Nhà đầu tư tăng "thèm muốn" các tài sản rủi ro
USD quay đầu giảm so với một số đồng tiền chủ chốt do thị trường bớt lo ngại về ảnh hưởng của virus biến thể Omicron đối với kinh tế toàn cầu – khiến cho các tiền tệ rủi ro lại lên ngôi, với đô la Australia tăng mạnh 3 phiên liên tiếp.
- 08-12-2021Giá USD, AUD, vàng đồng loạt tăng mạnh, Bitcoin vượt 51.000 USD
- 07-12-2021USD ngân hàng tăng tiếp sau phiên tăng bất thường và mạnh nhất 2 năm
Chỉ số Dollar index – so sánh đồng bạc xanh với rổ 6 đồng tiền đối tác chủ chốt – giảm 0,2% xuống 96,06. Mặc dù vậy, đây vẫn là mức gần cao nhất 16 tháng – đạt được vào tháng trước.
Michael Brown, nhà phân tích cấp cao thuộc công ty thanh toán Caxton, cho biết: "Mối lo ngại về biến thể Omicron có vẻ đang giảm dần, đặc biệt khi ngày càng có nhiều dữ liệu cho thấy người nhiễm biến thể này có những triệu chứng nhẹ hơn so với những gì mọi người tưởng tượng lúc ban đầu. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có xác nhận chính thức nào về vấn đề này.
Sự "thèm muốn" của các nhà đầu tư đối với các tài sản rủi ro đã có sự cải thiện trong tuần này sau khi thông tin từ Nam Phi cho biết những bệnh nhân của virus Omicron chỉ xuất hiện những triệu chứng nhẹ.
Những dấu hiệu sơ bộ chỉ ra rằng biến thể mới có khả năng lây truyền ở mức độ cao hơn nhưng ít nghiêm trọng hơn, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, Anthony Fauci, cho biết.
Bên cạnh đó, những thông tin về hiệu quả của thuốc và vắc xin đối với virus Omicron cũng khiến nhà đầu tư thêm phấn chấn. Theo đó, các vắc xin của BioNTech và Pfizer có hiệu quả với virus Omicron nếu tiêm 3 mũi. Đây là những nhà sản xuất vắc xin Covid-19 đầu tiên đưa ra bản cập nhật chính thức về hiệu quả của các mũi tiêm ngừa Omicron. Ngành điều trị bệnh nhân Covid-19 cũng báo tin vui, với việc nhà sản xuất thuốc GSK của Anh thông báo liệu pháp tiêu diệt Covid-19 dựa trên kháng thể của họ với đối tác Vir Biotechnology của Mỹ có hiệu quả chống lại tất cả các đột biến mới của biến thể Covid-19.
Các loại tiền tệ liên quan đến hàng hóa, bao gồm đồng đô la Australia, là những đối tượng hưởng lợi nhiều nhất từ việc tâm lý thích rủi ro của nhà đầu tư tăng lên.
Đồng đô la Australia kết thúc ngày 8/12 theo giờ Việt Nam tăng 0,5% so với phiên liền trước, lên 0,7152 USD, mức cao nhất trong một tuần. Từ đầu tuần đến nay, AUD đã tăng 1,84% so với đồng bạc xanh, mức tăng cao nhất trong vòng 3 tháng.
Ngân hàng Dự trữ Australia cho biết Omicron sẽ không cản trở sự phục hồi kinh tế của nước này.
Bên cạnh đó, ông Brown của Caxton cho rằng động thái gần đây của Trung Quốc - một đối tác thương mại lớn của Australia - nhằm kích thích nền kinh tế đang chậm lại cũng hỗ trợ đồng tiền Australia. Theo đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ngày 6/12 thông báo sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ tiền mặt bắt buộc của các ngân hàng nhằm nới lỏng hoạt động tín dụng và hỗ trợ nền kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu điện và làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới.
Đồng crown của Na Uy cũng tăng khoảng 1,5% so với USD, được hỗ trợ bởi tâm lý rủi ro được cải thiện và giá dầu ổn định.
Đô la Canada nhìn chung không thay đổi trong phiên vừa qua sau khi Ngân hàng Canada giữ nguyên mức lãi suất quan trọng qua đêm ở 0,25% như dự kiến, và duy trì lộ trình sẽ tăng lãi suất vào tháng 4 năm 2022 - lần đầu tiên kể từ khi xảy ra đại dịch .
Đồng bảng Anh giảm 0,4% xuống mức thấp nhất năm 2021 và chứng khoán Anh nhanh chóng chìm vào sắc đỏ trong phiên vừa qua sau thông tin chính phủ Anh sẽ công bố các hạn chế mới chống Covid-19, khiến các nhà đầu tư ồ ạt bán phá giá tài sản của nước này. Tuy nhiên, tác động từ Anh chưa lây lan ra các thị trường khác.
Hầu hết tiền tệ và chứng khoán của các nền kinh tế của các nền kinh tế mới nổi đều tăng trong phiên vừa qua, trong khi đồng zloty của Ba Lan vững vàng trước kỳ vọng ngân hàng trung ương nước này sắp nâng lãi suất.
Chỉ số chứng khoán MSCI và chỉ số tiền tệ của các thị trường mới nổi kết thúc ngày 8/12 tăng lần lượt 0,4% và 0,2% theo xu hướng hồi phục của thị trường chứng khoán toàn cầu.
Các ngân hàng trung ương ở các thị trường mới nổi đã liên tục tăng lãi suất trong năm nay để kiềm chế lạm phát gia tăng. Tuy nhiên, rủi ro liên quan đến tỷ giá đồng USD tăng đã làm giảm sức hấp dẫn của các đồng tiền các nền kinh tế mới nổi.
Nhân dân tệ của Trung Quốc tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 3,5 năm, 6,3629 CNY, sau khi ngân hàng trung ương nước này ấn định tỷ giá hối đoái tham chiếu ở mức cao nhất hơn 6 tháng, là 6,3677 CNY, trong bối cảnh các nhà giao dịch cho rằng doanh số bán đô la doanh nghiệp tăng mạnh trước cuối năm. Trên thị trường, CNY cuối ngày 8/12 ở mức 6,3540 CNY, tăng hơn 118 pip so với phiên trước.
Chiến lược gia Kimberley Mundy của Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia viết: "Thời điểm hiện tại không có ‘chất xúc tác’ cho việc cặp USD/CNY giảm giá".
Đồng zloty của Ba Lan = tăng nhẹ so với đồng euro, do các nhà đầu tư dự đoán ngân hàng trung ương Ba Lan sẽ tăng lãi suất ít nhất 50 điểm phần trăm lên mức cao nhất trong vòng hơn 6 năm để đối phó với lạm phát – đang cao nhất 2 thập k ỷ.
Lãi suất của Ba Lan dự báo tăng mạnh.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin tiếp tục hồi phục sau đợt giảm giá mạnh đột ngột hôm 4/12. Trong ngày 8/12, Bitcoin tăng 0,73% lên 50.893,08 USD sau khi Quốc hội Mỹ nghe ý kiến của các giám đốc điều hành hàng đầu đến từ sáu công ty tiền điện tử về sự cần thiết phải áp dụng các quy tắc mới đối với tài sản kỹ thuật số.
Diễn biến giá bitcoin ngày 8/12
Giá vàng thế giới gần như đi ngang sau khi USD giảm giá bù đắp cho tác động từ việc lợi tức trái phiếu Mỹ tăng.
Giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 8/12 theo giờ Việt Nam vững ở mức 1.783,5 USD/ounce, giảm khỏi mức cao kỷ lục lúc đầu phiên là 1.792,90 USD. Giá vàng giao sau 2 tháng giảm 0,1% xuống 1.783,00 USD do lo ngại về virus Omicron giảm bớt.
Về triển vọng thị trường tài chính, các nhà phân tích của ING cho biết: "Sự chú ý trên thị trường ngoại hối quay trở lại với các ngân hàng trung ương và cách họ lên kế hoạch chống lại lạm pahts nóng".
Sắp tới sẽ có các cuộc họp quan trọng của các ngân hàng trung ương ở Ba Lan và Brazil, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ họp vào tuần tới.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk