FPT vượt đỉnh lần thứ 29 từ đầu năm, lọt top 4 công ty niêm yết lớn nhất Việt Nam, giá trị ngang ngửa Hòa Phát
Từ đầu năm 2024 đến nay, FPT đã 29 lần đưa cổ đông lên đỉnh. Vốn hóa của tập đoàn công nghệ này chỉ còn kém Vietcombank, BIDV và "ngấp nghé" Hòa Phát trong danh sách các công ty niêm yết lớn nhất Việt Nam.
Thị trường chứng khoán Việt Nam gặp khó trước ngưỡng kháng cự gần vùng 1.300 điểm, cổ phiếu FPT lại ngược dòng bứt phá đầy mạnh mẽ. Cổ phiếu này vừa có phiên tăng 1,74% lên mức 146.500 đồng/cp, cao nhất lịch sử niêm yết (tính theo giá đóng cửa điều chỉnh). Đây đã là lần thứ 29 từ đầu năm FPT đưa cổ đông lên đỉnh.
Cổ phiếu bốc đầu đẩy vốn hóa FPT lên cao kỷ lục trên 186.000 tỷ đồng (~7,7 tỷ USD), tăng hơn 52% từ đầu năm. Cú nhấn ga đưa tập đoàn công nghệ số 1 Việt Nam vượt qua hàng loạt tên tuổi như Vingroup, Vinhomes, Techcombank, VPBank và mới nhất là PV Gas, qua đó lọt top 4 công ty niêm yết giá trị nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Hiện tại, vốn hóa FPT chỉ còn kém Vietcombank, BIDV và "ngấp nghé" cổ phiếu quốc dân Hòa Phát trong danh sách các công ty niêm yết. Đây là một bước nhảy vọt đầy ngoạn mục bởi khi bước vào năm 2024 FPT vẫn còn nằm ngoài top 10. Nếu tính cả UPCoM, FPT sẽ xếp sau 2 "gã khổng lồ" ACV và Viettel Global.
Báo cáo phân tích mới đây của VNDirect cho rằng, giá cổ phiếu FPT đã tăng vọt từ khi tin tức về mối quan hệ hợp tác với NVIDIA xuất hiện, với mức P/E hiện tại là 25,5x, cao nhất mọi thời đại. Thị trường đang phản ứng tích cực với câu chuyện bán dẫn, đặc biệt là khi các cổ phiếu liên quan đến chip bán dẫn đã được định giá lại mạnh mẽ trong những năm gần đây.
Tương tự, MBS cũng đánh giá cái bắt tay với gã khổng lồ NVIDIA cũng tạo ra cú huých lớn với FPT. Theo đó, việc hợp tác toàn diện với NVIDIA để thúc đẩy nghiên cứu trí tuệ nhân tạo AI sẽ tạo động lực tăng trưởng doanh thu dài hạn cho FPT khi AI generative đang trở thành xu thế mới trong ngành công nghệ thông tin.
Theo báo cáo mới đây của Chứng khoán DSC, việc FPT quyết định đầu tư 200 triệu USD vào "nhà máy AI" và xây dựng lộ trình phát triển nhân lực vi mạch bán dẫn trong bối cảnh dự kiến sẽ thiếu tới hơn 80% nhân lực trong 10 năm tới sẽ tận dụng triệt để được làn sóng đầu tư vào trí tuệ nhân tạo AI tại thị trường nước ngoài.
"FPT sẽ đạt được mức tăng trưởng lần lượt 22% đối với mảng CNTT nước ngoài và 21% đối với mảng Giáo Dục từ năm 2025 nhờ việc đầu tư vào công nghệ mới nhất của NVIDIA hiện tại", báo cáo của DSC nhận định.
Những kỷ lục tăng trưởng của FPT trong 5 năm gần đây có thể một phần lý giải bởi chiến lược M&A mở rộng của FPT tại các thị trường trọng điểm Mỹ, Châu Âu, và Nhật Bản. DSC nhận định rằng những lợi ích từ M&A và đầu tư chiến lược đã phản ánh rõ ràng hơn vào kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm 2024, khi số lượng khách hàng đóng góp trên 1 triệu đô tăng 25% so với cùng kỳ. Đánh giá trên việc FPT có dòng tiền đều đặn hàng năm và khả năng huy động vốn, DSC thấy rằng việc M&A sẽ tiếp diễn tại thị trường Nhật Bản để gia tăng doanh số.
Mảng điện toán đám mây của FPT vẫn đang dẫn dắt doanh thu chuyển đổi số của doanh nghiệp này trong quý vừa rồi, và sẽ tiếp tục tăng trưởng kép ở ít nhất 15% trong 5 năm tới. Tuy nhiên, DSC nhận định rằng mảng cốt lõi CNTT của FPT có thể ghi nhận tăng trưởng 40% tại mảng gia công phần mềm ngành ô tô. Đây là mảng đã được nhận định là có tính cạnh tranh của FPT với lợi thế về môi trường hoạt động và nhân sự giá rẻ, cùng với chất lượng cạnh tranh.
Đời sống Pháp luật