Nhà tâm lý học Mỹ chỉ ra 4 điểm chung của trẻ có EQ cao, nếu con bạn có đủ thì xin chúc mừng
Trẻ có trí tuệ cảm xúc (EQ) cao sẽ có nhiều thuận lợi trong việc giao tiếp, kết nối mối quan hệ xã hội và giúp ích cho việc học tập, công việc trong tương lai.
- 15-04-2024Sếp nữ hỏi "Tôi và vợ cậu, ai xinh hơn?", nam ứng viên EQ cao trả lời khiến HR cười tủm tỉm và tuyển luôn
- 08-04-2024Văn hóa dùng tiệc công ty: Người thường ứng xử "kém duyên", người EQ cao tinh tế được sếp chú ý, đồng nghiệp thì yêu quý
- 05-04-20242 lần con cái bị cư dân mạng chê bai ngoại hình, cách nữ ca sĩ này đáp trả cho thấy: Xứng danh "bà mẹ EQ cao" của showbiz Việt
Nhà tâm lý học Mỹ Sandra Wartski có kinh nghiệm 30 năm tư vấn cho nhiều gia đình và trẻ em. Sandra Wartski cho biết cô luôn nhấn mạnh với các bậc cha mẹ về tầm quan trọng của việc rèn luyện trí tuệ cảm xúc (EQ) ở trẻ em.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng chỉ số EQ có thể là yếu tố dự báo mạnh mẽ về sự thành công trong các mối quan hệ, sức khoẻ và chất lượng cuộc sống trong tương lai của một người. EQ được Giáo sư Đại học Harvard Daniel Goleman đánh giá là chìa khoá quyết định sự thành công trong cuộc sống và công việc của một người. Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy trẻ em có EQ cao sẽ đạt được điểm số tốt hơn và có những lựa chọn lành mạnh trong cuộc sống.
Theo nhà tâm lý học người Mỹ Daniel Goleman, tác giả cuốn sách “Tại sao EQ có thể quan trọng”, đây là những đặc điểm của những đứa trẻ thông minh về mặt cảm xúc. Cha mẹ hoàn toàn có thể bồi dưỡng những khả năng này ở con trẻ.
Khả năng tự nhận thức
Tự nhận thức giúp một người hiểu hành động của bản thân được người khác nhìn nhận như thế nào, biết cách phát huy điểm mạnh và xác định điểm yếu để cải thiện. Nếu con bạn hiểu thế mạnh/khuyết điểm của mình, có lòng tự trọng cao và không ngại lên tiếng về nhu cầu bản thân, điều này cho thấy trẻ có khả năng tự nhận thức. Để rèn luyện khả năng này, cha mẹ nên thường xuyên thể hiện sự quan tâm đến cảm xúc, lời nói của trẻ, từ đó nâng cao sự tự tin và lòng tự trọng.
Khả năng tự điều chỉnh
Nhà tâm lý học người Mỹ cho rằng trẻ có EQ cao có thể quản lý cảm xúc bản thân, điều chỉnh hành vi phù hợp với yêu cầu hoặc tình huống thực tế. “Khi cảm thấy thất vọng, trẻ EQ cao có thể bình tĩnh thay vì hành động bộc phát. Chúng cách lùi một bước để tránh đưa ra những lựa chọn bốc đồng khiến bản thân hối hận sau này”, Daniel Goleman viết.
Cha mẹ có thể chia sẻ với trẻ những cách giải quyết khi một vấn đề bất thường nào đó xảy ra, góp ý mang tính xây dựng về hành động mà trẻ đã làm để tạo dựng thói quen tốt cho việc phát triển khả năng tự điều chỉnh.
Biết đồng cảm
Trẻ EQ cao có khả năng hiểu được cảm xúc của người khác, hoà đồng trong môi trường tập thể, có sự kết nối với mọi người. Những đứa trẻ thông minh về mặt cảm xúc có thể nhận ra những dấu hiệu tinh tế mà người khác có thể bỏ qua. Chuyên gia giáo dục người Mỹ Reem Raouda đánh giá những đứa trẻ có EQ cao vừa giỏi quan sát lại vừa có khả năng nắm bắt cảm xúc của người khác và bày tỏ sự đồng cảm, quan tâm giúp đỡ.
Một trong những cách hiệu quả nhất để rèn luyện khả năng đồng cảm là cha mẹ làm mẫu cho trẻ, luôn tích cực lắng nghe và bày tỏ cảm xúc về những câu chuyện con chia sẻ. Bậc phụ huynh nhắc nhở con về việc không nên chỉ nghĩ đến cảm xúc của bản thân, ồng thời gợi ý cho trẻ cách để giúp đỡ nếu ai đó đang trong tình huống tiêu cực nào đó.
Kỹ năng giao tiếp xã hội
Daniel Goleman nhận thấy trẻ có trí tuệ cảm xúc luôn có cách cư xử và giao tiếp tốt với người khác. Nhờ vậy chúng tạo ra những tương tác lành mạnh và tích cực trong cuộc sống, điều này giúp ích cho cuộc sống cá nhân và sự nghiệp tương lai của con.
Nhà tâm lý học người Mỹ khuyên phụ huynh khuyến khích trẻ có những trải nghiệm mới để gặp gỡ nhiều người hơn, nói “cảm ơn” và “xin lỗi” đúng thời điểm cũng như học cách biểu lộ cảm xúc qua ngôn ngữ cơ thể.
Theo CNBC