MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà văn Hoàng Anh Tú: "Tôi ước thầy cô luôn có 5-10 phút mỗi ngày "điên" cùng học trò"

05-09-2018 - 10:21 AM | Sống

Tôi sẽ không đánh đổi tuổi thơ của các con cho những huy chương mà chúng phải nỗ lực vì bố mẹ! Sự lấp lánh của những huy chương ấy nào lấp lánh bằng nụ cười của chúng đâu.

Ba đứa nhỏ nhà tôi năm nay đều mang về đưa bố những tờ phiếu ước đầu năm để các phụ huynh viết vào đấy mong ước của mình. Tôi cặm cụi ngồi viết một mạch 3 tấm phiếu. Không biết có phụ huynh nào cũng ước như tôi?

Tôi ước điều đầu tiên là các con mình sẽ yêu lớp, yêu trường, yêu thầy, yêu cô. Bạn bè có thể có người yêu, có bạn không yêu cho lắm và có bạn không thể yêu nổi. Nhưng thầy cô và trường lớp thì nhất định phải yêu. Bằng nếu không yêu được thầy cô, trường lớp thì mục đích giáo dục của trường sẽ chẳng còn nữa, thầy cô sẽ chỉ là những người dạy.

Bao nhiêu phụ huynh đã quên cùng con vun đắp tình yêu này?

Tôi vẫn nghĩ, tình yêu với trường, với lớp, với thầy, với cô sẽ giúp lũ trẻ tiếp thu bài vở, tiếp nhận giáo dục được tốt hơn nhiều so với những đứa trẻ ghét thầy cô, không tí tự hào gì về ngôi trường chúng đang học.

Tôi ước điều thứ hai là thầy cô luôn có 5-10 phút mỗi ngày, "điên" cùng học trò. Là cùng hâm hâm dở dở như chúng nó. Đừng chỉ giữ sự nghiêm khắc thôi đâu. Hãy như là một đứa trẻ cùng chúng. Khóc cười cùng chúng. Để hiểu chúng. Để bục giảng không cao hơn sàn lớp. Để không phải tất cả học trò chỉ biết hướng mắt về một hướng nhìn cô. Để học trò thấy được nhiều hơn nữa những biểu cảm của cô.

Sự tôn nghiêm của thầy cô cần có, nhưng tôi vẫn ước cho con mình có lúc nào đó, 5-10 phút trong ngày được thấy cô là bạn, là an toàn để sẻ chia, là gần gũi để thấu hiểu. Tôi cần con mình thương cô chứ không chỉ kính ngưỡng, sợ sệt, giấu diếm…

Nhà văn Hoàng Anh Tú: Tôi ước thầy cô luôn có 5-10 phút mỗi ngày điên cùng học trò - Ảnh 1.

Tôi ước điều thứ ba lũ trẻ Việt học được tinh thần phản biện thay vì làm con ngoan trò giỏi cô giáo nói gì là răm rắp nghe theo. Để chúng được bày tỏ suy nghĩ của chúng đi. Sai thì ta nắn. Đúng thì ta khích lệ. Cái gì chưa đúng mà cũng không sai thì nên tôn trọng như giữ một cá tính của học trò. Quyền lực của thầy cô sẽ chỉ là thứ áo mặc do nhà trường khoác lên, uy của thầy cô mới là của thầy cô. Tôi thực lòng muốn các thầy cô tạo được uy hơn là sử dụng quyền. Mà muốn có uy thì phải xây dựng bằng lòng cảm phục, bằng yêu thương hoặc sự tôn kính.

Nếu có điều ước nào nữa tôi sẽ ước lũ trẻ được cùng nhau ra ngoài bộ bàn ghế nhà trường nhiều hơn, được trở thành thi sỹ, nghệ sỹ, nhà báo, bác sỹ, thiết kế thời trang, phi công, nhà khoa học

Rồi đây, chỉ mươi năm nữa, lũ trẻ này ra đời, chúng sẽ trở thành ai đó khác, tốt đẹp hay không đều bắt đầu từ việc ước mơ hôm nay của chúng có được thầy cô nâng niu, trân trọng, hỗ trợ, ươm mầm, tưới tắm, động viên, khích lệ hay không.

Tôi không viết vào phiếu ước, nhưng thâm tâm tôi vẫn ước một điều này. Rằng ước đấy, mong đấy các phụ huynh để cái Tôi của các vị ở nhà. Đừng mang đến trường học mà thi thố với các phụ huynh khác hay dùng để bắt thầy cô phải nghe mình.

Tôi mong các phụ huynh tặng thầy cô một NIỀM TIN. Trao cho thầy cô LÒNG TIN và HY VỌNG. Một cách công khai, công bằng và thật sự. Và cả với chính con mình nữa. Là Hy Vọng chứ đừng Kỳ Vọng. Là Tin con chứ đừng là Tín ngưỡng con. Là nếu thương lắm, xót lắm thì cũng đừng nhân danh thương ấy xót ấy mà hủy hoại người khác - những ai lỡ làm đau con họ.

Hôm nay, các con tôi bắt đầu trở lại trường cùng tấm phiếu ước tôi đã ghi. Thứ tôi nói với chúng là những niềm vui, sự hứng khởi chứ không phải là mục tiêu hay những đề nghị. Dù nói thật, là cha mẹ, ai mà không mong con mình xuất sắc. Cơ mà tôi sẽ không đánh đổi tuổi thơ của chúng cho những huy chương mà chúng phải nỗ lực vì bố mẹ! Sự lấp lánh của những huy chương ấy nào lấp lánh bằng nụ cười của chúng đâu, phải không?

Theo Hoàng Anh Tú

Trí thức trẻ

Trở lên trên