Nhân dân tệ tăng mạnh và thuận lợi của tiền đồng
Tỷ giá Nhân dân tệ so với đô la Mỹ liên tục tăng cao gây áp lực lớn lên hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc.
- 31-05-2021Tỷ giá nhân dân tệ lên cao nhất 5 năm
- 26-05-2021Giữa "bão giá" nguyên liệu, Trung Quốc lại gặp khó vì Nhân dân tệ đạt đỉnh 3 năm
Vào ngày 31/5, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã nâng tỷ giá tham chiếu đồng Nhân dân tệ (CNY) lên mức cao nhất 3 năm, là 6,3682 CNY/USD trước khi thị trường giao dịch mở cửa. Mức này cao hơn 176 pip so với ngày thứ Sáu (28/5) và là mức cao nhất kể từ 17/5/2018.
Việc CNY tăng giá liên tiếp đã đẩy chỉ số CNY so với rổ tiền tệ của các đối tác chủ chốt lên 98,22; là cao nhất kể từ 29/3/2016 (hơn 5 năm). Các nhà đầu tư trên thị trường đã coi mốc 98 là mức trần của rổ này, bởi cao hơn ngưỡng đó sẽ gây bất lợi cho Trung Quốc so với các đối tác thương mại.
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Tân Hoa Xã Sheng Songcheng, một cựu quan chức PBoC đã lưu ý rằng, đồng tiền này đang bị "định giá quá cao" và có thể mất giá trong tương lai. Điều đó nói lên rằng, Trung Quốc muốn tiếp tục thu hút dòng vốn trái phiếu nước ngoài trong khi không muốn khuyến khích dòng vốn chảy ra, ngụ ý một con đường ổn định cho CNY trong tương lai.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, có hai nguyên nhân chính dẫn đến việc đồng CNY lên giá mạnh trong một năm qua. Thứ nhất, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng trở lại sau khi Chính phủ nước này kiểm soát tốt dịch bệnh trong năm 2020 và trong quý 1/2021 đã có đà hồi phục mạnh mẽ. Thứ hai, so với đồng đô la Mỹ, thời gian qua chính phủ Mỹ đã đưa ra các gói hỗ trợ lớn trị giá hàng nghìn tỷ USD cho nền kinh tế, từ đó đẩy giá trị đồng bạc xanh xuống, dẫn tới đẩy giá trị đồng CNY lên.
Một số lãnh đạo ngân hàng Trung Quốc chỉ ra nguyên nhân khiến đợt tăng giá này của đồng CNY là do dòng vốn đổ mạnh vào trái phiếu và cổ phiếu, cùng với đó là giao dịch đầu cơ bằng đồng CNY. Nhưng theo ông Hiếu đây cũng là một trong các nguyên nhân thúc đẩy đồng CNY tăng giá, nhưng không phải là nguyên nhân chính. Việc các nhà đầu tư tại Trung Quốc và nước ngoài có dự báo đồng CNY tăng giá, từ đó mua tài sản bằng CNY để bảo toàn và tăng giá trị cho sản phẩm đầu tư của họ là có thực. "Nhu cầu mua đồng CNY tăng lên hay đầu cơ cũng là một phần khiến tỷ giá CNY tăng cao" – ông Hiếu cho biết.
Việc CNY tăng cao sẽ ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu của Trung Quốc sang các nước khác. Ví dụ Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc, một khi đồng Nhân dân tệ tăng sẽ khiến giá thành tăng cao hơn và làm cho hàng Trung Quốc đắt đỏ hơn so với thị trường.
Trong khi đó, việc nhập khẩu của các nước khác vào thị trường Trung Quốc lại được hưởng lợi khi tỷ giá CNY/USD tăng cao, khiến giá hàng nhập khẩu từ các nước khác tính ra đồng CNY rẻ đi, thúc đẩy nhập khẩu từ các nước khác vào Trung Quốc, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam có tận dụng được cơ hội xuất hàng vào thị trường Trung Quốc hay chịu thiệt vì nhập siêu cao?
Theo đó, hàng hóa bán từ Việt Nam sang Trung Quốc rẻ hơn đã tạo ra sức cạnh tranh rất lớn cho hàng hóa Việt Nam bán vào Trung Quốc. Các nhà xuất khẩu của Việt Nam nên tận dụng cơ hội này để xuất khẩu hàng hóa của mình vào thị trường Trung Quốc như hàng tiêu dùng, nông sản, điện tử...
Tuy nhiên, ở góc độ doanh nghiệp, một doanh nhân chuyên hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu sang thị trường Trung Quốc lại cho biết bức tranh kinh doanh thực không chỉ có lợi. Cụ thể, vị này cho rằng khi đồng CNY tăng giá sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc nhập khẩu của các doanh nghiệp tại Việt Nam. Ví dụ như việc nhập khẩu các sản phẩm công nghiệp phụ trợ, là các sản phẩm Việt Nam chưa sản xuất được, bắt buộc các doanh nghiệp phải nhập khẩu, do vậy nếu giá cao vẫn phải mua. Theo đó, chi phí vận chuyển cũng sẽ tăng theo, dẫn đến sản phẩm từ kho đến tay người dùng cuối sẽ tăng khoảng 10%.
Bên cạnh đó, không chỉ nhập khẩu, mà cả xuất khẩu cũng gặp khó, theo vị này, nhiều khả năng doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc càng to nguy cơ lỗ càng lớn. Lý do là bởi: "Việt Nam chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu thô, nguyên liệu tinh từ thị Trung Quốc bằng USD (giá rẻ) sau đó ra thành phẩm xuất ngược trở lại. Khi đó, chúng ta xuất sang bằng USD với giá rẻ và nhận về CNY giá cao, chênh lệch tỷ giá như vậy sẽ khiến doanh nghiệp chịu lỗ". Ông này cũng nói thêm là việc lãi – lỗ còn phụ thuộc vào phần trăm trả bằng USD hay CNY khác nhau hay giữa các hình thức vận chuyển sang Trung Quốc. "Nếu tỷ lệ phần trăm đối tác Trung Quốc trả bằng CNY cao thì doanh nghiệp Việt Nam lỗ, còn trong trường hợp trả với tỉ lệ USD lớn thì doanh nghiệp có lãi. Thực tế, doanh nghiệp nước ngoài sẽ lãi còn doanh nghiệp Việt sẽ không lãi", vị này cho biết.
Nhìn chung, giới chuyên môn nhìn nhận khi Nhân dân tệ tăng mạnh, sẽ hỗ tích cực cho tỷ giá của Việt Nam. "Thâm hụt thương mại của Việt Nam - Trung Quốc trong nhiều năm qua là thực trạng khó có thể đi đến cân bằng. Việc Nhân dân tệ lên giá sẽ giúp thu hẹp thâm hụt thương mại, hỗ trợ tỷ giá", một chuyên gia nói. Bên cạnh đó, cần nhớ là tuy kim ngạch thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc lớn, song đồng tiền thanh toán cơ bản vẫn là USD, chỉ có các hợp đồng nhỏ hoặc giao dịch tiểu ngạch thì việc thanh toán sẽ bằng Nhân dân tệ. Do đó, đồng Nhân dân tệ lên giá sẽ không tác động tiêu cực đến doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động xuất nhập khẩu trực tiếp với thị trường 1,41 tỷ dân.
Diễn đàn doanh nghiệp