MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhân dân tệ lao dốc, cán cân thương mại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng?

Theo VEPR, khi đồng Nhân dân tệ mất giá mạnh, cán cân thương mại của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng do hàng Trung Quốc giá rẻ chảy vào thị trường nội địa.

Đánh giá tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đối với thương mại của Việt Nam, Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, hiện nay, đồng VND vẫn đang được neo giá theo đồng USD. Khi đồng CNY mất giá mạnh, cán cân thương mại của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do hàng hóa Trung Quốc giá rẻ ồ ạt chảy vào thị trường nội địa.

Nhân dân tệ giảm giá mạnh

Nhân dân tệ lao dốc, cán cân thương mại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng? - Ảnh 1.

Biểu đồ diễn biến tỷ giá giữa USD và CNY trong 1 tháng trở lại đây (theo Bloomberg)


Theo Bloomberg, trong 1 tháng trở lại đây, tỷ giá giữa Nhân dân tệ và USD liên tục giảm. 17h00 ngày 16/7, 1 CNY chỉ đổi được 0,1498 USD (hay 1 USD đổi được 6,675 CNY). Đồng CNY đang giảm kỷ lục so với USD. Việc CNY giảm mạnh như hiện nay đang làm dấy lên những lo ngại rằng Trung Quốc có thể sẵn sàng phá giá đồng nội tệ để làm vũ khí trong cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ bùng nổ.


Tỷ giá đồng CNY của Trung Quốc tuần vừa qua đã giảm 0,73% so với mức chốt của tuần trước đó và là mức thấp nhất kể từ tháng 1/2016. Trong vòng một tháng qua, đồng NDT đã rớt giá hơn 4%, còn nếu tính từ tháng 4 đến thời điểm này đồng NDT đã mất giá 5,4%. Nhiều dự báo còn cho rằng CNY sẽ còn được điều chỉnh giảm sâu hơn nữa trong thời gian tới.

Phân tích tác động những động thái trên, chuyên gia của VEPR cho hay: Mỹ và Trung Quốc là hai đối tác thương mại đặc biệt quan trọng với Việt Nam. Trong khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với khoảng 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu, Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc với khoảng 1/4 tổng kim ngạch nhập khẩu.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và sự mất giá của đồng CNY thời gian qua có ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Tính tới cuối Quý 2/2018, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã giảm khoảng 30 tỷ USD so với Quý 1. Điều này có thể phản ánh thế bị động của Ngân hàng TW Trung Quốc (PBoC) trong sự kiện đồng CNY mất giá mạnh so với USD. Khả năng lớn là khối ngoại đã bắt đầu rút vốn khỏi Trung Quốc khiến PBoC phải giảm dự trữ ngoại hối để giữ giá đồng CNY.

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ- Trung, việc Fed thắt chặt tiền tệ và sự phá giá của đồng CNY, VEPR gợi ý một chính sách giảm giá đồng VND đối với USD ở mức vừa phải và thấp hơn mức giảm giá của đồng CNY so với USD. Với  đặc thù là một nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc để chế biến và xuất khẩu, việc điều chỉnh tỷ giá như vậy khiến các nhà nhập khẩu nguyên liệu có lợi từ thị trường Trung Quốc, đồng thời các nhà nhập khẩu có lợi thêm từ việc xuất khẩu sang Mỹ. Việc tận dụng hai thị trường lớn này có thể giúp Việt Nam cải thiện tình trạng sản xuất và cán cân thương mại.

Doanh nghiệp Việt cần tập trung hơn vào thị trường nội địa

Nhìn lại kết quả xuất nhập khẩu nửa đầu năm nay, VEPR đánh giá thương mại thặng dư quý thứ tư liên tiếp. Cụ thể, xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt tăng 10,20% và 6,03% (yoy). Thặng dư thương mại Quý 2 đạt xấp xỉ 1,4 tỷ USD, đánh dấu quý thặng dư thứ tư liên tiếp. Tính chung 6 tháng đầu năm, cán cân thương mại thặng dư 2,7 tỷ USD.

Khu vực FDI tiếp tục là đầu tàu thương mại của kinh tế Việt Nam với mức xuất siêu 8,06 tỷ USD, tăng tới 34,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, khu vực nội địa vẫn chịu mức thâm hụt 6,66 tỷ USD, tương đương mức thâm hụt năm ngoái.

Theo đối tác, sau Quý 2, Hoa Kỳ đã vượt EU thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 21,5 tỷ USD sau 6 tháng đầu năm, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Theo sau là EU và Trung Quốc, lần lượt đạt 20,5 và 16,6 tỷ USD. 

Về nhập khẩu, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất, đạt 31,1 tỷ USD (tăng 15,6%) với các mặt hàng chủ đạo là vải và điện thoại và linh kiện. Kim ngạch nhập khẩu lớn đã giúp Trung Quốc thay thế Hàn Quốc trở lại thành thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu năm 2018.

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Mỹ và các đối tác thương mại lớn nổ ra, VEPR cho rằng, các nền kinh tế mở và nhỏ như Việt Nam sẽ đón nhận cả cơ hội và rủi ro.

Theo phân tích của VEPR, thương mại Việt Nam vẫn trên đà tăng trưởng tích cực trong bối cảnh tương đối thuận lợi của thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, độ mở của nền kinh tế lớn ở mức trên 190% như hiện tại cũng đặt Việt Nam dưới nhiều rủi ro thách thức nếu nền kinh tế toàn cầu bước vào thời kỳ suy giảm vì các cuộc chiến thương mại. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 vẫn còn là bài học sống động cho Việt Nam.

Một giải pháp khả thi mà VEPR đề xuất là các doanh nghiệp cần tập trung hơn vào thị trường nội địa với sức mua ngày càng lớn. Nếu bỏ qua thị trường nội địa đầy tiềm năng, khả năng thua ngay trên sân nhà là rất lớn khi hiện tại có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam. Tất nhiên, thị trường thế giới vẫn là cơ hội lớn nhất để sản phẩm của Việt Nam phát triển trong dài hạn nhờ lợi thế quy mô./.

Theo Hà Trần

VOV

Trở lên trên