Nhà tuyển dụng: "Có bao nhiêu ô kính trong thành phố?" - Ứng viên nhanh trí đáp gọn, được nhận vào làm ngay
Từ một người không có quan hệ, không có bằng khoa học máy tính và hoàn toàn không có kinh nghiệm làm việc tương tự, nữ ứng viên vẫn xuất sắc được nhận vào vị trí trợ lý CEO tại tập đoàn nổi tiếng toàn cầu.
- 17-04-2023BTV VTV xinh đẹp tự lập kinh doanh, xây dựng thương hiệu riêng nổi tiếng: “Người nào nhiều mối quan hệ là người dễ thành công”
- 16-04-2023Ngôi trường quốc tế ấn tượng từ vẻ ngoài, chủ yếu làm bằng tre, dành giải thưởng kiến trúc đình đám: Đến cách giảng dạy cũng khác biệt
- 16-04-2023“Đối phó” sếp khó tính, đồng nghiệp khó chịu: Nói "Không" theo cách này, chẳng cần to tiếng mà ai cũng nghe theo
Ann Hiatt là một cựu chiến lược gia nổi tiếng ở Thung lũng Silicon. Cô có 15 năm kinh nghiệm làm cộng sự với hàng loạt lãnh đạo công nghệ như Jeff Bezos, Marissa Mayer và Eric Schmidt. Cô đã thành lập và đảm nhiệm vai trò CEO của một công ty tư vấn với khách hàng là các CEO trên toàn cầu.
Lớn lên ở Redmond, Washington, hầu hết cha mẹ của bạn bè cô đều là giám đốc điều hành công nghệ và mặc dù họ kiếm được nhiều tiền nhưng cuộc sống của họ không có gì là vui vẻ đối với cô. Nhưng nhiều bạn cùng lớp của cô đã tốt nghiệp nhưng vẫn chưa có việc làm khiến cô cảm thấy mình nên thử mọi lựa chọn.
Đó là lý do mà từ những ngày đầu tiên bước chân vào nghề, khuyết thiếu kinh nghiệm, Hiatt vẫn mạnh dạn gửi sơ yếu lý lịch của mình tới Amazon mà không suy nghĩ nhiều.
Thật ngạc nhiên, cô đã được gọi đến phỏng vấn vòng đầu tiên cho vị trí trợ lý CEO. Cô không có mối quan hệ nào ở công ty, không có bằng khoa học máy tính và hoàn toàn không có kinh nghiệm làm việc cho một CEO.
Kinh nghiệm phỏng vấn xin việc của Hiatt tại Amazon
Các cuộc phỏng vấn đầu tiên của cô tại Amazon liên tục với tốc độ chóng mặt. Cô đã có những cuộc phỏng vấn qua lại với tất cả các trợ lý cấp cao, một số cuộc phỏng vấn kéo dài cả ngày.
Thậm chí, còn có một cuộc phỏng vấn diễn ra trong văn phòng tối, chỉ có ánh sáng của màn hình máy tính dày đặc code cùng một chiếc đèn ngủ nhiều màu sắc ở góc phòng. Nhưng vì đã quen với cách làm việc khác lạ của dân công nghệ (cha mẹ cô làm trong lĩnh vực này), cô không bị bối rối trong cuộc phỏng vấn đặc biệt đó.
Vài tháng sau, khi mà cô đã mất hết hy vọng vì không nhận được bất cứ phản hồi nào, đột nhiên điện thoại reo vang. Một nhà tuyển dụng của Amazon mời cô quay lại để phỏng vấn vòng cuối. Cô ấy xin lỗi vì quá trình kéo dài và hứa rằng đây sẽ là lần cuối cùng.
Nhưng có một điều mà nhà tuyển dụng đó không nói, đó là chính Bezos sẽ trực tiếp thực hiện cuộc phỏng vấn này.
2 câu hỏi phỏng vấn Jeff Bezos đã hỏi Hiatt
Hiatt cảm thấy thoải mái khi bước vào buổi phỏng vấn ngày hôm đó. Cô đang kiên nhẫn ngồi trên ghế trong phòng họp thì cánh cửa mở ra và Bezos bước vào. Ông ngồi xuống đối diện cô và tự giới thiệu.
Bezos bắt đầu cuộc phỏng vấn bằng cách hứa rằng ông sẽ chỉ hỏi hai câu hỏi, trong đó câu hỏi đầu tiên sẽ là một trò chơi trí tuệ thú vị.
Cô hít một hơi thật sâu khi Bezos đứng dậy và mở nắp bút viết lên bức tường bảng trắng. "Chúng ta sẽ cần tính toán đôi chút," ông nói.
Câu hỏi đầu tiên: "Tôi muốn bạn ước tính số lượng ô kính ở thành phố Seattle."
Hiatt nhất thời kinh hãi.
Sau đó, cô dừng lại để lấy bình tĩnh, nhắc nhở bản thân nghĩ về động cơ khiến Bezos hỏi cô câu hỏi đó. "Hẳn là ông ấy muốn xem cách tư duy của mình", cô tự nhủ. "Mình cần chia nhỏ một vấn đề phức tạp thành các bước nhỏ và giải quyết lần lượt. Mình có thể làm được điều đó!"
Do đó, thay vì đưa ra con số ước tính một cách nửa vời, Hiatt đã vạch ra cách cô sẽ bắt đầu với số người ở Seattle, mà cô may mắn đoán đúng là khoảng 1 triệu người, để làm cho phép toán dễ dàng hơn. Sau đó, cô giả thuyết rằng mỗi người sẽ có một ngôi nhà, một phương tiện di chuyển, một văn phòng hoặc trường học - tất cả đều có cửa sổ. Vì vậy, cô đề nghị ước tính dựa trên mức trung bình của những thứ đó.
Cảm thấy hứng thú với cách làm của cô, Bezos cũng tham gia thảo luận. Họ đã đi sâu vào mọi tình huống, đề ra những trường hợp ngoại lệ. Cuộc nói chuyện diễn ra liên tục trong khi Bezos điền vào bảng trắng những con số. Cô cảm tưởng nó kéo dài hàng giờ đồng hồ, nhưng thực tế, dường như nó thực sự mất hơn 15 phút.
Cô nhớ mình đã cảm thấy hồi hộp như thế nào khi Bezos viết ra con số ước tính cuối cùng.
Ông khoanh tròn nó và gật gù. "Có vẻ đúng đấy", ông nói.
Câu hỏi thứ hai: "Mục tiêu nghề nghiệp của bạn là gì?"
Cô nói với Bezos rằng Amazon đã chứng tỏ là một công ty đầy những con người tham vọng và đam mê. Cô muốn được như họ và học những gì họ biết. Điểm mạnh của họ là những lĩnh vực mà cá nhân cô muốn phát triển.
Cô giải thích rằng cô không biết làm thế nào để trở thành một trợ lý, nhưng cô biết tầm quan trọng của việc thoát khỏi vùng an toàn của bản thân.
Hiện tại khi nghĩ lại, cô bắt đầu hiểu tại sao đó là hai câu hỏi duy nhất của Bezos. Ông ấy đang đo lường tiềm năng của cô. Thông qua các câu hỏi, ông sẽ biết liệu cô có đủ can đảm và động lực để chạy theo tốc độ của ông ấy, cũng như đủ can đảm để đảm nhiệm những công việc ở vị trí cao hơn hay không.
Vào cuối cuộc phỏng vấn, cả hai đều hiểu rằng cô sẵn sàng cống hiến hết mình để thành công, mặc dù là một ứng viên rất non trẻ.
Cuối cùng, Bezos đã thuê cô ngay lập tức.
Tham vọng và năng lượng có giá trị hơn một bộ kỹ năng cụ thể
Phải mất nhiều năm đồng hành cùng Bezos ở vị trí trợ lý, Hiatt mới hiểu hết lý do tại sao ông lại mang lại cho cô cơ hội lớn như vậy. Ông muốn tạo ra những nhóm người đầy tham vọng, sáng tạo và quyết tâm đến mức họ có thể bù đắp bất kỳ chuyên môn nào mà họ còn thiếu.
Trong môi trường như vậy, Bezos sẽ chỉ cần trở thành một nhà lãnh đạo để truyền năng lượng. Cô biết được rằng chìa khóa dẫn đến thành công ban đầu của Bezos và Amazon chính là sự theo đuổi không mệt mỏi những điều phi thường.
Kể từ kinh nghiệm tuyển dụng ban đầu đó, Hiatt đã tìm kiếm những đội ngũ có thể thách thức, hỗ trợ và truyền cảm hứng cho cô để làm được những điều vượt xa khả năng hiện tại. Tinh thần đó luôn dẫn đến sự hài lòng trong cuộc sống công việc của cô hơn bất kỳ điều gì khác.
*Nguồn: CNBC
Trí Thức Trẻ