MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhận diện 10 nhà đầu tư muốn tham gia dự án 'treo' 26 năm ở TP HCM

17-03-2019 - 08:40 AM | Bất động sản

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong nước có tên tuổi của lĩnh vực bất động sản đều muốn đấu thầu dự án Bình Quới - Thanh Đa. Ngược lại, không ít đơn vị khá mới, tên lạ.

1 dự án 'treo' 26 năm, 10 doanh nghiệp muốn đầu tư

Mới đây, Sở Kế hoạch & Đầu tư TP HCM công bố danh sách 10 doanh nghiệp đã gửi văn bản đề nghị được tham gia đấu thầu dự án Bình Quới - Thanh Đa.

Theo danh sách này, Bình Quới - Thanh Đa tiếp tục thu hút sự chú ý của hai tập đoàn lớn trong nước là Sunshine và Tân Hoàng Minh.

Trong đó, Sunshine Group được biết đến là chủ đầu tư của hàng loạt dự án thuộc phân khúc hạng sang tại Hà Nội, TP HCM, Nha Trang. Bộ sưu tập các dòng sản phẩm hạng sang của tập đoàn này gồm Sunshine Apartment (dự án căn hộ hạng sang, chung cư cao cấp), Sunshine Villas (biệt thự sinh thái nghỉ dưỡng nội đô), Sunshine Sky Villas (biệt thự trên không), Sunshine Marina (nghỉ dưỡng đa trải nghiệm theo mô hình phức hợp). Các loại hình đều được ứng dụng nền tảng công nghệ để tạo ra các căn hộ thông minh.

Nhận diện 10 nhà đầu tư muốn tham gia dự án treo 26 năm ở TP HCM  - Ảnh 1.

Danh sách 10 nhà đầu tưđề nghị được tham gia đấu thầu dự án.

Ngoài bất động sản, doanh nghiệp này còn đầu tư vào giáo dục, y tế, thương mại và thương mại điện tử, công nghệ, dịch vụ - giải trí… Mới đây, Tập đoàn này còn cho ra đời hệ thống siêu thị Sunshine Mart tại đường Hoàng Mai và Phạm Hùng, Hà Nội.

Về Tân Hoàng Minh, Tập đoàn đang sở hữu những khu đất vàng giữa trung tâm và các vị trí đắc địa tại Hà Nội như D'. Le Pont D’or - Hoàng Cầu, D’. Palais Louis – Nguyễn Văn Huyên, D’. Le Roi Soleil - Quảng An, D’. El Dorado – Phú Thượng, Phú Thanh… Tuy nhiên cho đến nay, một số dự án tại Hà Nội ít tiến triển.

Tại TP HCM, tập đoàn này cũng từng tham gia đấu giá để sở hữu miếng đất vàng hơn 3.000 m2 thuộc 23 Lê Duẩn, quận 1 vào năm 2015. Liên quan đến vụ đấu giá, Tân Hoàng Minh đã phải trả 1.430 tỷ đồng, gấp 2,6 lần giá khởi điểm để sở hữu miếng đất. Tuy nhiên sau đó, Tân Hoàng Minh đã chậm nộp tiền theo tiến độ và đến cuối năm 2016 mới hoàn tất nghĩa vụ tài chính này.

Nhận diện 10 nhà đầu tư muốn tham gia dự án treo 26 năm ở TP HCM  - Ảnh 2.

Dự án 23 Lê Duẩn vẫn được rào kín sau vài năm đấu giá. Ảnh: VNF.

Tân Hoàng Minh dự kiến xây dựng Khu phức hợp văn phòng, trung tâm thương mại dịch vụ trên diện tích đất đấu giá. Tuy nhiên 2 năm qua, khu đất vẫn chỉ được rào kín, bỏ không, chưa có bất kỳ động thái xây dựng nào khác.

Ngoài hai doanh nghiệp tên tuổi trong nước, danh sách còn có nhà đầu tư nước ngoài là Liên danh CTCP Đầu tư Golden Star và Công ty TNHH Capital Land.

Golden Star chính là công ty mẹ của CTCP BCLand, đơn vị sở hữu khu đất hơn 6 ha tại Bình Trưng Đông, quận 2, TP HCM. Năm 2018, Capital Land đã mua với miếng đất giá 1.380 tỷ đồng, gồm 100 căn nhà ở gắn liền với đất và dự kiến hoàn thành vào năm 2021.

CapitaLand không còn xa lạ ở Việt Nam, bởi đây là thị trường đầu tư lớn thứ ba tại Đông Nam Á, sau Singapore và Malaysia. Không chỉ phát triển bất động sản tại TP HCM, doanh nghiệp này còn thông qua M&A mua dự án 0,9 ha tại quận Tây Hồ, Hà Nội để xây dựng một khu phát triển tích hợp.

Theo số liệu cập nhật mới nhất, danh mục đầu tư của CapitaLand tại Việt Nam đạt 1,1 tỷ USD, bao gồm gần 8.000 căn nhà, hai trung tâm bán lẻ và hơn 4.800 căn hộ dịch vụ trên 7 tỉnh thành là TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long, Đà Nẵng, Bình Dương và Nha Trang.

Ngoài những doanh nghiệp kể trên thuần về bất động sản thì một số công ty khác trong danh sách lại trái ngược hoàn toàn. Công ty TNHH Roytrade hoạt động trong ngành buôn bán máy móc, phân bón, thiết bị đồ dùng gia đình; Đại lý, môi giới, đấu giá; Tổ chức giới thiệu và xúc tiến thương mại...

CTCP Đầu tư Quốc tế FED Việt Nam lại khai thác đá, cát, sỏi, đất sét; Vận tải hành khách, hoàn thiện công trình; Trồng rừng, khai thác lâm sản trừ gỗ... Công ty TNHH TM Petro Đông Nam Á bán buôn nhiên liệu rắn, lỏng, khí và các sản phẩm liên quan; Bán buôn xăng, dầu, nhớt, nhựa đường; Kinh doanh, môi giới, đấu giá bất động sản.

Nhận diện 10 nhà đầu tư muốn tham gia dự án treo 26 năm ở TP HCM  - Ảnh 3.

Bình Quới - Thanh Đa phần nhiều vẫn là ruộng vườn bỏ không. Ảnh: TT

Có doanh nghiệp xin đầu tư rồi sao?

Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội TP HCM tháng 2, ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP, cho biết các nhà đầu tư đưa ra những điều kiện thể hiện trách nhiệm muốn tham gia đấu thầu và phát triển dự án trên. Tuy nhiên, họ cũng đưa ra các yêu cầu với TP HCM như thời gian giao đất, chi phí giải phóng mặt bằng... nếu nhà đầu tư trúng thầu.

Theo Chánh văn phòng UBND TP HCM, TP đang rà soát lại quy hoạch toàn bộ dự án và tiến hành nghiên cứu điều chỉnh lại quy hoạch cho phù hợp thực tiễn, điều chỉnh lại ranh dự án, tạo điều kiện cho người dân nằm ngoài ranh dự án phát triển theo quy hoạch đã được duyệt.

Xác nhận với Người Đồng Hành, một nguồn tin từ Tập đoàn Tân Hoàng Minh cho biết doanh nghiệp này đã nộp văn bản đề nghị tham gia đấu thầu dự án Bình Quới - Thanh Đa với đề xuất lập đồ án quy hoạch Khu đô thị.

KTS. TS Ngô Viết Nam Sơn trong một lần trả lời phỏng vấn trước đây có cho rằng TP HCM cần chủ động trong cơ chế và tìm kiếm nhà đầu tư đủ tiềm lực. Đồng thời thành phố không nên vạch quy hoạch trước rồi tìm nhà đầu tư sau, quy trình này không khác gì đặt cái cày đứng trước con trâu.

Ông Nam Sơn nêu quan điểm một nhà đầu tư làm tất cả dự án là tốt nhưng không dễ. Để tối ưu nhất, TP HCM cần tổ chức chọn nhiều nhà đầu tư cùng tham gia và thực hiện với hình thức hợp tác công tư. Theo đó nhóm nhà đầu tư sẽ liên doanh với Nhà nước để cùng thực hiện dự án.

Nhận diện 10 nhà đầu tư muốn tham gia dự án treo 26 năm ở TP HCM  - Ảnh 4.

Thanh Đa - Bình Quới chỉ có một cây cầu độc đạo nối sang trung tâm TP HCM đi các địa phương khác. Ảnh: GG map

Ông hiến kế với nhà đầu tư, người dân cần được tái định cư tại chỗ nên phải có giải pháp chỉnh trang đô thị kết hợp xây mới, làm phân khu phù hợp. Quy hoạch cần phân định phần đất làm khu đô thị, giải quyết câu chuyện đường giao thông hạ tầng kết nối bán đảo với các khu khác... Thanh Đa - Bình Quới cần có các cây cầu nối liền hạ tầng bán đảo với các quận, huyện của thành phố chứ không phải một cây cầu độc đạo như hiện nay.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), cho rằng quy hoạch nào cũng cần đền bù thỏa đáng cho người dân Thanh Đa - Bình Quới. Thành phố phải giải quyết tái định cư theo nguyên tắc dự án có trên 10 ha thì phải tổ chức tái định cư tại chỗ. Thành phố nên cho nhà đầu tư xây một khu nhà ở thương mại trong chính dự án để tái định cư tại chỗ, người dân được hỗ trợ 50% giá trị căn nhà đó.

Nhận diện 10 nhà đầu tư muốn tham gia dự án treo 26 năm ở TP HCM  - Ảnh 5.

Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa được TP HCM phê duyệt vào năm 1992. Đến năm 2004, thành phố thu hồi đất, giao cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, dự án không thể triển khai. Sau đó, thành phố giao cho một tập đoàn trong nước lập đồ án quy hoạch phân khu (1/2.000).

Đến cuối năm 2015, Liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (Tiểu vương quốc Ả rập Thống Nhất) được UBND TP HCM chỉ định là nhà đầu tư với số vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Thời gian triển khai thực hiện dự án dự kiến 50 năm, trong đó xây dựng hoàn thành hạ tầng kỹ thuật chính là 5 năm kể từ ngày ký hợp đồng.

Tuy nhiên, đến giữa năm 2017, Công ty maar Properties PJSC xin rút khỏi dự án và thành phố đã có văn bản xin ý kiến Chính phủ chấp thuận cho Bitexco tiếp tục là nhà đầu tư thực hiện dự án này.

Đến tháng 8/2018, TP HCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức đấu thầu chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.

Theo Khổng Chiêm

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên