MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhân dân tệ mất giá ảnh hưởng thế nào đến kinh tế Việt Nam?

23-07-2018 - 09:02 AM | Tài chính - ngân hàng

Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang, đối phó với điều này Trung Quốc đã và đang dùng chính sách tiền tệ để giảm thiểu tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại…

TS. Lê Đăng Doanh
TS. Lê Đăng Doanh
Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)
76 bài viết
  • Giá vàng trong nước tăng cao bất thường so với thế giới mang lại siêu lợi nhuận cho doanh nghiệp kinh doanh vàng. Trong lúc này, cơ quan chức năng quản lý việc kinh doanh vàng như Ngân hàng Nhà nước cần vào cuộc kiểm tra, lành mạnh thị trường kinh doanh vàng trong nước
  • Có vốn nhưng không giải ngân được, bị "ngâm" quá lâu thì sẽ không đáp ứng được mục tiêu cấp bách của chương trình phục hồi và phát triển trong 2 năm 2022-2023

Cuối tuần trước, tỷ giá đồng Nhân dân tệ đã sụt giảm mạnh sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc giảm tỷ giá tham chiếu mạnh nhất trong 2 năm. Theo đó, đồng Nhân dân tệ đã trượt xuống dưới ngưỡng 6,8 Nhân dân tệ đổi 1 USD và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc không phát tín hiệu nào về việc sẽ can thiệp để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ.

Sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên mạng xã hội Twitter cáo buộc Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) "thao túng làm tỷ giá đồng tiền và lãi suất của họ thấp hơn".

Nhiều nhận định về tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã được đưa ra thời gian vừa qua, trường hợp chiến tranh tiền tệ bùng nổ cũng được dự báo sẽ tác động mạnh nền kinh tế của Mỹ, Trung Quốc và toàn thế giới.

Nhân dân tệ mất giá tác động thế nào đến kinh tế Việt Nam, Việt Nam nên làm gì trong bối cảnh này… BizLIVE đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia kinh tế, tài chính về vấn đề này.

Nên có kiểm soát thương mại biên giới Việt - Trung

(TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng CIEM)

Khi đồng Nhân dân tệ giảm giá khiến cho hàng hoá Trung Quốc đã rẻ nay còn rẻ hơn tạo nguy cơ hàng Trung Quốc ồ ạt tràn vào Việt Nam. Đây là điều Việt Nam cần phải hết sức chú ý và xem xét cẩn trọng trong thời gian tới.

Chính phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp cần có các biện pháp để ứng phó với vấn đề này. Phải kiểm soát thương mại qua biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, bên cạnh đó cần phải có những biện pháp hợp tác để kiểm soát được luồng hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Hiện Trung Quốc đang là quốc gia mà Việt Nam nhập siêu lớn nhất tới 58,6 tỷ USD năm 2017. Khi hàng hoá Trung Quốc rẻ bất ngờ do đồng CNY giảm giá mạnh, nguy cơ gia tăng nhập siêu của Việt Nam là rõ ràng, điều này không tốt cho nền kinh tế Việt Nam.

Ngoài ra, đang có những lo ngại về việc hàng hoá Trung Quốc sẽ "núp bóng" nhãn hiệu Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ. Nếu điều này thực sự xảy ra sẽ rất ảnh hưởng tới hoạt động cũng như uy tín, mối quan hệ của nhiều doanh nghiệp Việt đối với cộng đồng quốc tế.

Về các giải pháp cấp thiết hiện nay, Chính phủ và doanh nghiệp cần song hành có những giải pháp chung, riêng để tương hỗ lẫn nhau. Không thể thiếu vắng vai trò của Chính phủ trong những vấn đề căng thẳng hiện nay. Về phía Chính phủ cần tiếp tục giảm bớt những thủ tục hành chính, những chi phí không cần thiết để doanh nghiệp Việt có thể cạnh tranh tốt hơn không chỉ đối với doanh nghiệp Trung Quốc mà cả những doanh nghiệp các khu vực khác.

Về phía doanh nghiệp, ngoài những việc trông chờ từ phía Chính phủ cần phải "tự lực cánh sinh" là điều trên hết, trong "cái khó ló cái khôn", đặc biệt tăng cường chiếm giữ thị trường trong nước bằng những sản phẩm và uy tín của doanh nghiệp Việt.

"Không thể vì Trung Quốc phá giá mà Việt Nam cũng phá giá"

(TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng ngân hàng BIDV)

Đây là động thái của Trung Quốc trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra căng thẳng hơn, Trung Quốc đã và đang dùng chính sách tiền tệ giảm thiểu tác động tiêu cực từ chiến tranh thương mại.

Theo tôi, Trung Quốc giảm đồng Nhân dân tệ với 2 chủ ý. Thứ nhất, thúc đẩy xuất khẩu và thứ 2 là do thực tế đồng Nhân dân tệ tính theo giá trị thực năm 2017 đến hết quý I/2018 đã bị tăng giá nên động thái quý II cũng là bước giảm đi sự tăng giá thực của đồng Nhân dân tệ trong hơn 1 năm vừa qua.

Việc Nhân dân tệ mất giá tác động nhất định đến Việt Nam nhưng không quá lớn và quá đáng ngại. Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc nói chung vẫn có mức phụ thuộc lẫn nhau và tăng trưởng nhất định.

Thứ 2, việc xuất khẩu hàng hoá của Trung Quốc vào Việt Nam có một số hàng hoá tương đồng và xuất sang Mỹ là tương đối khác nhau nên sẽ không bị tác động nhiều, thường nếu tác động sẽ tác động thị trường xuất khẩu tương đồng.

Động thái này của Trung Quốc bắt đầu triển khai nên cần thời gian, lộ trình đánh giá tác động nhưng chúng ta không thể chủ quan vì Trung Quốc đứng thứ 8 đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và là đối tác lớn xuất nhập khẩu nên cần đánh giá tác động chiến tranh thương mại nói chung và Trung Quốc dùng chính sách gì để giảm thiểu tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Việt Nam vay nợ Trung Quốc thương mại, ODA nhiều khi bằng USD, khi Nhân dân tệ giảm giá, USD tăng giá có thể tăng trách nhiệm trả nợ bằng nợ nước ngoài đối với Việt Nam. Không riêng Trung Quốc mà các thị trường Việt Nam vay nợ bằng USD đều tăng. Chúng tôi đã đề xuất tiến tới kiểm soát nợ công, nợ nước ngoài giảm thiểu tác động đồng USD tăng giá và lãi suất ngoại tệ tăng.

Thời gian vừa qua tỷ giá đã được điều hành khá linh hoạt và sát cung cầu thị trường, đồng Việt Nam mất giá đâu đó khoảng 1,5%. Tuy nhiên, chúng ta không thể vì việc Trung Quốc phá giá 4-5% mà chúng ta phá giá đồng Việt Nam, ở mức kể cả 2-3%.

Chúng ta cần tính toán tổng thể tác động tích cực, tiêu cực đối với nền kinh tế đặc biệt mối quan hệ giữa thương mại và tỷ giá ở Việt Nam tương đối lỏng lẻo do cấu trúc nền kinh tế càng xuất nhiều càng nhập nhiều và việc xuất nhập khẩu đa số bởi doanh nghiệp FDI không bị phụ thuộc nhiều vào câu chuyện tỷ giá.

Nhân dân tệ tiếp tục phá giá, có lẽ mình không thể đứng yên

(Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế)

Từ đầu năm đến giờ VND tăng giá so với NDT. Đầu năm 3.487 NDT đổi 1VND còn giờ chỉ còn 3.425NDT đổi 1VND. Tức giá trị tiền VND tăng khoảng 1,8%. Tăng vậy dĩ nhiên sẽ có lợi cho nhập khẩu từ Trung Quốc tại vì hàng hóa của Trung Quốc sẽ rẻ đi, chỉ tính trên ngoại tệ không nó rẻ đi 1,8%. Đồng thời hàng mình xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ đắt thêm, nếu không kể những yếu tố về chất lượng, những yếu tố khác liên quan đến giá cả…

Rõ ràng bất lợi cho nền kinh tế Việt Nam. Trung Quốc là thị trường xuất siêu có lẽ lớn nhất của Việt Nam đồng thời cũng là 2 thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, cùng với Hàn Quốc. Việc NDT mất giá so với VND thúc đẩy nhập siêu từ Trung Quốc và hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc thì nó bất lợi cho mình.

Theo chiều hướng hiện nay tôi thấy cuộc chiến tranh thương mại ngày càng trở nên gay cấn hơn. Nếu Mỹ tiếp tục đánh thuế nhập khẩu trên những mặt hàng khác và cuộc chiến này leo thang thì tôi phỏng đoán Chính phủ Trung Quốc tiếp tục phá giá NDT.

Nếu họ tiếp tục phá giá NDT mà mình không phá giá đối với USD thì giá trị của VND so với NDT càng ngày càng cao từ đó càng khuyến khích nhập khẩu từ Trung Quốc và hạn chế xuất khẩu sang nước này. Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không biết sẽ đi về đâu, mức độ nâng lên tầm mức nào vì cuộc chiến này mới chỉ trong giai đoạn đầu, nếu bước vào giai đoạn trầm trọng thì rất có thể NDT sẽ phá giá mạnh.

NDT trong quá khứ có lúc phá giá 6,9 NDT đổi 1USD, nên hiện còn nhiều dư địa để phá giá với USD. VND nếu giữ ổn định với USD thì đồng nghĩa VND lên giá với NDT.

Trong bối cảnh NDT tiếp tục phá giá có lẽ mình không thể đứng yên được. Cũng như năm 2015 khi NDT phá giá đột biến mình cũng phải phá giá theo để tránh ảnh hưởng là hàng hóa Trung Quốc ào ạt đổ vào Việt Nam.

Tại thời điểm này mức giá phá VND ở mức cao thì chưa cần thiết, từ đầu năm so với USD, VND với phá giá khoảng 1,5%. Nếu từ nay tới cuối năm nếu chiến tranh thương mại mạnh mẽ hơn, NDT tiếp tục phá giá có lẽ mình cũng phải phá giá với USD ở mức khoảng 1,5% để bù trừ cho việc đồng NDT phá giá với USD.

Trong tình hình mình phải phá giá có mặt lợi và hại như thế nào cho Việt Nam? Mặt lợi cũng có, việc phá giá VND cần được vận hành theo cung cầu trên thị trường. Việc phá giá VND với USD hạn chế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Nếu giữ tỷ giá mạnh so với Trung Quốc hàng từ nước này càng ngày càng rẻ, sẽ ào ạt vào Việt Nam. Từ đó mất tính cạnh tranh ngay cả hàng nội địa. Thành ra việc phá giá có thể được lợi là hạn chế tính cạnh tranh ồ ạt của hàng Trung Quốc vào Việt Nam, hỗ trợ xuất khẩu vì nền kinh tế của mình dựa nhiều vào xuất khẩu.

Dĩ nhiên gây ra nhiều bất lợi khác. Ngoài việc hạn chế nhập siêu từ Trung Quốc thì tỷ giá của mình tăng với USD cũng làm tăng nợ công, đồng thời có thể tác động mạnh tới lạm phát. Vì khi VND mất giá thì hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào sẽ trở nên đắt đỏ khi tính ra VND, làm tăng lạm phát. Nợ công Việt Nam đến gần một nửa là nợ nước ngoài, nợ bằng ngoại tệ.

Không cần giảm giá quá mạnh VND

(Ông Huỳnh Trung Minh, chuyên gia Tài chính ngân hàng)

Nhân dân tệ mất giá thì Việt Nam chắc chắn ảnh hưởng rất nhiều vì năm nào cũng nhập siêu từ phía Trung Quốc từ chính ngạch, tiểu ngạch. Điều dễ thấy là hàng hóa Trung Quốc tràn lan trên thị trường Việt. Thông qua việc giá NDT giảm như vậy tỷ lệ nhập siêu sẽ tăng cao và mình có nguy cơ thua trên sân nhà.

Chúng ta cần có cách ứng phó linh hoạt, Việt Nam không cần giảm giá quá mạnh VND mà ở một chừng mực nào đó không để lạm phát quá. Ví dụ NDT mất giá 5-6% thì mình cũng mất giá 2-3% để dung hòa giữa xuất khẩu, Trung Quốc cũng là đối thủ xuất khẩu của Việt Nam ở nhiều mặt hàng, rồi mình cũng nhập siêu từ họ.

Việt Nam là nước ảnh hưởng từ Trung Quốc rất nặng nề, chấp nhận dùng hàng Trung Quốc, giá đã rẻ thì bây giờ lại rẻ hơn nữa nên việc kiểm soát nhập khẩu qua biên giới qua đường tiểu ngạch hay nói cách khác là nhập lậu cần phải chặt chẽ hơn. Một khi hàng hóa Trung Quốc giá rẻ thì thương lái Việt Nam ồ ạt nhập khẩu hàng hóa dẫn tới doanh nghiệp Việt gặp khó khăn ngay trên sân nhà.

Khi doanh nghiệp sản xuất hàng hóa không tiêu thụ được sẽ gặp khó khăn trong chi phí trả lương công nhân, chi phí đóng thuế, việc quay vòng vốn, dẫn đến việc một số doanh nghiệp gặp khó về mặt tài chính, đặc biệt những doanh nghiệp vay bằng USD bây giờ VND mất giá, hàng hóa bán ra không được dẫn đến gặp rủi ro.

Do đó chính phủ phải có biện pháp kiểm soát hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, đường chính ngạch lẫn tiểu ngạch. Chính phủ Trung Quốc phá giá đồng NDT bằng cách này hay cách khác diễn ra nhiều lần, mình không để bị động vào thị trường Trung Quốc.

Theo PV

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên