MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà văn Andersen được mệnh danh là "Ông vua truyện cổ tích" nhưng ít ai biết thời đi học từng cô độc, bị khinh miệt vì lý do này

16-01-2021 - 20:40 PM | Sống

Nhà văn Andersen được mệnh danh là "Ông vua truyện cổ tích" nhưng ít ai biết thời đi học từng cô độc, bị khinh miệt vì lý do này

Nhờ tài năng và sự nhạy cảm, ông trở thành một trong những người kể chuyện vĩ đại nhất lịch sử, một "vị thánh bảo trợ" của các câu chuyện cổ tích.

"Hôm nay hoàng đế rời ngôi

Ngai vàng chẳng thể ai ngồi..." 

Ngày 1/8/1875, nhà văn Hans Chiristian Andersen qua đời trong tòa biệt thự Rolighed (sự yên tĩnh) của mình ở Copenhagen. Ông đã được an táng tại nghĩa trang Aistens tại thủ đô Đan Mạch.

Hôm đưa tang ông, như những người đương thời ghi lại, cả thành phố Copenhagen trở nên buồn tủi và dường như không muốn làm gì hơn ngoài việc tiến hành tang lễ Andersen cho xứng đáng. Ngày hôm đó đã được coi là quốc tang của Đan Mạch.

Với gia tài truyện cổ tích đồ sộ, Anderden được mệnh danh là "ông vua truyện cổ tích". Trên báo hôm đó có đăng lời thơ phúng: "Hôm nay hoàng đế rời ngôi/ Ngai vàng chẳng thể ai ngồi..." để miêu tả vai trò không thể thay thế của ông với đất nước Đan Mạch và cả thế giới.

Một cậu bé cô độc, ít hòa đồng

Hans Chiristian Andersen (1805-1875) là người Đan Mạch, cha đẻ của những tác phẩm nổi tiếng như "Nàng tiên cá", "Cô bé bán diêm", "Chú lính chì dũng cảm"... Gắn liền với tuổi thơ của trẻ em trên khắp thế giới, Andersen đã mang đến những câu chuyện cổ tích đầy màu sắc hấp dẫn qua từng câu chữ, ông trở thành nhà văn của những "độc giả nhí" mọi thời đại.

Tinh tế và ý nghĩa, những câu chuyện cổ tích của nhà văn người Đan Mạch vẫn còn được ái mộ tới ngày nay, bất chấp quy luật khắc nghiệt của thời gian.

Nhà văn Andersen được mệnh danh là Ông vua truyện cổ tích nhưng ít ai biết thời đi học từng cô độc, bị khinh miệt vì lý do này - Ảnh 1.

Hans Chiristian Andersen.

Andersen sinh ra trong gia đình nghèo khó. Cha là thợ đóng giày, qua đời khi Andersen mới 11 tuổi, để lại ông cùng mẹ, em gái. Thời thơ ấu, Hans Christian Andersen đã là một cậu bé thích chơi búp bê, luôn luôn cô độc, thu mình, ít hòa đồng, hiếu động như bạn bè cùng trang lứa.

Sau khi chồng mất, mẹ Andersen phải đi làm thợ giặt. Nhà văn tương lai đã phải học những lớp văn hóa đầu tiên trong đời mình ở trường học dành cho con nhà nghèo. Tại đó chỉ có dạy giáo lý, tập viết và tập tính.

Cậu bé Hans Christian học không giỏi, thường xuyên quên chuẩn bị bài. Cậu chỉ thích thú với việc thao thao bất tuyệt kể cho bạn bè nghe những câu chuyện mà tự cậu nghĩ ra và nhân vật chính trong đó cũng là cậu. Tất nhiên là không ai tin những câu chuyện đó là thật cả.

Trò tiêu khiển duy nhất là đọc sách

May mắn thay, cha của Andersen dù nghèo nhưng rất yêu văn học có một tủ sách. Cha của ông đã dành hẳn một không gian để chứa những quyển sách văn học quý giá.

Chính người cha đã truyền cho con trai mình tình yêu đối với sách vở: Tối tối đọc cho con nghe các tiểu thuyết lịch sử, các truyện ngắn và Kinh Thánh… Những tác phẩm văn học, đặc biệt là các vở kịch của William Shakepeare và Ludvig Holberg, Andersen đều đã đọc qua. Những sở thích, thói quen ấy dần dần biến cậu bé Andersen thành một chàng trai đam mê văn học. Trong nhật ký, Andersen từng kể: "Đọc sách là trò tiêu khiển duy nhất của tôi, cũng là thứ khiến tôi hào hứng nhất".

Người cha cũng truyền cho con thói quen mộng tưởng và còn dựng cho nhà văn tương lai cả một nhà hát múa rối gia đình để cậu bé Hans Christian tự "sáng chế" ra nội dung các vở diễn.

Ngoài việc say mê đọc sách, Andersen còn có một tai nghe tuyệt vời. Sự náu mình cho phép cậu bé tập trung hơn vào câu chuyện người khác nói. Điều này tác động rất lớn đến những chi tiết tinh tế và trí tưởng tượng phong phú trong truyện cổ của ông.

Nhà văn Andersen được mệnh danh là Ông vua truyện cổ tích nhưng ít ai biết thời đi học từng cô độc, bị khinh miệt vì lý do này - Ảnh 2.

Để đưa mình thoát khỏi cuộc sống cô độc, Andersen đã chuyển hướng sang việc sáng tác truyện cho thiếu nhi.

Tâm hồn được nuôi dưỡng bằng những cuốn sách và câu chuyện dân gian được truyền miệng ở thị trấn nhỏ, dòng suối cổ tích bắt đầu khơi nguồn trong suy nghĩ của Andersen. Hoàn cảnh gia đình nghèo khó cùng ý chí sắt đá càng khiến ông nỗ lực quyết tâm vươn mình trong xã hội.

May mắn mỉm cười

Sau khi theo học tại trường dành cho trẻ em nghèo, 14 tuổi, Andersen rời bỏ Odense, lên thủ đô Copenhagen theo nghiệp sáng tác. Mặc dù cố làm đủ mọi nghề kiếm tiền, Andersen vẫn lâm vào cảnh túng thiếu, bị người khác khinh miệt.

Công việc tốt nhất mà Andersen từng làm trước khi chính thức bước vào con đường viết văn chuyên nghiệp là làm diễn viên trong Nhà hát Hoàng gia Đan Mạch. Khi bị vỡ giọng, viết văn là công việc cuối cùng mà ông chọn để gắn bó suốt cuộc đời.

Để đưa mình thoát khỏi cuộc sống cô độc, Andersen đã chuyển hướng sang việc sáng tác truyện cho thiếu nhi. Thoát khỏi những chuẩn mực của đạo đức xã hội, ông mang đến cho con người những màu sắc đẹp đẽ, thần tiên và mộng mơ, những gì mà thực tế xã hội thời đó không mang lại được.

Sau 10 năm vật lộn ở thủ đô Copenhagen, may mắn mỉm cười với Andersen khi được Jonas Collin, một trong những giám đốc của Nhà hát Hoàng gia, giúp đỡ. Collin ấn tượng với Andersen ở khả năng sáng tác nên đã giúp ông xin học bổng để vào Đại học Copenhagen, năm 1828.

Chỉ một năm sau, Andersen viết vở kịch đầu tiên mang tên Tình yêu trong Tháp của Nhà thờ Thánh Nicholas. Đến năm 1833, Andersen được nhận trợ cấp của Hoàng gia và bắt đầu du lịch khắp châu Âu, vừa đi vừa sáng tác.

Tại Italia, ông đã bắt tay vào viết cuốn tiểu thuyết "Người ứng khẩu". Sau khi viết xong và cho xuất bản tác phẩm này, Andersen đã trở thành một trong những nhà văn lừng lẫy nhất châu Âu thời đó.

Tới năm 1834, Andersen trở về Đan Mạch. Và bắt đầu giai đoạn xuất bản những tác phẩm đã giúp ông "lưu danh thiên sử": những câu chuyện cổ tích dành cho thiếu nhi. Những câu chuyện này (trong đó có "Nàng tiên cá", "Nàng công chúa và hạt đậu"…) được tập hợp trong ba tập sách.

Nhà văn Andersen được mệnh danh là Ông vua truyện cổ tích nhưng ít ai biết thời đi học từng cô độc, bị khinh miệt vì lý do này - Ảnh 3.

Trong những năm 40 của thế kỷ XVIII, Andersen đã sáng tác hàng loạt truyện ngắn và truyện cổ tích để in vào tập "Cổ tích" với lời ghi chú là sách dành cho cả trẻ em lẫn người lớn: "Sách tranh không có tranh", "Anh chàng chăn lợn", "Họa mi", "Con ngỗng hoang", "Bà chúa tuyết", "Cô bé tí hon", "Cô bé bán diêm", "Cái bóng", "Một người mẹ"…

Cởi mở và ngây thơ, ông sáng tạo ra một phong cách kể chuyện mơ mộng, nồng nhiệt nhưng không kém phần logic. Đẹp đẽ và nhiều cảm xúc, độc giả tìm thấy niềm vui khi đọc những câu chuyện của Andersen, bằng sự nhạy cảm của trẻ em chứ không phải là sự gò ép khô cứng.

Nhà văn Andersen được mệnh danh là Ông vua truyện cổ tích nhưng ít ai biết thời đi học từng cô độc, bị khinh miệt vì lý do này - Ảnh 4.

Các tác phẩm của ông được dịch ra 125 ngôn ngữ khác nhau.

Với gia tài truyện cổ tích đồ sộ, Anderden được mệnh danh là "ông vua truyện cổ tích". Theo UNESCO, Hans Christian Andersen là nhà văn có tác phẩm được dịch nhiều thứ tám trên thế giới. Các tác phẩm của ông được dịch ra 125 ngôn ngữ khác nhau nhưng không phải tất cả chuyển ngữ đều đảm bảo được ý nghĩa câu chuyện gốc mà nhà văn người Đan Mạch muốn kể.

Theo Hiểu Đan

Pháp luật và Bạn đọc

Trở lên trên