Nhà Trắng: Tổng thống Trump không tiếc tiền cho vắc-xin Covid-19
Nhà Trắng hôm 1-9 đã bác bỏ những lo ngại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sau khi một quan chức Mỹ cho rằng vắc-xin Covid-19 có thể được thông qua mà không cần trải qua đầy đủ các cuộc thử nghiệm.
- 02-09-2020Thụy Điển trữ khẩu trang, "quay đầu" trong dịch Covid-19
- 01-09-2020Lộ diện nền kinh tế sụt giảm mạnh nhất thế giới vì Covid-19
- 31-08-2020Lý do Nhật Bản đặt mua hơn nửa tỉ liều vaccine COVID-19, gấp 4 lần dân số
Phát ngôn viên Nhà Trắng Judd Deere hôm 1-9 cho biết: "Mỹ sẽ tiếp tục thu hút các đối tác quốc tế để đảm bảo đánh bại dịch Covid-19 nhưng chúng tôi sẽ không bị hạn chế bởi các tổ chức đa phương chịu ảnh hưởng của Tổ chức Y tế Thế giới và Trung Quốc. Tổng thống sẽ không tiếc chi phí để đảm bảo cho bất kỳ loại vắc-xin mới nào duy trì tiêu chuẩn vàng của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ về tính an toàn, hiệu quả, được kiểm tra kỹ lưỡng và cứu sống người dân".
Ông Stephen Hahn, quan chức Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), hôm 30-8 nói với tờ Financial Times rằng FDA đã chuẩn bị cấp phép cho một loại vắc-xin phòng dịch Covid-19 trước khi các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 hoàn tất, miễn là các quan chức tin rằng lợi ích vượt trội hơn rủi ro. Một ngày sau đó, các quan chức WHO cho rằng động thái gấp rút này có thể đặt ra nhiều rủi ro.
Một nhân viên y tế đang lấy mẫu xét nghiệm của người đi đường tại Mỹ. Ảnh: Reuters
Ông Mike Ryan, người đứng đầu chương trình khẩn cấp của WHO, cảnh báo: "Nếu chúng ta chuyển sang tiêm chủng quá nhanh cho hàng triệu người, chúng ta có thể bỏ qua một số tác dụng phụ nhất định".
Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽkhông tham gia nỗ lực hợp tác quốc tế để phát triển và phân phối vắc-xin Covid-19 vì không muốn bị hạn chế bởi các nhóm đa phương như WHO.
Quyết định "đơn độc" trong việc phát triển vắc-xin của Mỹ được tờ The Washington Post đưa tin đầu tiên, tiếp nối động thái trước đó của Nhà Trắng hồi đầu tháng 7 về việc rút Mỹ khỏi WHO. Khi đó, ông Trump cho rằng WHO cần cải tổ và tổ chức này đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ Trung Quốc.
Một số quốc gia đã làm việc trực tiếp để đảm bảo nguồn cung cấp vắc-xin nhưng những nước khác đang nỗ lực để đảm bảo thành công chống lại dịch bệnh không có ranh giới địa lý này. Hơn 150 quốc gia đang thành lập Cơ sở Tiếp cận Toàn cầu Vắc-xin Covid-19, hay còn gọi là COVAX.
Nỗ lực hợp tác đó, liên kết với WHO, sẽ cho phép các quốc gia tận dụng các loại vắc-xin tiềm năng để đảm bảo công dân của họ nhanh chóng được tiêm bất kỳ loại vắc-xin nào được cho là hiệu quả.
WHO cho biết ngay cả chính phủ các nước thực hiện thỏa thuận với các nhà sản xuất vắc-xin riêng lẻ cũng sẽ được hưởng lợi khi tham gia COVAX vì sẽ được cung cấp vắc-xin dự phòng trong trường hợp các vắc-xin được thực hiện thông qua các thỏa thuận song phương với các nhà sản xuất không thành công.
Mỹ hiện ghi nhận số ca nhiễm và tử vong do dịch Covid-19 cao nhất thế giới lần lượt là hơn 6,2 triệu và hơn 188.000.
Người Lao Động