MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhận diện 'điểm nghẽn' phát triển công nghiệp hỗ trợ

Nhận diện 'điểm nghẽn' phát triển công nghiệp hỗ trợ

Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam được xác định chưa xứng với tiềm năng thu hút đầu tư nước ngoài. Trong đó, vấn đề chính sách phát triển cho lĩnh vực này được coi là một “điểm nghẽn”.

Ưu tiên hàng nội trong mua sắm công

Sau những tranh cãi xung quanh vấn đề công nghiệp Việt Nam mới chỉ sản xuất được ốc vít bắt biển số xe ô tô thì vấn đề chính sách để phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) lại trở thành chủ đề được bàn thảo rất nhiều. Phát triển CNHT là tiền đề để phát triển nền công nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, những chính sách cho CNHT vẫn chưa thực sự đảm bảo cho sự phát triển này.

Lý giải việc chính sách về công nghiệp chưa theo kịp mong muốn phát triển, ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, hiện nay, dư địa để xây dựng chính sách vào phát triển công nghiệp không còn nhiều do Việt Nam phải tuân thủ các cam kết quốc tế, cũng như nguồn lực trong nước còn hạn chế. Vì vậy, việc tạo sự đồng thuận giữa các bộ, ngành trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách gặp nhiều khó khăn, kéo dài thời gian, ảnh hưởng đến tính kịp thời và hiệu quả của chính sách.​

Ông Hoài cũng cho biết, năm 2023, Cục Công nghiệp sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách cũng như các hoạt động hỗ trợ khác nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp nhanh và bền vững. Theo đó, Bộ sẽ xây dựng một đạo luật chuyên ngành về phát triển công nghiệp nền tảng (dự kiến gọi tên là Luật Công nghiệp nền tảng thay vì Luật Phát triển công nghiệp). Dự kiến Hồ sơ sẽ được trình Chính phủ tại phiên họp chuyên đề pháp luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 31/3/2023.

Tuy nhiên, do hệ thống pháp luật cần có thời gian xây dựng và hoàn thiện nên để đáp ứng công tác quản lý Nhà nước, hỗ trợ phát triển ngành, Cục sẽ xây dựng các chiến lược phát triển một số ngành công nghiệp trọng điểm. Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững ngành dệt may - da giày giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tiếp nối kết quả của năm 2022, Cục Công nghiệp sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển ngành sữa, chiến lược ngành ô tô và chiến lược ngành thép theo hướng công nghiệp xanh.

Ngoài ra, Bộ cũng sẽ triển khai hiệu quả chương trình phát triển CNHT, góp phần nâng cao năng lực doanh nghiệp (DN) trong nước, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng nhập khẩu. Đồng thời, Cục Công nghiệp sẽ tiếp tục nỗ lực tập trung đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế, nâng cao vai trò của các DN công nghiệp đầu tàu trong nước; Cũng như phát huy vai trò của các Hiệp hội ngành hàng để thúc đẩy liên kết sản xuất với các DN trong nước, khuyến khích các dự án ưu tiên sử dụng nhiều nguyên liệu, linh phụ kiện nội địa nhằm nâng cao tính độc lập, tự chủ.

Đáng chú ý, trước mắt, Cục sẽ xây dựng cơ chế, tham mưu các chính sách đặt hàng sản xuất và chính sách mua sắm công theo hướng ưu tiên sử dụng hàng hóa nội địa, đặc biệt là các cơ quan Nhà nước, các tập đoàn, DN Nhà nước như EVN, PVN, Viettel, VNPT… cần phải ưu tiên mua sắm, đặt hàng của các DN trong nước.

Sẽ có chính sách cấp bù lãi suất?

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, mặc dù các DN nội địa đã và đang gia tăng sự xuất hiện trong chuỗi sản xuất toàn cầu nhưng số lượng này chưa tương xứng với tiềm năng thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, đại diện Cục Công nghiệp cho rằng, để vào được chuỗi cung ứng toàn cầu, giành được đơn hàng thì phải rẻ hơn hàng Trung Quốc, nhưng cạnh tranh về giá luôn là thách thức với các DN công nghiệp Việt Nam vì các bất cập của chính sách thuế, phí, lãi vay...

Đây cũng là vấn đề mà nhiều DN đã chia sẻ và có kiến nghị thông qua các diễn đàn, hội thảo về phát triển công nghiệp. Theo đó, hầu hết DN đều mong muốn có nguồn vốn với lãi suất hợp lý; Chính sách cho vay với DN làm CNHT cũng phải linh hoạt, không đánh đồng với các DN ngành nghề khác, ví dụ, DN công nghiệp cần được dùng tài sản thế chấp là máy móc thay vì chỉ là bất động sản, kho, bãi…

Ông Nguyễn Vân - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN CNHT TP Hà Nội kiến nghị, các tổ chức ngân hàng quan tâm cho các DN ngành CNHT được tiếp cận nguồn vốn tốt, thời hạn cho vay dài, bởi nhiều DN CNHT phải đầu tư 2-3 năm, thậm chí 5-10 năm mới có lãi.

Lãnh đạo Cục Công nghiệp cũng khẳng định, cần phải có chính sách tín dụng ưu đãi cho DN CNHT bởi thực sự các chính sách hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu DN. Do đó, khi xây dựng luật, Cục Công nghiệp sẽ chú trọng vấn đề như chính sách thuế, trong đó, sẽ có chính sách kích cầu cấp bù lãi suất, “vì lãi suất mười mấy phần trăm không ai đi làm công nghiệp cả” - ông Hoài chia sẻ.

Theo Nhật Thu

Báo Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên