MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà tỷ phú kiếm tiền để mang cho và dấu ấn "Nơi làm việc tốt nhất châu Á" ở Việt Nam

Nhà tỷ phú kiếm tiền để mang cho và dấu ấn "Nơi làm việc tốt nhất châu Á" ở Việt Nam

Ngày 8/10/2021, tạp chí quản lý nhân sự hàng đầu châu Á HR Asia đã vinh danh Microsoft Việt Nam là "Nơi làm việc tốt nhất châu Á năm 2021 – Best Companies To Work For in Asia 2021".

Đây là giải thưởng quốc tế uy tín, có sự lan tỏa cao trên toàn khu vực, và để có thể lựa chọn danh sách các công ty có môi trường làm việc tốt nhất, tạp chí HR Asia đã tiến hành khảo sát trên 581 doanh nghiệp Việt Nam với hơn 30.000 nhân viên.

"Khi đại dịch Covid-19 thay đổi hoàn toàn cách chúng ta sống và làm việc, điều quan trọng đối với mỗi tổ chức là phải thật kiên cường để xây dựng được những chiến lược nhân sự có khả năng gắn kết và phát triển nhân tài", ông Paulo Fernandes, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam, chia sẻ ngay sau khi nhận được tin vui.

"Vì vậy, bên cạnh việc đảm bảo quyền lợi và sự an toàn cho nhân viên, chúng tôi luôn xây dựng một môi trường văn hóa đa dạng, hòa nhập và cân bằng giữa công việc – cuộc sống, để mỗi nhân viên của chúng tôi đều có thể là chính họ".

Đại dịch Covid-19 đã và đang gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế thế giới khiến hàng loạt các doanh nghiệp lớn liên tục nhận những khoản thua lỗ dẫn đến phá sản. Thế nhưng điều đó không những không xảy ra với Microsoft mà thậm chí doanh thu của tập đoàn này vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt trong suốt giai đoạn khó khăn này.

Trong báo cáo tài chính quý I/2020 được công bố, Tập đoàn Microsoft đạt 35,02 tỷ USD doanh thu, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Cuối tháng 7/2021, doanh nghiệp này cũng đã báo cáo tài chính là 16,5 tỉ USD cho lợi nhuận quý IV, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2020. Nhà sản xuất phần mềm này cũng đứng đầu dự báo khi công bố doanh thu 46,2 tỉ USD trong quý kết thúc vào ngày 30/66, tăng 21% so với cùng thời điểm năm ngoái.

Lợi nhuận của Microsoft tăng vọt trong suốt thời gian đại dịch nhờ vào nhu cầu gia tăng đột biến đối với phần mềm và các dịch vụ điện toán đám mây của hãng để mọi người có thể làm việc và học tập từ xa.

Nhà tỷ phú kiếm tiền để mang cho và dấu ấn Nơi làm việc tốt nhất châu Á ở Việt Nam - Ảnh 1.

Microsoft Việt Nam được vinh danh với giải thưởng "Nơi làm việc tốt nhất châu Á năm 2021"

Mối lương duyên 1/4 thế kỷ với Việt Nam

Microsoft là một cái tên quá quen thuộc đối với người dân Việt Nam không chỉ bởi đây là một "ông lớn" hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ trên phạm vi toàn cầu mà còn là sự gắn bó thủy chung của doanh nghiệp này tại nước ta với 25 tồn tại và phát triển.

Năm 1996, Microsoft mở văn phòng đại diện tại Việt Nam và đến năm 2006 thì chính thức thành lập Công ty TNHH Microsoft Việt Nam. Đây là kết quả chuyến công tác của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đến trụ sở Microsoft ở Washington (Mỹ) vào tháng 6/2005 và gặp gỡ riêng với Chủ tịch tập đoàn Bill Gates cùng với lời mời ông sang thăm Việt Nam.

Và chưa đầy một năm sau đó, Bill Gates đã chính thức đặt chân đến Việt Nam bằng chuyến thăm diễn ra trong 2 ngày 21-22/4/2006 với một lịch trình làm việc dày đặc.

Tại buổi giao lưu với hơn 2.000 sinh viên Việt Nam, Bill Gates đã nói về những ứng dụng của CNTT trong đời sống hiện nay giúp khoảng cách giữa con người với con người trở nên gần nhau hơn bất kể khoảng cách tạo ra bởi không gian và thời gian.

"Nên tập trung vào một lĩnh vực và cố gắng am hiểu lĩnh vực đó một cách thật tốt. Tôi bỏ nhiều thời gian để chơi máy vi tính, xem sách hướng dẫn tìm hiểu xem nó là cái gì. Phải tìm hiểu, phải tự học thật nhiều", vị Chủ tịch của hãng Microsoft chia sẻ bí quyết thành công của mình với các bạn trẻ Việt Nam.

Ngay sau đó, Bill Gates tiếp tục có buổi nói chuyện với 650 khách mời đại diện cho gần 100 doanh nghiệp và cộng đồng công nghệ thông tin (CNTNT) trong nước về tương lai của phần mềm Việt Nam với tầm nhìn mới.

"Việt Nam có những tài năng thực sự và những đối tác như FPT đang thực hiện rất tốt vai trò của mình. Giờ đây, điều các bạn cần làm là giải phóng nguồn nhân lực, phát triển công bằng giữa các trường đại học, doanh nghiệp tư nhân, nhà nước và các cá nhân, đồng thời xác định rõ ràng nhu cầu trong nước cũng như trên thế giới", vị kiến trúc sư trưởng của hãng công nghệ Mỹ bày tỏ sự lạc quan đối với tương lai phần mềm Việt Nam.

Ông cũng đến tận quê hương quan họ Bắc Ninh để trực tiếp nhấn nút khởi động dự án phổ cập công nghệ thông tin OneClick (Thế giới trong một). Tại đây, vừa bỏm bẻm nhai miếng trầu cánh phượng do người dân quê tận tay têm và đưa cho mình, tỷ phú công nghệ Mỹ bày tỏ cam kết đưa công nghệ thông tin, đặc biệt là Internet, phổ biến đến tận từng người dân Việt Nam.

Nhà tỷ phú kiếm tiền để mang cho và dấu ấn Nơi làm việc tốt nhất châu Á ở Việt Nam - Ảnh 2.

Bill Gates đến thăm quê hương quan họ Bắc Ninh hôm 22/4/2006 (Ảnh:icpress)

Tháng 4/2007, Bill Gates một lần nữa quay trở lại Việt Nam trong chuyến thăm 3 ngày nhưng không phải vì mục đích công việc. Ông cùng vợ mình là bà Melinda Gates đến Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương để ký kết dự án nghiên cứu triển khai tiêm vaccine ngừa ung thư cổ tử cung tại VN trị giá trên 240.000 USD với 800 bé gái từ 11-13 tuổi được tham gia dự án.

Sau hơn hơn hai thập kỷ, Microsoft đã có những đóng góp quan trọng trong việc phát triển ngành công nghệ thông tin, góp phần vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam thông qua các chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc, các dự án giáo dục đẩy mạnh đổi mới và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin cho mảnh đất hình chữ S.

Riêng Quỹ Bill & Melinda Gates đã đầu tư vào Vietnam Enterprise Investment Ltd (VEIL), một quỹ chuyên đầu tư cho doanh nghiệp tại Việt Nam, được quản lý bởi Dragon Capital. Theo báo cáo tài chính năm 2020 của VEIL, vợ chồng tỷ phú Bill Gates là cổ đông lớn nhất tại quỹ này với tỷ lệ sở hữu 11,48%, tương đương với hơn 25 triệu cổ phiếu.

VEIL hiện đang nắm giữ danh mục đầu tư vào hầu hết các công ty hàng đầu tại Việt Nam như Hoà Phát, Thế Giới Di Động, Vingroup, FPT, Khang Điền và nhiều ngân hàng lớn tại Việt Nam. Tính đến cuối năm 2020, tổng giá trị thị trường các tài sản đầu tư của VEIL đạt mức gần 1,2 tỷ USD.

Hiện nay, Microsoft đang tập trung đầu tư vào 4 mảng kinh doanh chính tại Việt Nam là môi trường làm việc hiện đại (Modern Workplace); các ứng dụng kinh doanh (Business App: CRM, ERP); cơ sở hạ tầng (Infrastructure); và dữ liệu & trí tuệ nhân tạo (Data & AI).

Thế nhưng để có được một doanh nghiệp với những thay đổi lớn như hiện nay, từ một đơn vị chỉ đơn thuần "đi bán phần mềm" với hệ điều hành Windows, Microsoft Office... đến việc "lột xác" trở thành một tổ chức số 1 về điện toán đám mây, bảo mật, trí tuệ nhân tạo…, Microsoft Việt Nam cũng đã phải trải qua những giai đoạn chuyển mình đầy kịch tính và mang nhiều yếu tố bất ngờ.

Nhà tỷ phú kiếm tiền để mang cho và dấu ấn Nơi làm việc tốt nhất châu Á ở Việt Nam - Ảnh 3.

Nhà máy sản xuất của Microsoft tại Bắc Ninh (Ảnh: Newsbomb)

Cuối năm 2014, sau khi mua lại mảng Thiết bị và Dịch vụ từ tay Nokia, Microsoft chính thức công bố đổi tên nhà máy Nokia thành Microsoft Mobile Việt Nam, đồng thời công bố việc dịch chuyển sản xuất về Việt Nam tạo ra rất nhiều kỳ vọng về một "thời kỳ hoàng kim" mới cho đại gia công nghệ này tại thị trường đầy tiềm năng là Việt Nam.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2016, Microsoft Mobile Việt Nam đã quyết định bán mình cho một ông chủ mới là FIH Mobile Ltd., thuộc Tập đoàn Công nghệ Hon Hai/Foxconn (Đài Loan) và HMD Global, Oy (Phần Lan) với giá 350 triệu đô la Mỹ. Là một phần của giao dịch, FIH Mobile Ltd. đã nhận về Microsoft Mobile Việt Nam với nhà máy sản xuất được đặt tại tỉnh Bắc Ninh.

Đến đầu tháng 3/2017, công ty Microsoft Mobile Việt Nam đã chính thức được đổi tên thành Công ty TNHH Fushan Technology nhằm chuẩn bị cho sự tái xuất của các sản phẩm điện thoại di động mang thương hiệu Nokia cũng như thực hiện gia công sản xuất cho các thương hiệu công nghệ khác.

Về phía mình, Microsoft tiếp tục phát triển Windows 10 Mobile và hỗ trợ cho các loại điện thoại Lumia và các dòng thiết bị từ đối tác như Acer, Alcatel, HP, Trinity và VAIO. Microsoft cũng hợp tác với các đối tác sản xuất và lắp ráp thiết bị trong nước, nhằm đẩy mạnh phát triển thiết bị di động Windows tại thị trường Việt Nam như Q Mobile, Mobell, FPT, Thế giới Di động…

Thưở sơ khai của một đế chế

Đứng đằng sau sự thành công của Microsoft, nơi có các sản phẩm phần mềm được sử dụng bởi 90% máy tính cá nhân trên toàn thế giới, không thể không nhắc đến một cái tên đã "trở thành huyền thoại": Bill Gates - người đồng sáng lập ra doanh nghiệp tỷ đô này, đồng thời cũng là một nhân vật truyền cảm hứng với các ý tưởng lẫn hành động hướng tới cộng đồng và con người.

Người đàn ông 65 tuổi có nụ cười hiền hậu này đồng thời cũng là một trong những đại tỷ phú với khối tài sản khủng lên tới 131 tỷ USD, đứng thứ 4 trên bảng xếp hạng "Những tỷ phú thế giới" năm 2021 của tạp chí Forbes.

Bill Gates sinh ngày 28/10/1955 ở thành phố cảng biển Seattle (Mỹ) trong một gia đình giàu có và học thức cao.

Nhà tỷ phú kiếm tiền để mang cho và dấu ấn Nơi làm việc tốt nhất châu Á ở Việt Nam - Ảnh 4.

Bill Gates cùng mẹ khi còn nhỏ (Ảnh: sfchronicle)

Những năm tháng của cuộc đời học sinh, ông tỏ ra là một học sinh không mấy hứng thú với hầu hết các môn học tại trường ngoại trừ môn Toán. Điều này càng được thể hiện rõ trong một kỳ kiểm tra chỉ số thông minh và ông đã đạt điểm tối đa ở phần kiểm tra các môn thiên về tính toán.

Vào năm 1968, khi Gates đang học lớp 8, nhà trường mua chiếc máy tính đầu tiên để phục vụ cho việc dạy và học của giáo viên. Nhận thấy niềm đam mê mãnh liệt với máy tính và công việc lập trình, nhà trường đã "đặc cách" cho phép cậu được tự do sử dụng trang thiết bị "đặc chủng" này.

