Ứng dụng này có gì mà đe dọa cả Grab ở nơi tắc đường tệ nhất thế giới
Hiện Angkas đã có 3 triệu lượt tải và 27.000 tài xế đăng ký.
- 09-10-2017Cả một thị trường ô tô thay đổi vì tắc đường khiến đi bộ còn nhanh hơn đi ô tô
- 10-07-2017Đường sắt trên cao Skytrain đã biến Bangkok từ một thành phố tắc nghẽn trở thành thủ đô tân tiến như thế nào?
- 06-07-2017Vì sao Đài Loan đông xe máy nhất thế giới nhưng vẫn không tắc đường?
Ứng dụng gọi xe ôm của 1 cựu lãnh đạo ngân hàng người Singapore đang nổi lên là đối thủ cạnh tranh sừng sỏ đối với Grab tại Manila, nơi có những đường phố kẹt xe nặng nhất thế giới.
Angeline Tham, nhà sáng lập của Angkas (trong tiếng Philippines có nghĩa là đi nhờ xe) năm nay chỉ mới 37 tuổi và ứng dụng này cũng mới chỉ 3 năm tuổi nhưng đã trở thành một trong những ứng dụng gọi xe phổ biến nhất ở Philippines. Hiện Angkas đã có 3 triệu lượt tải và 27.000 tài xế đăng ký.
Tham thành lập Angkas năm 2016, sau khi được trải nghiệm nơi kẹt xe nghiêm trọng nhất thế giới, mất 6 tiếng 1 ngày chỉ để di chuyển ở Manila. Cho rằng quan điểm di chuyển bằng xe máy khiến tỷ lệ tử vong cao đã lỗi thời, từ nhiều tháng nay Tham đang nỗ lực triển khai một số biện pháp để tăng tính an toàn, trong đó có việc thành lập 2 trung tâm đào tạo cung cấp những khóa dạy lái xe miễn phí và vận động sử dụng mũ bảo hiểm đúng cách.
"Chúng tôi có thể duy trì tỷ lệ an toàn lên tới 99,97%. Chúng tôi thậm chí còn an toàn hơn cả bao cao su", Tham – người từng làm việc tại JPMorgan Chase và từng là Phó Chủ tịch tại quỹ đầu tư mạo hiểm của Softbank – nói với Bloomberg.
Angkas đang thách thức Grab bằng cách hứa hẹn sẽ giúp khách hàng di chuyển nhanh hơn với mức giá từ 50 peso (1 USD) mỗi chuyến. Tuy nhiên trở ngại mà startup này gặp phải là nó đang hoạt động trong vùng xám – điều gây ra nhiều khó khăn trong quá trình huy động vốn. Ứng dụng đã phải đóng cửa 2 lần kể từ khi ra đời vì luật cấm sử dụng xe máy làm phương tiện giao thông công cộng và hiện chỉ được cấp phép tạm thời. Tham hi vọng có thể có được tính pháp lý đầy đủ khi chính phủ xem xét lại lệnh cấm vào tháng 12 tới.
Sau khi việc Angkas bị ngừng hoạt động khiến người dân phản đối mạnh mẽ, hồi tháng 6 các nhà quản lý cho phép ứng dụng tiếp tục chạy thử trong thời gian 6 tháng. Nếu Manila quyết định "bật đèn xanh", Angkas sẽ cạnh tranh với Grab và Gojek dễ dàng hơn.
Hồi tháng 9, Tham gây bão mạng khi triển khai 1 chiến dịch marketing ngụ ý ví các dịch vụ của Angkas giống như sex với dòng tweet "Angkas giống như sex. Lần đầu thật đáng sợ nhưng bạn sẽ vui vẻ làm đi làm lại".
Tham tự tin rằng startup của cô sẽ hoạt động đủ tốt để nhận được sự ủng hộ của cả công chúng và giới chinh trị gia để sửa đổi luật giao thông của Philippines. Cô hi vọng Angkas sẽ có thể mở rộng ra nhiều thành phố nhờ sự ủng hộ từ các quỹ đầu tư mạo hiểm muốn tìm ra giải pháp cho tình trạng kẹt xe nghiêm trọng ở nhiều thành phố tại Đông Nam Á. "Mục tiêu là trả lại thời gian và sức lực cho mọi người. Cuộc sống của chúng ta có liên quan quá nhiều đến giao thông", cô nói.