Lời giải cho bài toán “trọng nam khinh nữ” để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) về ASEAN 2018 tổ chức tại Hà Nội, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati có bài viết trên trang của WEF với dòng tít "Tại sao phụ nữ sẽ là tương lai của châu Á?". Tuy nhiên, câu chuyện tương lai này còn rất nhiều việc phải làm.
Theo Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati, châu Á hiện nắm trong tay một nguồn lực lớn có thể làm thay đổi tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực đó là từ phụ nữ và trẻ em gái.
Theo tờ The Straits Times, ở nhiều quốc gia Đông Nam Á, trung bình cứ 100 người thì chỉ có 30 phụ nữ làm ở các vị trí lãnh đạo ở nhiều quốc gia. Các quốc gia này, mặc dù có lợi thế trong việc sở hữu nền văn hóa đa dạng và đời sống xã hội đặc trưng, nhưng lại phải đối mặt với một vấn nạn chung – trọng nam khinh nữ, ngăn cản phụ nữ đạt phát triển hết tiềm năng của họ.
Phụ nữ ASEAN có năng lực, trong một số lĩnh vực, họ thậm chí vượt trội so với nam giới, nhưng tỷ lệ phụ nữ trong lực lượng lao động luôn thấp hơn so với nam giới. Ở các thị trường đang phát triển hoặc kém phát triển, đàn ông được tiếp cận nhiều hơn với các nguồn lực kinh tế, chẳng hạn như dinh dưỡng, quyền sở hữu đất hoặc tài sản, do được lợi về quyền thừa. Điều đó cản trở quyền bình đẳng của nữ giới.
Mặc rất nỗ lực trong việc chứng minh năng lực của mình, phụ nữ ở Đông Nam Á vẫn còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Họ thường bị giáng chức hoặc sa thải một cách vô lý vì họ thậm chí không được ký hợp đồng lao động.
Theo AEC, tất cả các thành viên của ASEAN đều có luật bình đẳng giới quy định trong hiến pháp, nhưng họ đều bị những quan niệm trọng nam khinh nữ lỗi thời cản trở việc đạt được bình đẳng giới tính.
ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) - một cộng đồng kinh tế năng động - hiện nay đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới và được dự đoán sẽ còn phát triển hơn nữa. Mặc dù đã có nhiều thành tựu, khu vực này vẫn tụt lại trong vấn đề bình đẳng giới trong cả các cơ quan lãnh đạo chủ chốt cũng như trong lực lượng lao động nói chung.
Bình đẳng giới = GDP của Mỹ + Trung Quốc?
Năm 2015, Viện Quốc tế McKinsey đã khẳng định nếu phụ nữ tham gia một cách bình đẳng trong nền kinh tế toàn cầu, GDP sẽ tăng 28 nghìn tỷ đôla Mỹ vào năm 2025. Con số này tương đương với giá trị của hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc cộng lại.
Mặc dù ASEAN còn rất nhiều thách thức khác phải đương đầu, họ vẫn nên nhận thức vấn đề bất bình đẳng giới một cách khẩn cấp hơn, cho dù là trong môi trường làm việc hay trong xã hội.
Một báo cáo của Liên hợp quốc kết luận rằng trao quyền hợp pháp cho phụ nữ là một bước tiến lớn đối với sự phát triển của loài người. Báo cáo nhấn mạnh rằng bình đẳng giới tính trong lực lượng lao động sẽ giúp một quốc gia có nền giáo dục tốt hơn, thu nhập bình quân đầu người cao hơn cũng như tăng trưởng kinh tế cao hơn.
Phillipines là ví dụ tích cực nhất cho khu vực ASEAN với việc đứng thứ 7 thế giới về bình đẳng giới của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2016. Theo danh sách được công bố bởi Diễn đàn kinh tế thế giới, các quốc gia Đông Nam Á đứng thứ hạng khá cao trên bảng xếp hạng bình đẳng giới của châu Á. Trong đó, Philippines là quốc gia có mức độ bình đẳng giới tính cao nhất châu Á.
Các quốc gia ASEAN khác trong top 10 là Lào (đứng thứ 4), Singapore (đứng thứ 5), Việt Nam (đứng thứ 6), Thái Lan (đứng thứ 7), Myanmar (đứng thứ 8) và Indonesia (đứng thứ 9). Các kết quả từ Chỉ số Phát triển Nữ giới năm 2016 cho thấy nhiều nữ giới hơn nam giới đăng ký học đại học trên toàn khu vực ASEAN.
Các công ty nên coi sự cân bằng giới tính không phải là chi phí mà là một cơ hội. Các sáng kiến của nữ giới có thể mang lại lợi ích đáng kể cho các tổ chức theo vô số cách, từ việc mở rộng và cải thiện sự hiểu biết của họ về khách hàng nữ.
Họ có thể phát triển kỹ năng và khả năng của phụ nữ thông qua đào tạo nghề, hỗ trợ tài chính cho trẻ em gái để phát triển kỹ năng khoa học và toán, và đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số như ứng dụng dành cho thiết bị di động nhắm vào nữ doanh nhân hoặc tư vấn sức khỏe bà mẹ cho phụ nữ.
Câu chuyện bình đẳng giới ở Việt Nam
Các thách thức về bình đẳng giới ở Việt Nam tồn tại ở nhiều khía cạnh. Bà Tôn Nữ Thị Ninh, cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên minh châu Âu cho rằng, chênh lệch tuổi nghỉ hưu đang ngăn chặn cơ hội bình đẳng của người phụ nữ.
