Nhân dân tệ kỹ thuật số có thể giúp Trung Quốc lật đổ ngôi vương của đồng USD như thế nào?
Giống như Amazon tạo ra cuộc cách mạng trong ngành bán lẻ và Uber làm đảo lộn hệ thống taxi truyền thống, tiền kỹ thuật số cũng sẽ định hình lại thế giới tài chính.
- 05-04-2021Chân dung ‘trùm tiền số’ 33 tuổi ở Thái Lan
- 24-03-2021Mua bán bitcoin chưa là gì, đây mới là giao dịch "liều ăn nhiều" nhất trong thị trường tiền số
- 06-03-2021Nhân dân tệ kỹ thuật số sẽ là "quả bom" khiến Bitcoin và thị trường tiền số rung chuyển?
- 14-12-2020Tiền ồ ạt đổ về, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tăng giá chưa từng có trong gần 3 thập kỷ
1.000 năm trước, khi tiền chỉ tồn tại dưới dạng những đồng xu, Trung Quốc là nước đã phát minh ra tiền giấy. Giờ đây Chính phủ Trung Quốc lại đang dẫn đầu xu hướng mới khi trở thành nước đi đầu trong việc phát hành tiền điện tử, với tham vọng sẽ làm lung lay sức mạnh của đồng USD, một trong những trụ cột quan trọng nhất của kinh tế Mỹ.
Thực ra thì chúng ta đã có nhiều loại tiền ảo: thẻ tín dụng và các ứng dụng thanh toán phổ biến như Apple Pay ở Mỹ hay WeChat ở Trung Quốc hoàn toàn có thể thay thế các đồng xu và tờ giấy bạc. Tuy nhiên đó chỉ là những cách để chuyển tiền trên hệ thống điện tử.
Một cách để lật đổ ngôi vương của đồng USD
Mặc dù nằm ngoài hệ thống tài chính toàn cầu và không có tính pháp lý giống như các tờ giấy bạc và đồng xu được các NHTW phát hành, các đồng tiền kỹ thuật số như Bitcoin lại đang "phủ bóng" lên tương lai kỹ thuật số của tiền tệ.
Nhân dân tệ kỹ thuật số hiển thị trên màn hình điện thoại di động.
Trong khi đó, đồng nhân dân tệ kỹ thuật số sẽ được kiểm soát bởi chính cơ quan phát hành là NHTW Trung Quốc (PBOC). Đồng tệ kỹ thuật số được kỳ vọng sẽ đem đến cho chính phủ Trung Quốc nhiều công cụ mới để kiểm soát cả nền kinh tế cũng như người dân. Ngay từ thiết kế ban đầu, nhân dân tệ kỹ thuật số đã loại bỏ một trong những điểm hấp dẫn nhất của Bitcoin: cho phép người dùng ẩn danh.
Không chỉ có vậy, Bắc Kinh cũng coi tiền kỹ thuật số là con đường để làm suy yếu vị thế của USD (đồng tiền đã luôn là "vua" trong hệ thống tài chính quốc tế suốt từ thế chiến thứ hai) cũng như giảm phụ thuộc vào mạng lưới quốc tế.
Giống như Amazon tạo ra cuộc cách mạng trong ngành bán lẻ và Uber làm đảo lộn hệ thống taxi truyền thống, tiền kỹ thuật số cũng sẽ định hình lại thế giới tài chính. Việc đối thủ của Mỹ dẫn đầu cuộc đua tiền kỹ thuật số cũng đang kích hoạt làn sóng bàn luận về chủ đề từng bị phớt lờ ở Washington. Gần đây, khi được hỏi các đồng tiền kỹ thuật số do NHTW các nước phát hành sẽ ảnh hưởng đến đồng USD như thế nào, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết vẫn đang nghiên cứu nghiêm túc về vấn đề này.
Trước đây đồng bạc xanh đã không ít lần bị đe dọa (ví dụ như khi đồng euro ra đời). Tuy nhiên, vị thế của USD lại ngày càng được củng cố vững chắc khi các đối thủ dần lộ rõ khuyết điểm. Hiện USD đang vượt xa các đồng tiền khác trong các giao dịch thương mại quốc tế với tỷ trọng được sử dụng làm đồng tiền thanh toán lên đến 88%. Tỷ trọng của yên Nhật chỉ là 4%.
Theo các chuyên gia kinh tế, số hóa sẽ không thể khiến nhân dân tệ trở thành đối thủ đáng gờm của đồng USD trong các giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng. Tuy nhiên, trong "hình hài" mới, nhân dân tệ có thể chiếm ưu thế ở "vùng rìa" của hệ thống tài chính toàn cầu. Nhân dân tệ kỹ thuật số sẽ cung cấp 1 lựa chọn khác cho các nước nghèo hơn.
Đồng tệ kỹ thuật số tồn tại trên không gian mạng, trong điện thoại di động của người chủ sở hữu (hoặc trong 1 tấm thẻ) và để tiêu chúng không nhất thiết phải có kết nối mạng. Những đồng tiền này xuất hiện trên màn hình với hình ảnh nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông, cũng giống như các tờ tiền thật.
Trong những tháng gần đây Trung Quốc đã thử nghiệm đồng tệ kỹ thuật số ở nhiều thành phố. Trên cả nước đã có hơn 100.000 người tải về ứng dụng di động do PBOC phát hành cho phép họ tiêu những đồng nhân dân tệ kỹ thuật số tại nhiều nơi, trong đó có những cửa hàng Starbucks và McDonald’s ở Trung Quốc.
"Khá tốt", Tao Wei, 1 phụ nữ trẻ ở Bắc Kinh tham gia thử nghiệm nhận xét. Cô chỉ mất vài giây để thanh toán cho bức ảnh chụp cô con gái 2 tuổi, bằng cách giơ điện thoại ra trước máy quét. Các đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng có thể chọn nhận lương hàng tháng bằng nhân dân tệ kỹ thuật số.
Tiền kỹ thuật số giống như 1 công cụ quản lý kinh tế vĩ mô lý tưởng, cho phép chính phủ phát hành theo dõi hành vi chi tiêu của từng người dân trong thời gian thực, đồng thời nhanh chóng phát hiện ra các hành vi trái pháp luật. Thực chất thì ở Trung Quốc thanh toán không dùng tiền mặt đã rất phát triển. Tuy nhiên, phát hành 1 đồng tiền số quốc gia là 1 bước tiến lớn với nhiều tiện ích.
Bắc Kinh đã thử nghiệm chính sách đặt hạn sử dụng cho các đồng tiền kỹ thuật số để khuyến khích người dùng nhanh chóng tiêu chúng. Điều này sẽ hữu ích khi nền kinh tế cần được kích thích. Trung Quốc còn sử dụng hệ thống nhận diện khuôn mặt để theo dõi hành vi và chấm điểm công dân. Tiền kỹ thuật số sẽ giúp thu tiền phạt dễ dàng hơn.
Về vấn đề biến động giá cả thì sao? Các đồng tiền số như Bitcoin nổi tiếng là có giá cả lên xuống thất thường. PBOC cho biết sẽ kiểm soát chặt chẽ đồng tệ kỹ thuật số để đảm bảo giá trị của nó không bị lệch so với tiền xu và tiền giấy. Điều đó đồng nghĩa các nhà đầu tư không thể đầu cơ đồng nhân dân tệ kỹ thuật số như các đồng tiền số khác. Các biện pháp chống hàng giả cũng được triển khai để đảm bảo không có ai khác ngoài PBOC có thể phát hành nhân dân tệ kỹ thuật số.
Ban đầu PBOC sẽ đặt ra giới hạn 1 cá nhân có thể sở hữu bao nhiêu như một cách để kiểm soát quá trình lưu thông của đồng tệ kỹ thuật số, đồng thời đảm bảo tính an toàn và riêng tư cho người dùng.
Mỗi đồng nhân dân tệ kỹ thuật số được phát hành sẽ tương đương 1 đồng tiền vật lý bị hủy bỏ, do đó phát hành đồng tệ số không làm tăng thêm lượng tiền lưu thông.
Ngoại lệ Trung Quốc
Khi Bitcoin ra đời năm 2009, hầu hết các quốc gia đều không đánh giá cao tầm quan trọng của nó. Tuy nhiên Trung Quốc là 1 ngoại lệ. Luôn cảnh giác với các mối đe dọa, các lãnh đạo Trung Quốc lo sợ tiền số sẽ làm suy yếu quyền lực của chính phủ nếu mọi người bắt đầu sử dụng rộng rãi. Zhou Xiaochuan, Thống đốc PBOC từ năm 2002 đến 2018, từng nói Bitcoin khiến ông cảm thấy vừa kinh ngạc vừa sợ hãi. Năm 2014, ông tổ chức nghiên cứu về 1 đồng tiền số do chính phủ Trung Quốc phát hành.
Khó có thể coi Trung Quốc là nước đi đầu về tiền tệ. Ví dụ, đến nay nước này vẫn kiểm soát tỷ giá rất chặt chẽ, không giống như nhiều đồng tiền lớn đều được thả nổi. Tuy nhiên nước này đang đi đầu về cách mạng fintech, với tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt thuộc hàng cao nhất thế giới.
Giữa năm 2019, Facebook công bố theo đuổi dự án đồng tiền số Libra. Viễn cảnh Facebook có thể áp dụng thành công trên lượng người dùng còn lớn hơn dân số của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới là hồi chuông cảnh tỉnh khiến nhiều người nhận ra công nghệ hoàn toàn có thể làm lung lay tiền tệ truyền thống như thế nào.
Trong khi giới chức Mỹ tập trung vào việc ngăn cản Facebook và đã thành công, Trung Quốc càng đẩy nhanh dự án nhân dân tệ kỹ thuật số hơn nữa, và từ tháng 4/2020 bắt đầu tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm. Đột nhiên các NHTW từ Mỹ cho đến các nền kinh tế phương Tây nhận ra rằng dự định của Facebook có thể trở thành hiện thực tại Trung Quốc và điều đó khiến họ lo lắng.
Là nước phát hành đồng tiền mà hơn 21.000 ngân hàng trên toàn thế giới cần đến khi giao dịch, lâu nay Mỹ vẫn được hưởng nhiều đặc quyền. Trong đó nổi bật nhất là khả năng loại các tổ chức và cá nhân ra khỏi hệ thống tài chính toàn cầu bằng cách cấm các ngân hàng giao dịch với họ. Các lệnh cấm vận mà Mỹ áp đặt lên Triều Tiên và Iran đã khiến nền kinh tế những nước này lao đao. 8 năm trước, các ngân hàng Thụy Sĩ buộc phải từ bỏ tính bảo mật nổi tiếng của mình trước sức ép từ Mỹ. Và gần đây nhất, Mỹ đóng băng tài khoản ngân hàng của nhiều tướng lĩnh quân đội hàng đầu ở Myanmar.
Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số có thể cho phép những tổ chức và cá nhân bị Mỹ trừng phạt thực hiện các giao dịch mà Mỹ không hề hay biết. Lý do là bởi họ sẽ không cần dùng đến SWIFT, mạng lưới chuyển tiền liên ngân hàng thuộc giám sát của chính phủ Mỹ.
Cơ hội làm suy yếu sức mạnh của các lệnh trừng phạt của Mỹ là trọng tâm trong chiến dịch quảng cáo đồng nhân dân tệ kỹ thuật số cũng như nỗ lực quốc tế hóa đồng nội tệ của Trung Quốc.
Theo CBDC Tracker, hiện đã có hơn 60 nước đang nghiên cứu hoặc phát triển tiền kỹ thuật số. Kevin Warsh, 1 cựu lãnh đạo của Fed và hiện đang công tác tại ĐH Stanford, cho rằng nỗ lực của Trung Quốc gây sức ép buộc Mỹ phải hiện đại hóa cơ sở hạ tầng ngành tài chính. "Nếu chúng ta chờ đợi 5-10 năm nữa mới làm, đó sẽ là lựa chọn rất tồi tệ".
Trong buổi điều trần mới nhất, khi được hỏi liệu Mỹ có số hóa đồng USD để bảo vệ vị thế của mình trong hệ thống tài chính quốc tế hay không, Chủ tịch Fed đã nói rằng Mỹ rất ưu tiên nghiên cứu phát triển tiền kỹ thuật số. "Chúng ta không cần phải là người đi đầu, nhưng cần phải làm đúng".
Tham khảo Wall Street Journal