Nha sĩ cảnh báo: Đau răng khôn khi nào thì nguy hiểm ?
Răng khôn là răng được mọc cuối cùng ở độ tuổi trưởng thành. Thời gian răng khôn mọc có thể kéo dài vài tháng, thậm chí vài năm mới mọc hết. Tại sao hầu hết răng khôn khi mọc đều khiến nhiều người bị đau đớn. Dưới đây là những thông tin của chuyên gia giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Ths.Bs Nguyễn Văn Anh cho biết, răng khôn dễ gặp phải tình trạng áp xe răng nhất.
Răng khôn sở dĩ được gọi là răng số 8 bởi chúng thường mọc ở vị trí cuối cùng (năm sau răng số 7 và sát vách hàm).
Cũng chính bởi răng mọc ở vị trí này nên xảy ra tình trạng bị lệch, ngầm hay lạc chỗ, khiến chúng ta cảm thấy đau đớn, khó chịu. Độ tuổi mọc răng khôn thông thường là trong độ tuổi trưởng thành từ 18-25 tuổi.
Khi răng khôn mọc lệch đâm xiên vào răng số 7 thì gây đau răng, gây sưng lợi và viêm nhiễm vùng lợi quanh răng, viêm còn gây sốt. Điều đặc biệt, áp xe răng khôn là một bệnh lý tương đối nguy hiểm của bệnh răng miệng nhưng một số bệnh nhân vẫn coi thường không đến gặp bác sĩ để khám và điều trị kịp thời.
Chia sẻ về vấn đề răng khôn có nguy hiểm, TS.BS Nguyễn Thị Châu -Trung tâm kỹ thuật cao khám chữa bệnh Răng Hàm Mặt (Đại học Y Hà Nội) cho biết, nếu răng khôn vẫn có chức năng ăn nhai và mọc thẳng lên cung hàm thì không nhổ, nhưng nếu răng khôn gây ra biến chứng và có nguy cơ gây ra biến chứng thì cần phải nhổ bỏ.
Răng khôn hàm dưới mọc ngầm có thể gây viêm nhiễm, đau nhức do gây kẹt thức ăn và khó vệ sinh răng sạch sẽ.
Đặc biệt răng khôn hàm dưới mọc ngầm có thể gây viêm nhiễm, đau nhức do gây kẹt thức ăn và khó vệ sinh răng sạch sẽ. Nếu mọc lệch, răng khôn hàm dưới ngoài gây viêm còn gây sâu cho răng hàm số 4; là tác nhân gây bệnh lợi trùm; làm xô lệch hàm răng; làm yếu cung hàm…
Thậm chí, những bất thường của răng khôn không được điều trị kịp thời có thể lây lan sang các khu vực xung quanh như mang tai, má, mắt, cổ... gây nguy hiểm đến tính mạng.
Theo bác sĩ nha khoa Nguyễn Văn Anh, nhiều người vẫn nghĩ rằng răng khôn mọc nên mới bị đau và không sao nên chủ quan trong cách vệ sinh răng miệng, chỉ đến khi tình trạng áp xe, gây đau đớn ăn uống kém mới đến phòng khám nha khoa điều trị.
BS Văn Anh cho biết, răng khôn dễ gặp phải tình trạng áp xe răng nhất bởi đây là chiếc răng mọc cuối cùng trên cung hàm, dễ bị mọc lệch, mọc ngầm gây dắt thức ăn và chèn vào răng số 7 khiến răng này bị sâu.
Hơn nữa, chiếc răng này nằm ở góc trong cùng của cung hàm khiến việc vệ sinh càng khó khăn hơn. Đây là mầm mống khiến vi khuẩn dễ tấn công nên răng rất dễ bị sâu và viêm nha chu.
Nguy hiểm nếu không đươc điều trị
Chia sẻ về vấn đề này, Ths.Bs.Văn Anh cho biết, áp xe răng khôn nếu không được chữa trị kịp thời sẽ gây ra những hậu quả vô cùng nguy hiểm. Do đó, các bác sĩ nha khoa khuyên bạn nên điều trị càng sớm càng tốt. Một số nguy hiểm có thể xảy ra khi bị áp xe răng khôn như: Bệnh nhân dễ sưng hạch ở cổ, đau nhức răng, nhai thức ăn hoặc cắn mạnh thấy đau, thậm chí là ngậm miệng cũng bị cơn đau nhức hành hạ.
Ngoài ra, khi áp xe răng khôn sẽ gây ra những cơn sốt, nếu để lâu không được chữa trị dễ khiến bệnh nhân bị co giật rất nguy hiểm. Có thể dẫn đến nhiễm trùng xương ổ răng, nhiễm trùng xương hàm, nhiễm trùng máu, ảnh hưởng đến tim mạch, thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu bệnh phát triển nặng.
Giải thích về việc răng khôn áp xe phải nhổ, theo bs Văn Anh, đối với răng hàm hay răng cửa, các bác sĩ sẽ hạn chế việc nhổ răng cho bạn để đảm bảo chức năng ăn nhai.
Tuy nhiên, nếu bệnh nhân có dấu hiệu áp xe răng khôn nên nhổ sớm bởi đây là chiếc răng hầu như không có chức năng gì trên cung hàm, nếu để lại và chữa trị sẽ gây nhiều tốn kém nhưng lại không mang lợi ích gì nên không cần bảo tồn.
Nhổ răng số 8 có thể ngăn ngừa nhiều bệnh lý răng miệng có thể xảy ra sau này, đặc biệt các trường hợp răng số 8 bị lệch, mọc ngầm nên nhổ càng sớm càng tốt. Nhổ răng số 8 bị áp xe sẽ ngăn chặn sự lây lan và ảnh hưởng đến răng số 7 kế bên, là răng hàm nhai chính.
Tuy nhiên, không phải bệnh nhân cứ đến là bác sĩ sẽ nhổ bỏ răng mà trong trường hợp áp xe răng khôn gây ra đau nhức nhiều, các bác sĩ chưa thể nhổ răng ngay mà cần uống thuốc kháng sinh hỗ trợ giảm đau, tiêu sưng khoảng 1 – 2 ngày, sau đó mới thực hiện nhổ răng và khâu vết thương lại.
Nếu không bị đau nhức nhiều, bạn có thể tiến hành nhổ răng ngay. Bệnh nhân sẽ được làm sạch răng miệng, loại bỏ toàn bộ mô tủy răng gây viêm nhiễm và ổ áp xe bên trong trước khi thực hiện nhổ răng khôn, BS Văn Anh nói.
Hiện nay, bệnh nhân hoàn toàn không phải lo lắng việc nhổ răng khôn có đau không vì đã có phương pháp nhổ răng không gây biến chứng bằng máy siêu âm. Vì vậy, khi thấy răng có biểu hiện đau nhức, hoặc nghi ngờ sâu răng cần đến cơ sở y tế để được các nha sĩ khám và điều trị, không cố chịu đau, không tự mua thuốc uống.
Tuy nhiên, người bệnh nên lưu ý lựa chọn những địa chỉ nha khoa uy tín để quá trình nhổ răng khôn diễn ra an toàn, nhanh chóng và hiệu quả.
Sức khỏe đời sống