"Để phấn đấu lên chức vụ Vụ trưởng thì theo quy hoạch là 55 tuổi đối với nam và 50 tuổi đối với phụ nữ. Người phụ nữ mất 5 năm để sinh đẻ mà còn bị trừ mất 5 năm phấn đấu, vậy để làm được điều này thì người phụ nữ Việt Nam quả là phi phàm. Tại sao các chị em có khả năng, có tiềm năng làm lãnh đạo lại bắt họ phải nghỉ sớm? Đây chính là cản trở cơ hội thăng tiến của họ", bà Ninh nói.
Bà Lệ Thị Nguyệt, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận định, cuộc Cách mạng 4.0 tạo ra thời cơ thuận lợi nhưng lại là thách thức lớn cho bình đẳng giới.
"Khoa học kỹ thuật tiếp cận mọi mặt, nhưng tác động đến giới rất lớn, đặc biệt là lao động sản xuất ở doanh nghiệp, cơ hội việc làm cho nữ giới. Nếu không được trang bị đầy đủ về kỹ năng, kiến thức thì phụ nữ dễ bị phân biệt đối xử. Về mặt trách nhiệm, các cơ quan quản lý cần sớm nghiên cứu, ban hành các chính sách pháp luật để đáp ứng yêu cầu của cách mạng 4.0", bà Nguyệt nói.
Phụ nữ phần lớn làm các công việc sử dụng nhiều lao động tay nghề thấp và chưa qua đào tạo. Trong mọi ngành nghề, các lao động nữ nhận được mức lương thấp hơn 33% so với đồng nghiệp nam giới. Mức chênh lệch tiền lương này lên đến 43% tại các công ty nông nghiệp và công ty nước ngoài. Ở khu vực công, chỉ có một trong số 20 bộ trưởng và 89 trong số 1.048 vụ trưởng là nữ.
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều cơ hội đang được tạo ra nhờ sự nỗ lực của chính phủ. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên phê chuẩn Công ước CEDAW của Liên Hợp Quốc về quyền phụ nữ vào năm 1982 và có luật bình đẳng giới tiến bộ nhất châu Á.
Thời gian qua, Việt Nam cũng có nhiều hành động thu hẹp bất bình đẳng giới ở vị trí cấp cao cùng với một số ngành kỹ thuật và công việc đòi hỏi tính chuyên môn cao. Đồng thời, khoảng cách giới tính được cải thiện đáng kể trong giáo dục đại học.
Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ASEAN 2018, Việt Nam đưa ra quan điểm: nỗ lực đạt được bình đẳng giới là một trong những yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế.
Đâu là lời giải cho bài toán "trọng nam khinh nữ"?
Bà Babeth Ngọc Hân Lefur, Giám đốc Oxfam tại Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có luật bình đẳng giới tiến bộ nhất châu Á. Tỷ lệ phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động trong nước là 73%, tỷ lệ cao nhất trong khu vực.
Bà cũng cho biết: có nhiều bằng chứng rõ rệt cho thấy quyền lực của phụ nữ trong các công ty làm tăng lợi nhuận và tăng lợi thế cạnh tranh. Ở cấp độ quốc gia, mức độ bình đẳng giới cao hơn trong lực lượng lao động sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội cho nền kinh tế vĩ mô.
Lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp không chỉ đến từ việc tối đa hóa lợi nhuận mà nó còn nằm ở sự đa dạng giới và một môi trường bền vững thúc đẩy sự tăng trưởng của doanh nghiệp.
Về con đường cho Việt Nam, bà Ngọc Hân khuyến nghị nhà nước và các chủ doanh nghiệp cần bắt đầu từ việc giải quyết các rào cản đối với bình đẳng kinh tế.
Thứ nhất, môi trường chính sách cần định giá lại tiền lương và tái phân bổ việc làm để chấm dứt tình trạng gấp đôi gánh nặng – gánh nặng công việc và gánh nặng gia đình mà nhiều phụ nữ gặp phải.
Thứ hai, các tổ chức cần hiểu: rào cản lớn nhất đối với sự thay đổi chính là các chuẩn mực xã hội. Thái độ trọng nam khinh nữ còn tồn tại ở các công ty và các tổ chức. Xác định được đúng các rào cản sẽ giúp các đơn vị có giải pháp phù hợp để giải quyết bất bình đẳng.
Cuối cùng, các doanh nghiệp cần thực hiện các giải pháp với chiến lược nội bộ và bên ngoài doanh nghiệp một cách toàn diện, bao gồm các chính sách có lợi cho phụ nữ, văn hóa kinh doanh đánh giá cao sự lãnh đạo của phụ nữ và những đóng góp của họ vào sự thịnh vượng chung của xã hội.
Trí Thức Trẻ
Sự kiện: Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018: Tinh thần doanh nghiệp và cách mạng 4.0
Xem tất cả >>- "Cuộc chiến vô cực" của Tổng thống Widodo và những câu chuyện lan tỏa hậu trường WEF ASEAN 2018
- Bộ trưởng trẻ nhất Malaysia, nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam và những giấc mơ bỏ ngỏ cho người trẻ
- 4 câu chuyện nổi bật của WEF ASEAN 2018 - sự kiện mang tầm khu vực thành công nhất lịch sử 27 năm WEF
- Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Trong CMCN 4.0 nếu không tận dụng được cơ hội sẽ bị bỏ lại phía sau
- Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn công bố những con số "biết nói" về WEF ASEAN 2018