MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà văn Hoàng Anh Tú: Khi người lớn chọn vũ khí thay vì đối thoại, người tổn thương sâu nhất vẫn là trẻ em

26-05-2020 - 21:06 PM | Sống

Làm ơn, hãy nghĩ về những đứa trẻ trong mỗi cuộc chiến giữa phụ huynh với nhà trường hay nhà trường với phụ huynh. Những tổn thương của trẻ thì lúc nào cũng sâu hơn người lớn, đeo bám mãi trong chúng.

Khi sự việc cô bé lớp 1 bị đứng ngoài cổng trường được đưa lên mạng xã hội , inbox của tôi đầy ắp những tin nhắn yêu cầu tôi phải lên tiếng. Không một người cha, người mẹ nào muốn thấy con mình đứng bêu nắng trước cổng trường chỉ vì đi học sớm hơn quy định như thế. Câu chuyện về cái nghèo của người mẹ khiến đứa con không đủ tiền đóng học bán trú nên mới xảy ra cớ sự như thế khiến cộng đồng mạng phẫn nộ.

Thú thật, tôi cũng thấy đó là sự vô cảm của nhà trường. Tôi cũng đã tính viết một bài lên tiếng về sự vô tâm, vô cảm của nhà trường. Là sự vô tâm, vô cảm thôi. Vì nhà trường, về lý, là đúng. Thật khó để có một quy định 100% chính xác.

Làm sao để học sinh bán trú nghỉ trưa an toàn, tốt nhất được nếu như cứ 5 phút, 10 phút lại có một bạn ra vào. Làm sao để đảm bảo an toàn cho lũ trẻ trong trường nếu như cổng trường mở toang suốt vậy. Nếu một kẻ ấu dâm lợi dụng giờ trưa lẻn vào, trách nhiệm sẽ thuộc về ai? Chưa kể trộm cắp vặt. Là vô tâm và vô cảm thôi khi để đứa trẻ bơ vơ trước cổng trường.

Nhà văn Hoàng Anh Tú: Khi người lớn chọn vũ khí thay vì đối thoại, người tổn thương sâu nhất vẫn là trẻ em - Ảnh 1.

Giá kể trường có khu vực chờ dành riêng cho những đứa trẻ không học bán trú. Có lẽ từ sự vụ này, các trường học sẽ tự rút ra kinh nghiệm cho trường mình. Để đừng có thêm đứa trẻ nào phải chịu bêu nắng trước cổng trường kể cả giờ trưa lẫn giờ tan học, nếu cha mẹ đến đón muộn, tắc đường…

Câu chuyện lẽ ra sẽ chỉ dừng lại ở đó. Như một sự cố mà nhà trường cần phải thay đổi. Nhưng trên mạng xã hội thì không có câu chuyện nào có thể tự dừng lại được. Thực sự, nó như một quả cầu tuyết. Càng lăn càng lớn. Nhất là nó lại có màu tiêu cực nên càng lăn xa hơn, càng lớn hơn, càng gây phẫn nộ nhiều hơn. Và hôm qua, quả cầu vỡ toang thành hàng trăm quả cầu khác, càng lăn mạnh hơn. Khi status xin lỗi của bà mẹ cùng clip tố cáo ngược việc người mẹ dàn dựng vụ việc này.

Giờ thì mạng xã hội đã trở thành một trường đấu tố kinh khủng khiếp. Người thì nhân danh phụ nữ, lại nghèo nữa để đưa ra nghi án clip dàn dựng được dàn dựng về sự dàn dựng. Nhà trường đã bày ra trò đó. Người thì thất vọng rằng tại sao có người mẹ nguỵ tạo bằng chứng giả như thế để làm gì? Người thì nói về những đúng sai trong việc nhà trường ăn thua với phụ huynh… Ngay trong status trên trang cá nhân của tôi khi nói về việc người lớn tranh thắng trẻ em là kẻ thua đau thì cũng nhận được cả trăm comment trái chiều nhau, phủ nhận nhau.

Không! Tôi không làm nhiệm vụ phân xử ai sất. Tôi cũng không tham gia vào cuộc phán xử này. Tôi đứng về đứa trẻ. Và nếu phải chống, tôi chống những ai mang đứa trẻ ra làm vũ khí, phương tiện để tranh hơn thua. Kể cả nhân danh đứa trẻ để đòi công bằng gì gì đó.

Làm ơn, hãy nghĩ về những đứa trẻ trong mỗi cuộc chiến giữa phụ huynh với nhà trường hay nhà trường với phụ huynh. Nhà trường thắng phụ huynh này thì nhà trường đó cũng mất đi đứa trẻ - học trò của nhà trường đó. Phụ huynh thắng nhà trường thì đứa trẻ con họ cũng mất đi ngôi trường, bạn bè mà chúng yêu quý.

Mọi cuộc chiến sẽ tệ hơn nếu như bất cứ thứ gì cũng quăng lên mạng xã hội. Facebook có phải là toà án đâu? Trên Facebook không có luật gì sất. Luật trên Facebook là thứ luật to mồm hơn, đông like hơn, đông share hơn là thắng. Tổn hại cho nhà trường, cho phụ huynh và tổn thương cho những đứa trẻ đứng giữa là thứ Facebook không chịu trách nhiệm. Những người ủng hộ bạn không phải là những người yêu quý bạn. Và ngược lại.

Tôi đứng về những đứa trẻ. Tôi vẫn cho rằng người lớn mà hành xử trẻ con thì mong gì nuôi dạy những đứa trẻ lớn cho nổi? Người lớn công kích lỗi nhau trước mặt trẻ con mà đâu quan tâm lũ trẻ bị tổn thương ra sao? Người lớn lúc nào cũng cửa miệng câu: Trẻ con thì biết cái gì mà quên rằng trẻ con biết nhiều điều hơn cả người lớn. Và những tổn thương thì lúc nào cũng sâu hơn người lớn, đeo bám mãi trong chúng. Chỉ là sự vô tâm, vô cảm, vô trách nhiệm của người lớn thì mới có thể buông ra cái câu đó: Trẻ con thì biết cái gì.

Sao chúng ta không thể ngồi lại cùng nhau, những người lớn ấy? Sao mọi thứ cứ cần phải "đá nát vàng tan" bằng mạng xã hội? Sao cứ dùng những đứa trẻ làm vũ khí để huỷ hoại lẫn nhau? Rồi kẻ thì bảo: Nếu không đưa lên mạng xã hội thì bất công ấy ai gánh? Mạng xã hội từ bao giờ đã trở thành "phép màu" thay đổi cuộc đời, thành thứ "pháp luật", "đoạn đầu đài", "trường bắn" vậy?

Ai cho phép điều đó xảy ra nếu như không phải là sự quan liêu của những người có quyền lực và sự bất lực của người nghèo, người thấp cổ bé họng? Là chúng ta đã không còn biết đối thoại mặt đối mặt nữa rồi sao? Để mà phải hành xử với nhau theo cái kiểu đó?

Nhà văn Hoàng Anh Tú: Khi người lớn chọn vũ khí thay vì đối thoại, người tổn thương sâu nhất vẫn là trẻ em - Ảnh 2.

Tôi vẫn nghĩ, giá như người mẹ nọ, thay vì chụp ảnh đưa hình con lên mạng tố nhà trường thì hoàn toàn có thể gặp trực tiếp nhà trường. Giá như nhà trường quan tâm đến từng đứa trẻ mà mình đang chịu trách nhiệm nuôi dạy mỗi ngày, mỗi giờ và chịu ngồi lại lắng nghe phản ánh của phụ huynh. Giá như mọi ý kiến đều đến tai người chịu trách nhiệm và mọi vấn đề đều được nhìn ra sớm hơn. Nhưng. Nhưng nhiều người lớn đã không làm điều đó. Nhiều người lớn chọn vũ khí thay vì đối thoại. Và sẵn sàng tranh thắng với nhau vì cái lý của mình.

Không! Lũ trẻ con của chúng ta không thể trưởng thành theo cách này nữa đâu. Chúng không nên được "tốt hơn" được "bảo vệ" bằng việc cha mẹ cầm "súng" bắn vào nhà trường trên mạng xã hội hay nhà trường "tự vệ" bằng quyền lực của mình kiểu vậy. Không chỉ chuyện giữa nhà trường với phụ huynh mà còn là chuyện của người lớn khi nói về con trẻ, quan tâm đến con trẻ. Mạng xã hội không phải là cách duy nhất để chiến đấu với nhau đến chết như vậy.

Ngày mai thôi, câu chuyện này sẽ lại chìm đi khi có một sự vụ mới nổi lên. Những người lớn vẫn tiếp tục "khẩu nghiệp" trên mạng nhân danh bảo vệ trẻ em. Những ngôi trường vẫn "hăng say" thi đua đạt thành tích cao mà vô tâm, vô cảm với sinh hoạt hàng ngày của lũ trẻ, tâm sinh lý của lũ trẻ. Câu chuyện cứ thế rồi mất tăm. Chỉ có khoảng vỡ trong tâm hồn đứa trẻ ấy thì còn mãi. Bao nhiêu đứa trẻ Việt đang giữ trong trí óc non nớt của chúng những đổ vỡ mà người lớn đã tạo ra???

Vài nét về tác giả:

Hoàng Anh Tú sinh ngày 3/10/1978, là một cái tên rất quen thuộc với các độc giả Việt Nam, đặc biệt là độc giả trẻ. Anh từng là bút trưởng (thế hệ thứ ba) của hội bút Hương đầu mùa, và giữ mục Công ty Divu với tên gọi Chánh Văn trên tuần báo Hoa học trò từ năm 2000-2012.

Hiện tại, nhà văn Hoàng Anh Tú sống hạnh phúc với vợ Nguyễn Lê Trang và có 3 con là con trai Gia Bách, con gái Trà My, con gái út Phương Nguyên. Anh thường xuyên chia sẻ quan điểm về tình yêu, cuộc sống gia đình và cách nuôi dạy con cái.

Theo Nhà văn Hoàng Anh Tú

Nhịp sống Việt

Trở lên trên