm của CMCN 4.0

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho ASEAN tại Hà Nội, Giáo sư Klaus Schwab nhấn mạnh vai trò của con người là trung tâm của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Theo nhà sáng lập Diễn đàn kinh tế thế giới, WEF luôn dành sự tập trung của mình để đảm bảo vai trò của con người.

CMCN 4.0 mang đến những kỳ vọng đột phá, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất. Phương thức sản xuất mới, với sự góp mặt của tự động hóa, trí tuệ nhân tạo sẽ giúp năng suất lao động tăng đột biến. Tuy nhiên, robot sẽ phải được tạo ra để phục vụ con người thay vì bắt con người làm nô lệ cho robot.

"CMCN có khả năng mang đến cho nhân loại tầm cao mới. Tuy nhiên, cần phải quan tâm nhiều tới giá trị con người. Chúng ta cần tạo ra một thế giới nhân văn hơn chứ không chỉ là những thay đổi về mặt máy móc, công nghệ", ông Schwab nhấn mạnh.

Tác giả cuốn sách "Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư: Tất cả cùng có lợi" vừa được xuất bản bằng tiếng Việt cũng nhấn mạnh hai thập niên qua, WEF và Việt Nam đã có mối quan hệ tốt đẹp, mở ra tiềm năng tuyệt vời để phát triển. Ông Schwab cũng khẳng định không thể coi nhẹ tác động của CMCN 4.0. Nó có thể ảnh hưởng tới không chỉ môi trường kinh doanh mà còn cả chính sách kinh tế của một quốc gia hay một khu vực.

Nhà sáng lập, Chủ tịch điều hành WEF: Cách mạng 4.0 không phải là nút bấm để biến mọi thứ thay đổi trong phút chốc - Ảnh 1.

Ảnh: Nam Khánh

Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 không chỉ đơn thuần là 1 đột phá công nghệ mà nằm ở nhiều lĩnh vực công nghệ khác nhau như Trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, tự động hóa.... Cuộc CMCN lần thứ 4 có tính toàn diện và tốc độ, hứa hẹn tạo ra những biến chuyển đột phá.

CMCN 4.0 không phải nút bấm tạo ra sự đột phá

Đề cập tới những triển vọng trong cuộc CMCN 4.0, Giáo sư Schwab cho rằng Việt Nam cần tranh thủ tiềm năng và sức mạnh của nó để tạo điều kiện cần thiết cho phát triển, trong đó tạo ra một môi trường và hệ sinh thái doanh nghiệp.

"Ở thời điểm CMCN 4.0 bùng nổ, mối đe dọa việc làm bị mất nên được thay thế bằng kỳ vọng nhiều việc làm mới hơn sẽ được tạo ra. Không nên duy trì tâm lý bi quan mà cần lạc quan nhìn vào những tiềm năng. Bên cạnh đó, chính phủ cũng cần tạo ra những chính sách cần thiết cho quá trình chuyển đổi", ông Schwab nói.

Tuy nhiên, nhà sáng lập WEF cũng nhấn mạnh đừng quá kỳ vọng vào những thành quả đột phá của CMCN 4.0. Đó không phải là nút bấm để có thể biến mọi thứ thay đổi trong phút chốc. Thực tế, đây là quá trình dài hạn, cần nhiều nỗ lực để mang lại thành quả.

Nhà sáng lập, Chủ tịch điều hành WEF: Cách mạng 4.0 không phải là nút bấm để biến mọi thứ thay đổi trong phút chốc - Ảnh 2.

Ảnh: Nam Khánh

Cùng với đó, giáo dục đào tạo sẽ là nền tảng vô cùng quan trọng để chuẩn bị cho giới trẻ trước những thách thức mới với khả năng lập trình hay những kỹ năng mới. 

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang khiến cả thế giới lo ngại, ông Schwab và WEF tin tưởng và trân trọng mọi nỗ lực nhằm duy trì thương mại đa phương và đa biên. Ông Schwab tin rằng quốc gia nào làm chủ CMCN 4.0 thì họ sẽ có những lợi thế vượt trội trong lợi thế cạnh tranh bởi nó mang những điều cần thiết cho sự bùng nổ của mọi nền công nghiệp.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên