Nhận diện điểm sáng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay
Một số chỉ báo kinh tế vĩ mô đang theo chiều hướng tích cực, tăng trưởng kinh tế có xu hướng tốt lên, quý sau cao hơn quý trước. Điểm sáng xuất hiện ở khu vực đầu tư công, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, lạm phát kiểm soát tốt.
- 06-12-2023Tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh Quảng Nam giảm sâu nhất sau 26 năm tái lập tỉnh
- 06-12-2023Đã hoàn thuế được hơn 127 nghìn tỷ đồng
- 06-12-2023TP HCM muốn thu hút chuyên gia bằng thu nhập gần 1,5 tỉ đồng/năm
Tại Diễn đàn Nhịp đập kinh tế Việt Nam 2023 do Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 6/12, TS. Nguyễn Hữu Thọ - đại diện CIEM - đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm tới, với lần lượt 3 mức 5,5% (kịch bản thấp); 6% (kịch bản cơ sở); 6,5% (kịch bản cao); trong đó kịch bản 6% dễ xảy ra nhất, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,42%.
Theo TS Nguyễn Hữu Thọ, một số chỉ báo kinh tế vĩ mô đang theo chiều hướng tích cực, tăng trưởng kinh tế có xu hướng tốt lên, quý sau cao hơn quý trước. Quý IV này, tăng trưởng ước đạt 7,72%, cả năm ở mức 5,19% (không đạt mục tiêu). Điểm sáng xuất hiện ở khu vực đầu tư công, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, lạm phát kiểm soát tốt.
Bên cạnh những mặt tích cực, ông Thọ chỉ ra một số thị trường còn bất cập, như trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản trầm lắng; thị trường điện căn bản đủ nhưng thiếu nguồn cung cục bộ vào mùa khô. Nhiều chỉ tiêu khó đạt mục tiêu đề ra, như GDP bình quân đầu người, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân năm… Trong đó, tốc độ tăng năng suất lao động năm 2023 ước đạt 3,7 - 4,7%, “hụt” đáng kể so với kế hoạch năm nay đề ra 5-6%.
Nguyên nhân của khó khăn, vướng mắc do cả yếu tố bên ngoài và nội tại. “Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế còn chậm, còn có tình trạng mâu thuẫn chồng chéo, thiếu thống nhất của một số quy định pháp luật; việc cắt giảm điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính có nơi còn chậm, chưa kịp thời, chưa quyết liệt. Năng lực hấp thụ vốn giảm; tỷ lệ doanh nghiệp rút lui thị trường tăng mạnh, có những thời điểm (tháng 1) cứ 100 doanh nghiệp thành lập mới thì có 169 doanh nghiệp rút lui thị trường.
Sau 2 năm dịch COVID-19, nguồn lực của Nhà nước cũng bị ảnh hưởng nên thực hiện chính sách hỗ trợ không thể đột phá. Một chính sách có nhưng cũng khó triển khai kịp thời do nhiều nguyên nhân khác nhau”, ông Thọ chỉ ra.
Bước sang năm 2024, TS Nguyễn Hữu Thọ cho rằng, lạm phát dự báo vẫn ở mức cao, thậm chí có phần cao hơn năm 2023; nên việc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ vẫn khó khăn, đòi hỏi linh hoạt hơn. Năm nước đối tác thương mại lớn của Việt Nam dự báo tăng trưởng trái chiều (3 giảm, 2 tăng). Những khó khăn, vướng mắc của năm nay gần như vẫn chuyển tiếp, kéo dài sang năm 2024.
Tuy nhiên, điểm tích cực là kinh tế tăng trưởng ổn định trong thời gian dài tạo đà và lực cho phục hồi thuận lợi hơn. Vị thế chính trị và thương mại của Việt Nam ngày càng được quốc tế chú trọng hơn (nâng cấp quan hệ quốc gia với Mỹ, một số FTA mới phát huy hiệu lực). Nhà nước chú trọng hỗ trợ phục hồi kinh tế, một số chính sách hỗ trợ đã được Quốc hội đồng ý kéo dài sang 2024. Theo đó, đại diện CIEM cho rằng, ở kịch bản cơ sở, tăng trưởng kinh tế 2024 có thể đạt mức 6%, trong phạm vị Quốc hội giao là 6-6,5%.
Bà Ramla Khalidi - Trưởng Đại diện thường trú của UNDP - lưu ý: “Đổi mới công nghệ, chuyển đổi năng lượng và những thay đổi trong chiến lược địa chính trị đã tạo ra những cơ hội lịch sử để Việt Nam đẩy nhanh chuyển đổi kinh tế, thâm nhập các thị trường mới cho hàng hóa và dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn, và tăng giá trị của hàng xuất khẩu. Khả năng tận dụng những cơ hội này của Việt Nam sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với khả năng duy trì tăng trưởng năng suất ở mức thu nhập cao hơn - nói cách khác là tránh bẫy thu nhập trung bình”.
Chuyên gia kinh tế quốc tế cấp cao của UNDP - ông Jonathan Pincus - khuyến nghị, hầu hết các quốc gia đều trải qua tình trạng giảm năng suất khi đối mặt sự cạnh tranh cả trong lĩnh vực sản xuất thâm dụng lao động và thâm dụng tri thức (bị chèn ép bởi các nước nghèo hơn và giàu hơn). “Các nước thành công đều đã đầu tư mạnh cho trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp trong nước. Mối quan hệ với các công ty sản xuất cuối chuỗi cung ứng rất quan trọng. Trong khi đó, cộng đồng khoa học của Việt Nam cũng là một lợi thế so sánh tiềm tàng”, ông Jonathan Pincus nhấn mạnh.
Tiền phong