Nhà vườn ở Lâm Đồng thua lỗ vì hoa nhiễm bệnh chết hàng loạt
Bệnh hại phức tạp, chưa có thuốc chữa đang phát sinh mạnh trên các vùng trồng hoa cúc ở huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, gây thiệt hại lớn cho nông dân.
Gắn bó với nghề trồng hoa cúc nhiều năm, nhưng chưa năm nào gia đình anh Võ Ngọc Dương (ở thôn Đăng Lèn, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) bị thiệt hại như năm nay. 1,5 sào trong tổng số 3 sào hoa cúc trồng trong nhà kính của gia đình đã bị chết hoặc không còn khả năng cho thu hoạch.
Anh Dương cho biết, lúc đầu đưa giống về trồng cây hoa lên đều, phát triển tốt nhưng sang tháng thứ hai, cây chững lại, còi cọc bắt đầu thối lá, thối rễ và chết dần: “Tình trạng bữa nay nhổ giục, đổ bờ rất nhiều. Mùa này thời tiết nắng gắt nên dịch bệnh càng sinh sôi nhanh. Người dân ở đây chưa tìm được nguyên nhân khiến hoa chết, chỉ nghe phòng nông nghiệp nói là do một loại vi rút lạ, đường lây lan là qua con bọ trĩ. Người dân không biết cách nào để khắc phục dịch bệnh”.
Vườn hoa cúc anh Đức bị nhiễm bệnh hơn 90%
Trong tình cảnh tương tự, 1.000 m2 hoa cúc dự kiến thu vào dịp lễ Phật đản, của anh Trần Đức Hiệp (ở thôn Đăng Gia Zít B, thị trấn Lạc Dương) cũng đã chết gần hết sau khi xuất hiện nhiều sọc đen ở thân cây và lá héo vàng. Gia đình đã sử dụng nhiều loại thuốc để trị nhưng không đem lại kết quả.
“Tôi bỏ ra tiền mua thuốc để cứu lại cây hoa của mình bị dịch bệnh lên tới 9-10 triệu đồng. Tiền thì mất nhưng cây vẫn bị dịch không thể cứu vãn được. Vườn của tôi giờ bị hư do dịch bệnh lên đến hơn 90%. Sắp tới tôi phải chuyển sang cây trồng khác, không thể trồng cây bông cúc này được”, anh Hiệp chia sẻ.
Anh Dương nhổ bỏ các cây hoa cúc nhiễm bệnh |
Với diện tích bị bệnh lớn, nhiều nhà vườn đã nhổ bỏ hoa nhiễm bệnh chất đống dọc một số tuyến đường thị trấn Lạc Dương, hoặc vứt xuống suối Đan Kia. Việc làm này càng khiến dịch bệnh lây lan khó kiểm soát. |
Ông Nguyễn Phú Việt, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lạc Dương cho biết, địa phương đang cố thuyết phục các hộ dân tiêu hủy hoa cúc bị bệnh để đảm bảo an toàn cho sản xuất: “Với dịch bệnh hoa cúc, chúng tôi sẽ cử người phối hợp với cơ quan chuyên môn đi xuống xác định bệnh như thế nào, cách phòng trừ bệnh ra sao. Đối với những vườn cúc bị lây nhiễm như vậy sẽ tiêu hủy tránh lây lan ra diện tích khác”.
Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, huyện Lạc Dương hiện có hơn 400 hecta trồng hoa các loại, trong đó có 200 hecta chuyên trồng hoa cúc. Nhưng đến nay đã có hơn 60 hecta bị bệnh phải nhổ bỏ. Ngoài khu vực thị trấn, bệnh còn phát sinh mạnh ở xã Đạ Sar, Đạ Nhim.
Nhà vườn vứt bỏ hoa nhiễm bệnh ngay cạnh vườn và dòng suối |
Ông Nguyễn Duy Hưng cho biết, dịch bệnh phát sinh theo hướng ngày càng khó chữa, nên nhà nông cần tuân thủ nghiêm quy trình trồng cúc đã được hướng dẫn, đồng thời làm tốt vệ sinh đồng ruộng ở những diện tích đã nhiễm bệnh. |
“Bệnh này chưa có thuốc đặc trị. Về phía Chi cục trồng trọt cũng như phòng Nông nghiệp của huyện cũng đã hướng dẫn tuyên truyền cho bà con thông qua các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, phương pháp phòng trừ. Tuyên truyền khuyến cáo người dân mua giống đảm bảo chất lượng, rồi vệ sinh đồng ruộng”, ông Nguyễn Duy Hưng cho biết thêm./.
VOV