Ở trường, Gates chơi rất thân với Paul Allen, cũng là một "con nghiện" với máy tính và lập trình. Thế là đôi bạn này bắt tay nhau mày mò tìm lỗi trong hệ thống máy tính của một công ty máy tính lớn tại Mỹ thời bấy giờ là Computer Center Corporation cũng như viết các chương trình phần mềm cho những công ty khách hàng khác. Nhận ra được tài năng xuất chúng của Gates và nhóm bạn, nhà trường ngay lập tức khai thác học sinh của mình bằng cách đặt hàng xây dựng các chương trình quản lý học sinh, quản lý lớp học, sắp xếp thời khóa biểu, tính toán lương… để sử dụng cho nhà trường.

Thừa thắng xông lên, Gates và Allen tiếp tục xây dựng các phần mềm và chỉ ở tuổi 15, cặp đôi này đã nhẹ nhàng đút túi 20.000 USD cho việc điều chỉnh phần mềm của một công ty giao thông. Vài năm sau, Gates xây dựng một phần mềm mới và thu về 30.000 USD, một món tiền "khủng" thời bấy giờ. Đây chính là những bước khởi đầu để bắt đầu một hành trình tạo lập đế chế phần mềm tỷ đô về sau.

Nhà tỷ phú kiếm tiền để mang cho và dấu ấn Nơi làm việc tốt nhất châu Á ở Việt Nam - Ảnh 5.

Bill Gate (đứng) cùng Paul Allen những ngày đầu lập nghiệp cùng nhau ( Ảnh: Childhood Biography)

Năm 17 tuổi, Gates cùng 2 người bạn của mình là Allen và Paul Gilbert thực hiện "cú khởi nghiệp" đầu đời bằng cách cùng nhau lập nên công ty của riêng mình có tên Traf-O-Data chuyên cung cấp dịch vụ đọc, phân tích và xử lý dữ liệu thô của máy tính dựa vào bộ xử lý Intel 8008. Công việc ăn nên làm ra và có tiềm năng phát triển rất tốt nhưng lại "đoản mệnh" bởi bố mẹ Bill Gates bắt buộc con trai mình phải tiếp tục nghiệp đèn sách trước khi có thể bắt đầu công việc ở bên ngoài xã hội.

Thế là năm 1973, ông đành phải chiều lòng bố mẹ để đặt chân vào cổng trường Đại học Harvard, cũng chính là nơi mà ông gặp được người đồng sự tương lai là Steve Ballmer. Vốn không hứng thú với việc học hơn là niềm đam mê lập trình với máy tính, chỉ 2 năm sau, Gates bỏ ngang chương trình đại học để bước ra đời bắt tay với người bạn đồng môn Allen thành lập công ty phần mềm máy tính có tên là Micro-Soft.

Năm 1979, IBM xuất xưởng chiếc máy tính cá nhân đầu tiên trên thế giới và đề nghị Micro-Soft cùng hợp tác để phát triển chương trình cho chiếc máy tính này. Thế nhưng do không có đủ nguồn lực để "ôm" gói hợp đồng xây dựng hệ điều hành béo bở này nên họ đành ngậm ngùi nhường sân cho một công ty khác trong cùng lĩnh vực đảm nhận.

Không chịu ngồi yên, chỉ vài tháng sau, Micro-Soft đã mua lại một hệ điều hành có tên là "86-DOS" và bắt đầu phát triển nó lên quy mô lớn hơn để phục vụ cho công việc hàng ngày. Đây chính là thời điểm định mệnh để Micro-Soft khai sinh ra hệ điều hành thần thánh mang tên "MS-DOS" khiến IBM ngay lập tức từ chối sản phẩm của công ty đối thủ với Micro-Soft trước đó để mua và đưa ngay vào những chiếc máy tính cá nhân đầu tiên của mình, biến nó trở thành hệ điều hành chính cho hàng loạt chiếc máy tính của IBM được xuất xưởng ngay sau đó.

Năm 1981, Microsoft và IBM chính thức "kết duyên" bằng một hợp đồng hợp tác làm ăn, và chỉ trong vòng một năm sau, công ty Micro-Soft ban đầu đã được chính thức đổi tên thành tập đoàn Microsoft. Cùng thời gian đó, IBM cũng cho ra mắt chiếc máy tính cá nhân đầu tiên của mình với hệ điều hành MS-DOS và các sản phẩm phần mềm cơ bản khác như MS-BASIC, MS-PASCAL, MS-COBOL,...

Nhà tỷ phú kiếm tiền để mang cho và dấu ấn Nơi làm việc tốt nhất châu Á ở Việt Nam - Ảnh 6.

Bill Gates (phải) và Paul Allen sau khi Microsoft ký được hợp đồng với IBM vào ngày 19/10/1981 (Ảnh: Naviworld)

Thành công nối tiếp thành công, những sáng chế khác cũng được Bill Gates tiếp tục cho ra đời như việc phát minh ra con chuột đầu tiên cho máy tính cá nhân và phát triển hệ điều hành Windows với các bản nâng cấp khác nhau mà chúng ta đang sử dụng cho đến tận bây giờ.

Người phụ nữ gắn bó gần 3 thập kỷ và cái kết gây nhiều nuối tiếc

Vào năm 1987, nữ giám đốc sản phẩm Microsoft 23 tuổi tên là Melinda French đã lọt vào mắt xanh của Bill Gates tại một buổi họp báo của công ty. Và một ngày cuối tuần đẹp trời, Gates lấy hết can đảm để đến gặp Melinda với lời mời được đi ăn tối cùng cô. May mắn cho Gates là cô gái trẻ xinh đẹp đã gật đầu đồng ý, tạo tiền đề cho mối quan hệ tình cảm kéo dài suốt 7 năm trước khi cả 2 chính thức quyết định về chung một nhà vào ngày 1/1/1994 bằng một đám cưới lãng mạn và riêng tư được tổ chức tại khách sạn Malene Bay ở Hawaii.

Tiết lộ với báo chí sau nhiều năm chung sống cùng nhau, Melinda cho biết lý do vì sao cô bị "đánh gục" bởi Bill Gates mà không phải là người đàn ông khác.

"Tôi hoàn toàn bị cuốn hút bởi trí thông minh của anh ấy. Ngoài ra, anh ấy cũng là một người có khiếu hài hước và rất đáng yêu".

Nhà tỷ phú kiếm tiền để mang cho và dấu ấn Nơi làm việc tốt nhất châu Á ở Việt Nam - Ảnh 7.

Bill Gates và Melinda French kết hôn năm 1994 (Ảnh: News Bytes)

Cặp đôi lý tưởng này đã cùng nhau đã Quỹ Bill & Melinda Gates vào năm 2000. Đây là quỹ từ thiện tư nhân lớn nhất trên thế giới với mục tiêu tăng cường chăm sóc sức khỏe, giảm nghèo và mang lại công bằng cho người dân trên toàn thế giới. Theo tạp chí Forbes thì cho đến nay, Gates đã đóng góp 35.8 tỷ USD giá trị cổ phần tại Microsoft cho Quỹ Bill & Melinda Gates.

Kể từ ngày thành lập đến nay, quỹ này đã cho đi 53,8 tỷ USD để thực hiện hàng loạt sáng kiến liên quan sức khỏe cộng đồng, giáo dục và biến đổi khí hậu, phát triển nhà vệ sinh chạy bằng năng lượng mặt trời, hỗ trợ các nhà sản xuất vaccine, xét nghiệm chẩn đoán và các phương pháp điều trị y tế tiềm năng nhằm chống lại Covid-19...

Trong suốt gần 2 năm xảy ra đại dịch, thông qua quỹ, vợ chồng Bill Gates đã tham gia cuộc chiến chống Covid-19 bằng nỗ lực phát triển, phân phối vaccine trên khắp thế giới với hơn 1,75 tỷ USD cho việc ứng phó với đại dịch trên toàn cầu.

Những tưởng họ sẽ sống hạnh phúc bên nhau đến cuối đời, thế nhưng "đùng một cái", vào ngày 2/8/2021, vợ chồng tỷ phú Bill Gates đã chính thức đệ đơn ly hôn lên tòa án bang Washington sau 27 năm chung sống.

Hồ sơ công khai cho thấy hàng tỷ USD cổ phiếu đã được chuyển sang tên của bà Melinda sau thông báo ly hôn cách đó 3 tháng. Mặc dù "đường ai nấy đi" nhưng cả hai cho biết sẽ vẫn làm việc cùng nhau trong quỹ từ thiện và các hoạt động thiện nguyện khác.

Theo Nguyễn Thuận

Doanh nghiệp và tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên