Nhận diện ngân hàng bơm vốn khủng nhất cho công ty chứng khoán
Vietcombank, BIDV, MSB, VPBank, VIB, Wooribank tạm là những ngân hàng đã tài trợ vốn mạnh cho các công ty chứng khoán có số dư cho vay margin cao...
- 27-01-2021Lộ diện Top 10 lợi nhuận ngân hàng năm 2020
- 27-01-2021Ngân hàng lãi đậm kinh doanh ngoại hối, chứng khoán đầu tư trong năm 2020
Phần "khác" là phần chưa được thuyết minh rõ tổ chức tài trợ vốn. Nguồn: Báo cáo tài chính các công ty chứng khoán
Lãi suất vay nợ ngắn hạn của các công ty chứng khoán trong năm 2020 có thời điểm xuống mức 3%/năm cho khoản vay ngân hàng kỳ hạn dưới 1 tháng. Dù vậy, các công ty chứng khoán cũng có những khoản vay với lãi suất lên đến 10%/năm.
Thống kê báo cáo tài chính của 25 công ty chứng khoán có dư nợ cho vay khách hàng lớn cho thấy, đến cuối năm 2020, tổng vay nợ của 25 công ty nói trên lên đến 84.977 tỷ đồng, tăng bình quân 48,9% so với hồi đầu năm và tăng 24,9% so với cuối quý 3/2020. Trong đó, vay ngắn hạn các ngân hàng là 76.852 tỷ đồng, tăng bình quân 65% so với đầu năm và tăng 28,6% so với 3 tháng trước đó.
Tuy nhiên, số dư vay nợ cuối kỳ của các công ty chứng khoán chỉ phản ánh phần nào kênh vốn từ các ngân hàng chảy vào lĩnh vực chứng khoán trong năm 2020. Bởi, trên thực tế, các công ty chứng khoán đã tăng vay mạnh trong kỳ và giải phóng nợ vay ở cuối kỳ để có số dư thấp.
20/25 công ty chứng khoán nói trên đã phát sinh vay nợ ngắn hạn với các ngân hàng lên đến 461.467 tỷ đồng, tương đương khoảng 20 tỷ USD, gấp bình quân 6 lần so với số dư vay nợ ngắn hạn cuối kỳ của các công ty. Và các ngân hàng trong nước vẫn là bên tài trợ vốn chính cho các công ty chứng khoán, kể cả công ty chứng khoán do các Tập đoàn tài chính nước ngoài chi phối.
Dựa trên số liệu thuyết minh báo cáo tài chính của các công ty chứng khoán, Vietcombank đang dẫn đầu các nhà tài trợ vốn cho thị trường chứng khoán, với số phát sinh trong năm 2020 hơn 27.510 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD), gấp khoảng 5 lần số dư cho vay ngắn hạn cuối kỳ của ngân hàng đối với các công ty chứng khoán. Các công ty chứng khoán được Vietcombank cho vay lớn trong kỳ như SSI (phát sinh 17.352 tỷ đồng), KB Securities (phát sinh 6.883 tỷ đồng), ACBS và MBS với số phát sinh 1.350 tỷ đồng và 1.230 tỷ đồng.
Tiếp sau Vietcombank là ngân hàng BIDV với số phát sinh cho vay trong năm 2020 hơn 21.202 tỷ đồng, gấp 4 lần số dư vay ngắn hạn cuối kỳ của các công ty chứng khoán nói trên. Các công ty chứng khoán được BIDV cho vay lớn trong kỳ gồm: SSI (phát sinh 14.098 tỷ đồng), KB Securities 1.829 tỷ đồng, KIS phát sinh 1.827 tỷ đồng, PHS phát sinh 3.207 tỷ đồng.
Ngân hàng MSB đã cho các các công ty chứng khoán vay 6.088 tỷ đồng chủ yếu tài trợ cho KB Securities và MBS. Ngân hàng VPBank với 5.135 tỷ đồng phát sinh với KB Securities, MBS, TCBS và ACBS. Ngoài ra, các ngân hàng như SHB (tài trợ cho SHS), VIB và TPBank cũng nằm trong danh sách các tổ chức bơm vốn mạnh cho các công ty chứng khoán.
Về phía các tổ chức tài chính nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, Wooribank, CTBC, Indovinabank, Shinhan Việt Nam là những tổ chức đã tài trợ vốn lớn cho các công ty chứng khoán trong năm 2020. Wooribank cho vay hơn 2.814 tỷ đồng bao gồm KIS, MBS, ACBS, KB Securities. Indovinabank cho các công ty chứng khoán như MBS, KB Securities, TCBS vay.
Các tổ chức tín dụng của Việt Nam đang là nhà tài trợ vốn chính cho các công ty chứng khoán bao gồm công ty chứng khoán có vốn đầu tư lớn của nước ngoài, với tỷ lệ từ 50% đến thậm chí 90%. Đơn cử như các khoản giao dịch phát sinh vay nợ trong năm 2020 của KB Securities có 90% đến từ các ngân hàng trong nước; hay như KIS có đến 50% giá trị vay phát sinh trong kỳ đến từ các ngân hàng trong nước. Tương tự ở MBS, ACBS, PHS, FPTS…cũng ở mức 60 - 80%.
Vneconomy