MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhận diện các loại hình Fintech

06-08-2022 - 13:30 PM | Kinh tế số

Nhận diện các loại hình Fintech

Fintech (Financial Technology) được định nghĩa là sự đổi mới trong các dịch vụ tài chính được hỗ trợ bởi công nghệ dẫn đến các mô hình kinh doanh, các ứng dụng, quy trình hoặc sản phẩm mới có ảnh hưởng trọng yếu đến việc cung cấp dịch vụ tài chính. Theo phân loại Ban Ổn định Tài chính FSB, các hoạt động của Fintech được chia thành 5 loại dịch vụ tài chính, gồm: thanh toán và thanh toán bù trừ; nhận tiền gửi, cho vay và huy động vốn tài trợ; bảo hiểm; quản lý đầu tư; và các dịch vụ hỗ trợ thị trường.

Dịch vụ thanh toán

Những cải tiến công nghệ trong dịch vụ thanh toán gồm các dịch vụ và ứng dụng liên quan đến các giao dịch thanh toán nội địa và quốc tế trên nền tảng mạng và thiết bị di dộng. Các nền tảng thanh toán quốc tế như Alipay, Android Pay, PayPal, Samsung Pay,... cho phép cho người sử dụng thanh toán hàng hóa, dịch vụ trực tuyến hay chuyển khoản ngân hàng bằng các thiết bị cầm tay như máy tính bảng, điện thoại thông minh.

Ngoài ra, ví điện tử (E-Wallet) cũng chính là ứng dụng của Fintech trong dịch vụ thanh toán. Với chức năng lưu trữ, ví điện tử thường được tích hợp vào tài khoản thanh toán trực tuyến của người dùng để hỗ trợ các giao dịch được thực hiện nhanh chóng và tiện lợi hơn. Ở Việt Nam các nền tảng thanh toán hay ví điện tử có thể kể đến MoMo, VNPAY, Viettel Pay…

Nhận diện các loại hình Fintech - Ảnh 1.

Dịch vụ nhận ký gửi, cho vay và huy động vốn

Cho vay cộng đồng là một trong những ứng dụng hoạt động Fintech. Hoạt động cho vay này chỉ những nền tảng công nghệ trực tuyến giúp cho các cá nhân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể cho vay hoặc nhận các khoản vay trực tiếp lẫn nhau, đồng thời đảm bảo an toàn cho các khoản vay.

Từ năm 2005 đến nay, đã có nhiều nền tảng cho vay cộng đồng hoạt động khá sôi nổi, chủ yếu ở Anh và Mỹ như Prosper, Zopa, Lending Club, Funding Circle, Upstart,...

Tiếp đến, huy động vốn cộng đồng mô tả một hình thức gọi vốn mở, chủ yếu thông qua Internet, để huy động các nguồn tài chính dưới hình thức quyên góp đổi lại bằng sản phẩm hoặc một số hình thức hoàn trả khác. Một số nền tảng huy động vốn nổi tiếng trên thế giới có thể kể đến như Kickstarter, IndieGoGo, GoFundMe, CircleUp...

Ở Việt Nam các doanh nghiệp ứng dụng Fintech vào dịch vụ nhận ký gửi, cho vay và huy động vốn có thể kể đến VietMoney, FE CREDIT, Home Credit, F88…

Nhận diện các loại hình Fintech - Ảnh 2.

Dịch vụ quản lý đầu tư

Fintech trong quản lý đầu tư bao gồm những cải tiến nhằm cung cấp dịch vụ tư vấn, lựa chọn và quản lý danh mục đầu tư và các chỉ số phân tích tổng hợp về tài chính cá nhân. Nền tảng giao dịch xã hội là một trong những cải tiến ứng dụng hoạt động của Fintech. Đây là một hình thức đầu tư trong đó người giao dịch (Followers) có thể quan sát, thảo luận và sao chép các chiến lược đầu tư hoặc danh mục đầu tư của các nhà đầu tư có kinh nghiệm (Leaders) trong cùng mạng xã hội.

Kế tiếp, công nghệ Robo-advice là một cải tiến đột phá liên quan đến hệ thống quản lý danh mục đầu tư. Nhà đầu tư cần khai báo khả năng chấp nhận rủi ro, thời hạn đầu tư ưa thích cũng như các mục tiêu khác để ứng dụng đưa ra những tư vấn thích hợp.

Cuối cùng, công nghệ quản lý tài chính cá nhân (PFM) chỉ các ứng dụng phần mềm hỗ trợ xây dựng kế hoạch tài chính cá nhân. PFM cho phép khách hàng theo dõi được tài sản mà họ đã ký gửi với các tổ chức tài chính khác nhau cũng như các khoản vay từ các bên cho vay khác nhau trong một giao diện. Một số ứng dụng về PFM có thể kể đến Finhay, Money Lover, Tikop…

Dịch vụ bảo hiểm

Những cải tiến công nghệ trong lĩnh vực bảo hiểm thường được gọi là “InsurTechs” (công nghệ bảo hiểm). Một trong những sáng kiến InsurTechs tiêu biểu là những thiết bị đeo trên người có kết nối Internet (Wearables IoT), chẳng hạn như một chiếc đồng hồ thông minh được dùng để theo dõi và phân tích thông tin sức khỏe của khách hàng, từ đó giúp các công ty bảo hiểm đưa ra các dịch vụ tốt hơn và phù hợp hơn.

Ngoài ra, các công ty bảo hiểm đã tận dụng sự phát triển của công nghệ số để tiếp cận với khách hàng tiềm năng trên các cổng thông tin trực tuyến và mạng xã hội thông qua các thiết bị di động với mục tiêu là tăng sự tương tác chủ động của khách hàng và tăng hiệu quả hoạt động. 

Hơn nữa, Insurtech còn giúp cải thiện tốc độ trả lời khiếu nại, giải quyết quyền lợi bảo hiểm. Một số ví dụ về Insurtech có thể kể đến là cổng thông tin EasyClaims của Công ty Bảo hiểm Manulife, cổng GenClaims của Công ty Bảo hiểm Generali,…

Các dịch vụ hỗ trợ thị trường khác

Các dịch vụ hỗ trợ thị trường như công nghệ điện toán đám mây, Big data, xác minh nhận dạng kỹ thuật số, Retech… là những giải pháp công nghệ giúp cho các nền tảng mạng, các ứng dụng, phần mềm có thể hoạt động một cách an toàn, ổn định và hiệu quả, góp phần củng cố cơ sở hạ tầng thị trường.

Một giải pháp khác là xác minh nhận dạng kỹ thuật số, gồm một loạt các công nghệ được sử dụng để xác nhận danh tính của các tác nhân trong các giao dịch tài chính hoặc các ứng dụng khác, do đó giúp ngăn chặn gian lận và đảm bảo an ninh cho người dùng.

https://cafef.vn/nhan-dien-cac-loai-hinh-tai-chinh-cong-nghe-fintech-20220810112452069.chn

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên